Các doanh nghiệp (DN) nói rằng kinh doanh dầu ở mức hòa vốn hoặc chỉ lãi chút ít nhưng Bộ Tài chính thì tính toán mức lãi vào khoảng 1.000 đồng một lít.
Giảm thuế thay vì tăng giá
Cụ thể, theo tính toán của ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex, hiện kinh doanh xăng của DN này lỗ khoảng 1.000 đồng một lít, còn kinh doanh dầu chỉ lãi khoảng 200 - 300 đồng một lít (tính theo mức thuế nhập khẩu xăng mới được giảm xuống còn 25%). “20 ngày cuối tháng 1/2009, giá xăng sản phẩm tại thị trường Singapore đã tăng tới 8 USD một thùng. Cộng với đó, tỷ giá đồng một USD tăng 400 đồng so với tháng 12/2008 đã đội chi phí nhập khẩu xăng, dầu tăng lên. Đó là lý do tại sao chúng tôi đề xuất tăng 500 đồng một lít xăng, giảm 300 đồng một lít dầu”, ông Dũng giải thích.
Doanh nghiệp chưa đồng thuận với phương án điều hành giá xăng dầu của cơ quan quản lý.
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Sài Gòn (Saigon Petro) cũng đồng quan điểm với Petrolimex. Ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Saigon Petro lý giải, hiện kinh doanh xăng của DN này đang lỗ từ 1.600 - 1.700 đồng một lít, còn dầu thì lãi khoảng 100 - 200 đồng một lít. Do vậy, Saigon Petro vừa đề xuất với tổ giám sát liên bộ tăng 1.000 đồng một lít xăng. Mặc dù vẫn giảm 500 đồng một lít diesel từ 22h ngày 9/2 theo yêu cầu nhưng Saigon Petro vẫn mong cơ quan quản lý xem xét lại phương án giá này.
Về những kiến nghị của DN kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá cho rằng, đúng là trước đó, DN xăng dầu (Petrolimex) có đề xuất tăng 500 đồng một lít với giá bán lẻ mặt hàng xăng và 300 đồng một lít với giá bán diesel. Tuy nhiên, nếu mức giá đăng ký của DN không hợp lý, cơ quan quản lý sẽ không chấp thuận và có thể có điều chỉnh. Điều này nằm trong thẩm quyền theo quy định trước đó.
Ông Thỏa phân tích thêm: “Phương án giảm 500 đồng một lít dầu, không tăng giá xăng đã được Cục Quản lý Giá cân nhắc rất kỹ. Cụ thể, theo tính toán của Bộ Tài chính, hiện các DN kinh doanh xăng dầu đang lãi khoảng 1.000 đồng một lít diesel, nhưng cơ quan này cũng chỉ yêu cầu giảm 500 đồng một lít. Với mặt hàng xăng, thay vì tăng giá, Bộ Tài chính đã quyết định giảm 10% thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng này từ ngày 10/2 (35% xuống còn 25%). Các biện pháp điều hành này vừa giúp giảm chi phí đầu vào nhiều lĩnh vực sản xuất có sử dụng diesel, vừa hạn chế việc tăng giá bán lẻ xăng, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. “Nói kinh doanh xăng lỗ là phải xem xét lại DN tính giá thế giới theo thời điểm hay tính giá bình quân bởi có thời điểm giá thế giới cao nhưng nếu tính bình quân 25 - 30 ngày thì lại khác”, ông Thỏa lưu ý.
Điều hành cần linh hoạt hơn
Ông Võ Văn Quyền, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại trong nước, Bộ Công thương - cơ quan trực tiếp quản lý hoạt động nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu chia sẻ với Đất Việt: “Việc Petrolimex lùi thời gian giảm giá dầu không hẳn do mức giảm Cục Quản lý Giá yêu cầu cao hơn đề xuất của DN mà chủ yếu do một số yêu cầu khác chưa phù hợp với quy định xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường”. Chẳng hạn, văn bản của Cục Quản lý Giá quy định thời gian giảm giá (22h ngày 9/2); quy định cụ thể mức giá bán buôn, bán lẻ - là những vấn đề nằm trong quyền tự quyết của DN.
Ông Quyền cũng cho biết thêm, trước đó, Bộ Công thương đã có “gói” điều hành cụ thể với mặt hàng xăng, dầu với những phương án điều hành cụ thể về thuế, giá… Tuy nhiên, trong lúc phương án của Bộ Công thương còn đang trong quá trình được trao đổi, thống nhất với Bộ Tài chính thì Bộ Tài chính đã có yêu cầu giảm giá diesel. “Mục tiêu giảm giá diesel để hỗ trợ sản xuất là tích cực. Tuy nhiên, tôi cho rằng, phương án điều hành phải linh hoạt hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN. Chẳng hạn, có thể xem xét giảm thuế với mặt hàng madut hay có thể cho DN giãn thời gian trả ngân sách phải bù lỗ cho mặt hàng này thì áp lực tăng giá của DN sẽ giảm xuống”, ông Quyền nói. Cũng theo ông Quyền, những chính sách này sẽ được Bộ Công thương sớm thảo luận, thống nhất với Bộ Tài chính.
(Báo đất việt)