|
Các doanh nghiệp vận tải không hề đếm xỉa gì đến quyền lợi của khách hàng. |
Tính từ đầu tháng 10 cho đến nay, xăng dầu đã 6 lần giảm giá. Nhưng các doanh nghiệp vận tải, các hãng taxi, với nhiều lý do vẫn cứ "chần chừ" giảm giá cước, gây bức xúc cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc xử lý các doanh nghiệp này gần như là không thể.
Tại cuộc họp về bình ổn giá cước do Hiệp hội Taxi Hà Nội tổ chức gần đây nhất (12/11), nhiều doanh nghiệp đã "hứa" trong thời gian sớm nhất sẽ giảm giá cước khoảng 10%. Nhưng cho đến nay, khi giá xăng đã giảm thêm 1.000 đồng/lít, nhưng nhiều doanh nghiệp taxi ở Hà Nội vẫn chưa có động thái gì. Đã quá 6 ngày kể từ hôm cuộc họp diễn ra, số doanh nghiệp taxi giảm giá cước vẫn chỉ là đếm trên đầu ngón tay.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo CAND chiều 17/11, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết: Hiện các doanh nghiệp đang tính toán để giảm giá cước cho phù hợp, sau khi giá xăng đã giảm thêm 1.000 đồng/lít.
Trong khi đó, tại Bến xe phíaNam hiện có khoảng 60 doanh nghiệp đang tham gia hoạt động và khai thác vận tải. Tại Bến xe Mỹ Đình, trong số hơn 30 doanh nghiệp đang hoạt động, cũng mới chỉ có khoảng 7 doanh nghiệp thực hiện việc giảm giá.
Đặc biệt, tại Bến xe Nước Ngầm, theo lãnh đạo bến xe này cho biết, hiện có gần 30 doanh nghiệp hoạt động tại bến nhưng chưa có doanh nghiệp nào thực hiện giảm giá cước. Chính vị lãnh đạo này cũng rất lấy làm tiếc về việc này, nhưng vì bến xe chỉ có chức năng quản lý bến chứ không có quyền can thiệp vào giá cước của các doanh nghiệp vận tải nên đành chịu...
Cả Chủ tịch Hiệp hội Taxi và Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đều nói rằng, chỉ trong vòng một vài ngày tới là cước taxi, cước vận tải sẽ được giảm. Nhưng khi được hỏi cụ thể là ngày nào thì không ai biết rõ. Và như vậy, người dân sẽ vẫn phải chịu thiệt, mà các doanh nghiệp vẫn ung dung(?!).
Thiết nghĩ, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan quản lý giá cần vào cuộc, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải công khai chi phí, các mức tăng, giảm cước tương ứng với mức tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu để người dân cùng kiểm soát
(CAND)