Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không được quyền tự chủ quyết định giá mà vẫn căn cứ vào giá cơ sở để đề nghị với Liên Bộ cho điều chỉnh giá.
Trong công văn số 367/BCT-TTTN đánh giá việc thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Bộ Công Thương nhấn mạnh rằng: “Tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu trong nước được cải thiện. Các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu được chủ động quyết định giá bán lẻ xăng dầu nhưng không cao hơn giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu do Liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố, đã có sự cạnh tranh với nhau giữa các thương nhân phân phối xăng dầu và với thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu. Qua đó doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng được hưởng lợi cũng như được lựa chọn mua xăng dầu với các mức giá phù hợp”.
Tuy nhiên, Hiệp hội cho rằng nhận định trên của Bộ Công Thương chưa đúng với thực tiễn và mang tính chủ quan. Trên thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không được quyền tự chủ quyết định giá mà vẫn căn cứ vào giá cơ sở để đề nghị với Liên Bộ cho điều chỉnh giá. Hầu hết các doanh nghiệp trên đều đưa ra giá bán lẻ tiệm cận sát với mức giá cơ sở.
Theo quan điểm Hiệp hội, tính cạnh tranh trên thị trường trong nước chưa được cải thiện. Qua các cuộc khảo sát thực tế của Hiệp hội, các thương nhân phân phối xăng dầu chưa chủ động để tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu mà phụ thuộc vào giá bán của các thương nhân đầu mối, trong khi các thương nhân đầu mối quyết định giá căn cứ giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu do Liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố. Như vậy, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP bổ sung thêm 2 loại hình thương nhân nhằm đa dạng hóa các loại hình thương nhân tham gia kinh doanh xăng dầu trong đó doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối được quyền quyết định giá bán lẻ nhưng trong thực tế chưa tạo ra được sự cạnh tranh với nhau giữa các loại hình thương nhân, người tiêu dùng hầu hết đều mua xăng dầu với cùng một mức giá trên toàn quốc.
Nguồn tin:Enternews