Dù OPEC+ đã thông qua thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, song giá dầu vẫn tiếp tục lao dốc trong tuần qua do lo ngại nhu cầu tiếp tục sụt giảm bởi đại dịch Covid-19.
Cụ thể, hợp đồng dầu WTI kỳ hạn giảm xuống 17,31 USD/thùng hôm 17/4, mức thấp nhất kể từ năm 2001. Kết thúc tuần giao dịch, giá dầu ở mức 18,27 USD/thùng, giảm 19,7%, trong khi giá WTI giao ngay ở ngưỡng 25,03 USD/thùng, chênh lệch gần 7 USD/thùng so với hợp đồng kỳ hạn.
Trong tuần này, dầu WTI có thể được hỗ trợ khi công ty Baker Hughes công bố số lượng giàn khoan dầu giảm tới 66 giàn và giảm 245 giàn trong 5 tuần qua.
Trong khi đó, giá dầu Brent duy trì ở mức 28,08 USD/thùng vào ngày 17/4, đồng nghĩa với mức giảm hàng tuần 10,8%.
Được biết, Ả Rập Xê-út và Nga sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường dầu mỏ và sẵn sàng thực hiện các biện pháp tiếp theo cùng với OPEC+ trong trường hợp cần thiết để cứu thị trường dầu thô, Bộ trưởng Năng lượng hai nước tuyên bố sau cuộc điện đàm diễn ra mới đây.
Thực tế, hạn ngạch cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày được các chuyên gia đánh giá là không đủ bù đắp một nửa trong số 30 triệu thùng/ngày nhu cầu bị giảm sút do dịch bệnh.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng, cả Ả Rập Xê-út và Nga đều không có ý định cắt giảm thêm khi mục đích thực sự của họ là tranh giành thị phần.
Trước đó, công ty Saudi Aramco đã cung cấp các điều khoản tín dụng ưu đãi và giảm giá sâu cho các khách hàng.
Ở một diễn biến khác, các kho dự trữ của Mỹ đã nhanh chóng được lấp đầy trong thời gian ngắn. Kho Cushing ở Oklahoma đạt 71% công suất kể từ ngày 10/4, tăng 15% trong hai tuần qua. Với tốc độ gia tăng gần 50 triệu thùng trong 3 tuần qua, giới chuyên gia dự đoán dự trữ tại Cushing có thể đạt mức kỷ lục vào giữa tháng 5 hoặc muộn nhất vào những ngày đầu tháng 6.
Pioneer Natural Resources và Parsley Energy mới đây đã kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền ở Texas, Mỹ về việc cắt giảm 20% sản lượng trong phạm vi quyền hạn của mình. Tuy nhiên, Chevron và Marathon Oil không đồng ý với đề xuất này vì cho rằng các nhà sản xuất của bang đã và đang cắt giảm sản lượng dựa trên cắt giảm chi tiêu vốn lên tới 50% trong năm 2020.
Giới quan sát cho rằng, các nhà sản xuất dầu của Mỹ có thể chịu thiệt trong công cuộc cắt giảm này vì công suất hoạt động đạt hiệu quả cao trong những năm qua.
Tổng sản lượng dầu thô của Mỹ cao hơn khoảng 1,7% so với năm trước, ước tính ở mức 12,3 triệu thùng/ngày hồi tuần trước, so với mức cao kỷ lục 13,1 triệu thùng/ngày trong tháng 3.
Nguồn tin: petrotimes.vn