Một nhà phân tích nói với tờ Financial Times hôm thứ Sáu, Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga dự kiến sẽ đạt doanh thu cao hơn 85% trong năm nay, lên khoảng 100 tỷ đô la, do giá khí đốt tự nhiên tăng sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và việc cắt giảm đáng kể xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu.
Ron Smith, một nhà phân tích dầu khí tại BCS Global Markets, nói với FT, bằng cách bóp nghẹt nguồn cung sang châu Âu, Gazprom đã đẩy giá khí đốt tự nhiên cao gấp ba lần so với giá năm ngoái, bù đắp cho khối lượng thấp hơn mà Nga đang xuất sang châu Âu.
Sau khi cắt giảm dần dòng chảy qua tuyến đường ống quan trọng đến Đức trong suốt mùa hè, đổ lỗi cho các vấn đề sửa chữa tuabin khí, Gazprom tuần trước cho biết đường ống dẫn khí Nord Stream sẽ vẫn đóng cửa vô thời hạn. Hôm thứ Hai tuần trước, Điện Kremlin đã đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây ra tình trạng này.
“Khi ngừng hoạt động vào ngày 31 tháng 8, lưu lượng 32mcm/ngày của Nord Stream 1 chiếm khoảng 3% tổng nguồn cung ở châu Âu. Mặc dù một lượng nhỏ nhưng lượng khí này sẽ cần được thay thế bằng các phương pháp đắt tiền hơn nhiều - hoặc thu hút thêm LNG từ thị trường toàn cầu hoặc bằng cách phá hủy nhu cầu ở châu Âu”, Thomas Rodgers, nhà phân tích thị trường khí đốt tại Independent Commodity Intelligence Services (ICIS), cho biết vào ngày mà Gazprom cho biết Nord Stream sẽ đóng cửa vô thời hạn.
Tính đến ngày 2 tháng 9, dòng chảy còn lại của Nga đến châu Âu chỉ chiếm khoảng 7% nguồn cung châu Âu, tính luôn cả LNG được chuyển đi, so với hơn một phần ba tổng nguồn cung sang châu Âu đến từ Nga vào thời điểm này năm ngoái, ICIS lưu ý.
EU đang tìm cách hạn chế nguồn thu của Putin từ khí đốt, và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm thứ Tư cho biết Ủy ban sẽ đề xuất mức giá trần cho khí đốt của Nga vì “Chúng ta phải cắt giảm nguồn thu của Nga mà Putin sử dụng để tài trợ cho cuộc chiến tàn khốc này chống lại Ukraine”.
Cũng trong ngày thứ Tư, Vladimir Putin đe dọa phương Tây rằng Nga sẽ ngừng cung cấp tất cả các sản phẩm năng lượng cho châu Âu nếu EU và các đồng minh phương Tây áp đặt giới hạn giá đối với dầu và khí đốt tự nhiên của Nga.
Một số quốc gia thành viên EU đã phản đối kế hoạch này của Ủy ban về giới hạn giá khí đốt của Nga trong bối cảnh lo ngại rằng Putin sẽ trả đũa bằng cách ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt tới châu Âu.
Nguồn tin: xangdau.net