Hiện giá dầu thô hợp đồng giao tháng 3/2009 giảm 2,58 USD, tương đương 6,88% xuống còn 34,93 USD/thùng. Tại Luân Đôn, giá dầu thô Brent hợp đồng giao tháng 4/2009 cũng giảm 2,25 tương đương 5,2% xuống còn 41,03 USD/thùng sau khi giao dịch trong khoảng 40,72 – 44 USD/thùng. Dù giá xăng dầu thế giới giảm, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn trì hoãn giảm giá vì nhiều lý do.
Giảm giá: Doanh nghiệp lớn nói không, doanh nghiệp nhỏ: Đang chờ
Giá xăng dầu thế giới đang giảm mạnh, người tiêu dùng đang mong chờ giá trong nước sẽ giảm theo. Tuy nhiên, hai đại gia của ngành xăng dầu là Petrolimex và Saigon Petro lại có ý kiến ngược nhau về vấn đề này.
Trao đổi với báo giới về vấn đề này, ông Vương Thái Dũng, Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, với mức giá dầu 48 USD/thùng như hiện nay, Petrolimex đang có lời. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ mức lời của Petrolimex. “Doanh nghiệp luôn chủ động trong việc vận hành giá xăng dầu. Bám sát giá xăng dầu thế giới và vận hành theo cơ chế thị trường”.
Ông Dũng nói việc giảm giá xăng dầu phải theo… nguyên tắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Giảm giá xăng dầu cũng cần độ trễ, thêm vào đó tỷ giá giữa đồng VND/USD cũng đang tăng, gây bất lợi cho những đầu mối nhập khẩu xăng dầu. "Khi có điều kiện chúng tôi sẽ giảm giá ngay". Điều kiện để Petrolimex giảm giá, theo ông Dũng, là công ty đạt được mức lời hợp lý. Đối với giá xăng, ông Dũng xác nhận rằng, công ty vẫn đang bị lỗ hơn 700 đồng/lít, nên công ty chưa tính đến phương án giảm giá.
Theo ông Đặng Vinh Sang, giám đốc công ty dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), hiện lượng hàng tồn kho của công ty lên đến gần 40 triệu lít dầu DO. “Lượng tồn kho của công ty đủ để bán trong vòng một tháng, nên chúng tôi chưa thể giảm giá ngay cho người tiêu dùng. Chúng tôi phải tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu trong thời gian tới mới có thể đưa ra quyết định có giảm giá hay không”, ông Sang nói.
Một lý do nữa mà các doanh nghiệp trì hoãn việc giảm giá dầu là lượng tiêu thụ dầu D.O
Ngày 18/3/2008, ông Đặng Vinh Sang, giám đốc công ty TNHH một thành viên dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cho biết công ty đã gửi công văn cho cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề xuất giảm giá dầu DO. Tuy nhiên, ông Sang không cho biết sẽ giảm giá bao nhiêu và cục Quản lý giá vẫn chưa phản hồi đề xuất của công ty. |
Ông Sang cũng than, với giá dầu hiện tại, công ty chỉ ở mức hòa vốn chứ không có lời và công ty vẫn bị lỗ trong kinh doanh xăng. Thực tế, theo tính toán với giá xăng dầu nhập khẩu hiện nay, doanh nghiệp vẫn lời 1.400 đồng/lít dầu DO và 700 đồng/lít xăng. Dù than như vậy, ông Sang vẫn nói thêm: “Chúng tôi sẽ giảm giá dầu nếu giá dầu tiếp tục ở mức 50 USD/thùng như hiện nay trong vòng một tuần tới”. Ông Sang tính toán giảm “ở mức khả dĩ” là từ 300 đồng đến 500 đồng/lít dầu DO.
Có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh
Ông Nguyễn Văn Kích, phó viện trưởng viện Khoa học pháp lý & kinh doanh quốc tế khẳng định, qua việc cố tình không giảm giá, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh.
“Quy luật của nền kinh tế thị trường là nước lên thuyền lên, nhưng khi nước đã rút mà thuyền vẫn ở trên cao là không ổn”. Ông Kích nói, ở thời thông tin bùng nổ như hiện nay, không cần đến chuyên giá, người dân cũng có thể tính toán được một lít xăng, dầu đang nhập về có giá bao nhiêu. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn than lỗ, nhưng không ai kiểm tra được chứng từ sổ sách của họ khi hạch toán giá cả mặt hàng này.
Rõ ràng là doanh nghiệp trong ngành đã vi phạm luật cạnh tranh bình đẳng và tính công khai minh bạch với người tiêu dùng, chưa tính đến việc một đầu mối xăng dầu nhập khẩu lớn vẫn chiếm thị phần áp đảo, trên 60% thị phần xăng dầu của Việt Nam.
Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng cũng quy định tất cả các thành phần trong xã hội, kể cả doanh nghiệp, đều có chức năng bảo vệ người tiêu dùng. Vì lợi ích cục bộ, xét về một khía cạnh, rõ ràng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã vi phạm pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng.
“Đây là thời điểm để phát huy vai trò của các hội bảo vệ người tiêu dùng”, ông Kích nói. Các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cần có cuộc điều tra xã hội học, chứng minh đây là sai lầm có tính hệ thống, sai lầm có ý thức trong việc cố tình trì hoãn giảm giá xăng dầu. Đơn cử, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM vừa công bố những nhãn sữa thiếu đạm, cơ quan Nhà nước đã can thiệp để bảo vệ cho người tiêu dùng.
(vnMedia)