Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp nói gì về nguồn cung xăng E5?

Nguồn cung xăng E5 hiện tại phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp đầu mối cung ứng.

Nhiều ý kiến lo ngại về nguồn cung xăng E5 chưa đủ để thay thế xăng RON 92. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng với mức tiêu thụ lẻ tẻ thì thời gian đầu không có nhiều áp lực.

Xăng E5 trong nước đáp ứng 40% nhu cầu

Trên thị trường đang có 5 đầu mối kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đang khai thác các trạm trộn xăng E5, bao gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), Công ty TNHH MTV - Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipe Corp), và Công ty cổ phần thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro).

Hai đơn vị khác đã triển khai trạm trộn nhưng chưa hoạt động là Công ty TNHH một thành viên thương mại dầu khí Đồng Tháp và Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thành Lễ.

Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên thương mại dầu khí Đồng Tháp đầu tư 2 trạm trộn tại Đồng Nai và Cần Thơ, tổng công suất khoảng 172.800-230.400 m3/năm. Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thành Lễ đầu tư 2 trạm trộn tại TP.HCM và Bình Dương, tổng công suất khoảng 576.000 m3/năm.

Một đơn vị cũng tham gia cung ứng là Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV lọc hoá dầu Bình Sơn (đơn vị vận hành Dung Quất), cho biết hiện nhà máy lọc dầu Dung Quất xuất bán mỗi năm 1,5 triệu m3 xăng nền A92 cho các đầu mối Petrolimex, Pv Oil, Sài Gòn Petrol, Thành Lễ... pha trộn xăng E5 bán ra thị trường cả nước.

Ngoài ra, đơn vị còn ký kết với PV Oil pha trộn bán cho thị trường miền Trung mỗi tháng 4.000-5.000 m3 xăng E5.

Ông Nguyên cũng thông tin xăng E5 mới chỉ cung ứng 40% nhu cầu thị trường cả nước. 

Với lượng tiêu thụ chưa nhiều như hiện nay, nguồn cung xăng E5 được cho rằng vẫn đảm bảo thay thế RON 92. Ảnh: Lê Quân.

Mức tiêu thụ còn lẻ tẻ nên sẽ chưa nhiều áp lực

Ở thời điểm xăng E5 chuẩn bị ra thị trường thay thế toàn bộ xăng khoáng Ron 92, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng trấn an dư luận, nguồn cung ứng nguyên liệu E100 để sản xuất xăng E5 cho thị trường không quá lo. Bởi hai nhà máy của Công ty Tùng Lâm sản xuất nguyên liệu E100 sẽ đưa ra thị trường 200.000 m3/năm, tương đương 16.000 m3/tháng. Số lượng này đủ để phối trộn 3,9 triệu m3 (3 triệu tấn) xăng sinh học E5 mỗi năm.

Phía Công ty TNHH Tùng Lâm cũng cho biết có 2 nhà máy đang hoạt động là Nhà máy Ethanol Đồng Nai (sản lượng 6.000 m3/tháng) và Nhà máy Ethanol Quảng Nam (sản lượng 10.000 m3/tháng). Ngoài ra, còn có 2 nhà máy đang chuẩn bị sản xuất là Nhà máy Ethanol Bình Phước và Nhà máy Ethanol Dung Quất (dự kiến tháng 3/2018 vận hành sản xuất).

Như vậy, đến cuối tháng 1/2018, các nhà máy sản xuất khoảng 20.000 - 25.000 m3/tháng thì vẫn đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Khi Nhà máy Ethanol Dung Quất hoạt động có thể cung cấp thêm 6.000 - 7.000 m3/tháng.

Ông Bùi Xuân Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty Saigon Petro (SFC), cho rằng với mức tiêu thụ xăng E5 vẫn còn lẻ tẻ như hiện nay thì nguồn cung nhiên liệu này không chịu quá nhiều áp lực.

“Hiện tại với hai trạm phối trộn của mình Saigon Petro vẫn chưa chạy hết công suất vì lượng tiêu thụ chưa đạt đến giới hạn này. Hiệu quả của việc kinh doanh xăng E5 đến đâu vẫn cần thời gian để đánh giá, nhưng trước mắt không có nỗi lo về việc vỡ trận vì thiếu hụt nguồn cung”, ông Vũ cho hay.

Lo nguồn nguyên liệu dài hạn

Nguồn cung xăng E5 hiện tại phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp đầu mối cung ứng. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp cũng đã nâng cấp hệ thống phối trộn đảm bảo vận hành. Tuy nhiên số lượng trạm phối trộn vẫn tương đối ít khi mức tiêu thụ E5 tăng lên.

Petrolmex đã tăng cường đầu tư hệ thống phối trộn ở Hà Nội và TP.HCM. Còn PVOil vẫn đang nâng cấp, cải tạo, tăng công suất các trạm phối trộn hiện có ở các địa phương để có thể tăng cường nguồn cung.

Cần phải đảm bảo nguyên liệu đầu vào để sản xuất Ethanol trong dài hạn. Ảnh: Lê Quân.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phía Nam cho rằng việc trang bị hay lắp đặt các cơ sở phối trộn không quan trọng bằng đảm bảo nguồn cung về nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất Ethanol. Đặc biệt là đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức kết nối vùng nguyên liệu với các hệ thống phân phối.

“Hiện tại các cơ sở bán lẻ chỉ có thể nhập hàng qua các đầu mối kinh doanh xăng dầu như Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro… nên việc đảm bảo hạ tầng phối trộn của các đơn vị này là bắt buộc. Tuy nhiên, nguyên liệu đầu vào ổn định mới đảm bảo các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học vận hành hiệu quả. Từ đó mới giải quyết được bài toán nguồn cung”, vị này cho biết.

Ông cũng lo ngại khi lâu nay, nguyên liệu cho sản xuất chỉ cung ứng cho Công ty TNHH Tùng Lâm, khi các nhà máy công suất lớn tái khởi động, cần một lượng nguyên đủ và ổn định để khai thác hiệu quả công suất của nhà máy cũng sẽ là vấn đề cần tính đến.

Nguồn tin: news.zing.vn

ĐỌC THÊM