Các thương nhân đầu mối cho rằng, xăng dầu đang ở ngưỡng bất thường, đột biến, sắp lên 30.000 đồng/lít, cần có hành động ngay!.
“Sắp lên 30.000 đồng một lít, chịu sao nổi...”
Đó là lo lắng của các thương nhân đầu mối xăng dầu khi trao đổi với PV Báo Giao thông. Một thương nhân đầu mối cho biết, giá dầu thế giới từ 1/3 tới nay liên tiếp tăng, có ngày tăng 5-10%, mọi chi phí kéo theo đều tăng.
Như vậy, những ngày qua, ngưỡng biến động đã vượt 10%, là ngưỡng bất thường, đột biến, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Hiện giá xăng RON 95 lên mức 26.830 đồng/lít và E5 RON 92 lên mức 26.070 đồng/lít; Dự báo sẽ chạm ngưỡng 30.000 đồng/lít ở kỳ điều hành giá tới
Theo Nghị định 83 trước đây, nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối có quyền tự tăng giá bán lẻ sau 3 ngày kể từ ngày gửi văn bản báo cáo ban điều hành.
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Bộ này đề xuất mức giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng là 1.000 đồng (trừ ethanol) từ 4.000 đồng/lít xuống 3.000 đồng/lít; Các loại dầu có mức giảm chung là 500 đồng/lít,kg, dự kiến thuế bảo vệ môi trường đối với diesel còn 1.500 đồng/lít, dầu hỏa 500 đồng/lít, dầu mazut 1.500 đồng/lít, dầu nhờn 1.500 đồng/lít, mỡ nhờn 1.500 đồng/kg.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với việc giảm thuế BVMT này, giá xăng (trừ etanol) sẽ giảm tương ứng 1.100 đồng/lít; dầu diezel, dầu mazut, dầu nhờn giảm tương ứng 550 đồng/lít; dầu hoả giảm tương ứng 550 đồng/lít; mỡ nhờn giảm tương ứng 550 đồng/kg.
Và nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7%, thì liên Bộ Công thương - Tài chính phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.
Nghị định 95 sửa đổi bổ sung Nghị định 83 mới có hiệu lực từ 2/1/2022, dù bỏ đi những biến động dưới ngưỡng 10%, nhưng cũng nói rõ: "Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 10% với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về biện pháp điều hành cụ thể".
Do đó, theo thương nhân này, liên Bộ Tài chính - Công thương cần báo cáo phương án với Thủ tướng, nếu được giảm thuế thì cũng cần làm ngay. "Còn chần chờ gì nữa. Giá xăng sắp lên 30.000 đồng một lít, dân chịu sao nổi", vị này nói và tính toán, giá thế giới tăng 10%, thì giá về đến Việt Nam (khi cộng các loại phí, thuế) sẽ thành 15%; Tương đương mức tăng khoảng 3.000 đồng một lít xăng.
Lúc đó, giá xăng vùng 1 chạm ngưỡng 30.000 đồng/lít, còn vùng 2 đã vượt hơn 2%.
"Thuế môi trường phải giảm ít nhất 2.000 đồng/lít, cùng với xả Quỹ bình ổn, thì mới giữ được mặt bằng giá như hiện nay", vị thương nhân này nêu quan điểm.
Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn bày tỏ, trong lúc thị trường xăng dầu “nước sôi lửa bỏng”, nên để họ được hưởng mức thuế VAT 8% (giảm 2% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP), thì giá bán lẻ sẽ giảm xuống.
Còn bất an về nguồn cung
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trước đó đã cam kết cơ bản đáp ứng đủ nguồn cung xăng dầu trong tháng 3. Tuy nhiên, việc giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, khiến cho một bộ phần các thương nhân đầu mối không đủ vốn quay vòng để nhập khẩu thêm xăng dầu khi ngân hàng quy định hạn mức vay.
Một thương nhân đầu mối ở khu vực phía Nam cho biết, doanh nghiệp họ được thông báo cấp hạn mức vay năm 2022 là 2.000 tỷ đồng.
Sau 5 phiên tăng giá liên tiếp kể từ đầu năm đến nay (mức tăng từ 12-16%), hiện giá xăng RON 95 lên mức 26.830 đồng/lít và E5 RON 92 lên mức 26.070 đồng/lít cho vùng 1; Còn giá cho vùng 2 (điểm cách kho đầu nguồn trên 200km, được cộng thêm tối đa 2% vào giá bán vùng 1) lần lượt là 27.360 đồng/lít và 26.590 đồng/lít.
Với mức này, trước đây họ nhập được 4-5 chuyến hàng với giá dầu 40-50 USD/thùng nhưng hiện nay chỉ nhập trọn vẹn được một chuyến 33.000 m3 khi giá lên gấp 2,5 lần.
“Khó khăn dồn dập, nguồn cung xăng dầu sắp tới sẽ còn khó khăn nếu giá thế giới liên tục tăng hàng ngày làm cho giá vốn bán lẻ hàng nhập về cao hơn giá bán lẻ hiện hành, mà giá bán hiện hành lại không được điều chỉnh”, vị này nói và dự báo “sẽ còn tình trạng đóng cửa cây xăng”.
Kịch bản đảm bảo nguồn cung theo cam kết được Thứ trưởng Hải cho biết, Bộ Công thương đã giao 10 doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3, tấn xăng dầu trong quý II.
Việc này đảm bảo nguồn cung kể cả khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không đáp ứng được sản lượng xăng dầu cho thị trường sau tháng 5, thì vẫn có đủ xăng dầu cung ứng cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu người dân.
"Tuy nhiên, điều gì chắc chắn rằng các thương nhân phân phối sẽ mua được xăng dầu từ các đầu mối cho hệ thống của mình, khi ưu tiên vẫn dành cho hệ thống “ruột” trong bối cảnh khan hàng, giữ “cung” đợi tăng giá. Điều này cũng đang diễn ra hơn 1 tháng nay", vị thương nhân đặt vấn đề.”
Nguồn tin: Giao thông