Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề xuất quy định có chiết khấu 5-6% giá bán lẻ, được lấy nhiều đầu mối, giảm bớt thủ tục hành chính để phù hợp cơ chế thị trường.
Tại tọa đàm "Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc" diễn ra sáng nay (6/3), nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tiếp tục "kêu cứu" bởi các doanh nghiệp đầu mối bóp "chiết khấu" dẫn đến tình trạng thua lỗ, nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì kinh doanh.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề chiết khấu, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ luôn là đề tài nóng, bởi vì hơn một năm qua, khi phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.
Sự việc này các doanh nghiệp bán lẻ chỉ nghĩ rằng sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng không ngờ nó diễn ra hơn một năm qua, đã làm cho doanh nghiệp lỗ nặng, bị kiệt quệ về tài chính, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ.
"Để phục vụ bình ổn thị trường theo mệnh lệnh hành chính, dù lỗ vẫn phải bán, đây là hình thức cưỡng bức doanh nghiệp bán lẻ" ông Tây nêu.
Ông Tây cũng cho biết, sau ngày 14/02/2023, hội nghị góp ý sửa đổi Nghị định 95 về xăng dầu được tổ chức ở VCCI thì chiết khấu xăng dầu bắt đầu tăng lại từ 1.000 - 1.500 đồng/lít, tùy khu vực. Đây là hiện tượng không bình thường. Vậy chiết khấu này từ đâu mà có?
Theo ông Giang Chấn Tây, Bộ Công Thương luôn giải thích chiết khấu là do “thoả thuận để tạo công bằng, cạnh tranh”, tuy nhiên những gì diễn ra suốt hơn 1 năm qua đã chứng minh điều ngược lại, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là do sự “ban phát” từ doanh nghiệp đầu mối. Điều doanh nghiệp bán lẻ muốn là sự căn cơ, chứ không phải là sự thất thường này.
Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) đề xuất chiết khấu xăng dầu cho doanh nghiệp bán lẻ là 5-6% giá bán.
Ông Tây cho rằng, theo Thông tư 104 của Bộ Tài chính, chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức có ghi rõ là bao gồm cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ, nhưng chỉ vì không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở các khâu, nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẻ hở này một cách triệt để hưởng hết phần chi phí này. Chiết khấu 0 đồng thì chắc chắn là sẽ có khâu khác gom hết của doanh nghiệp bán lẻ.
Từ sự việc bất công và bất thường trên, ông Tây kiến nghị sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 về xăng dầu cần định vị lại doanh nghiệp bán lẻ. Cụ thể, trong Nghị định mới, nên dùng từ doanh nghiệp bán lẻ chứ không dùng từ là đại lý bán lẻ.
“Chính vì không quan tâm đến doanh nghiệp bán lẻ, nên bán lẻ luôn thua lỗ, dẫn đến nhà nước không thể thu thuế thu nhập doanh nghiệp và kể cả Thuế Giá trị gia tăng. Đây là nguồn thu rất lớn”, ông Tây nói.
Vị đại diện doanh nghiệp đề nghị chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức này cần phải phân chia rõ ở 02 khâu là bán buôn và bán lẻ theo tỉ lệ phần trăm phải được quy định trong nghị định sửa đổi bổ sung mới, riêng khâu bán lẻ phải đạt giá trị từ 5-6%/giá bán lẻ tuỳ theo thời điểm.
Đồng quan điểm với ý kiến của ông Tây, ông Lê Văn Báu - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Bảo Dương (Tp.HCM) cũng kiến nghị: Chủ yếu doanh nghiệp bán lẻ mong được nhà làm chính sách hiểu và thông cảm, làm chính sách đúng đắn cho ngành xăng dầu.
Đồng thời ông Báu cũng đề xuất, có quy định có chiết khấu 5-6% giá bán lẻ, được lấy nhiều đầu mối, giảm bớt thủ tục hành chính, cho phù hợp cơ chế thị trường để doanh nghiệp bán lẻ ổn định, yên tâm phát triển, đưa xăng dầu tới người tiêu dùng.
Tại toạ đàm, ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai - cho rằng, thương nhân phân phối có cùng nỗi khổ như doanh nghiệp bán lẻ. Thời gian qua, cả bán lẻ, thương nhân đều lỗ. Doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối đang là tác nhân, nguyên nhân khiến phân phối và bán lẻ bị lỗ. Việc đứt gãy xăng dầu, qua dịch bệnh, chiến tranh, lộ rõ điều hành vĩ mô có vấn đề.
Luật phải thị trường hoá, cạnh tranh, giảm bớt sự điều hành của nhà nước. Đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ phải hài hoà lợi ích. Ngoài ra cần sửa các quy định bất cập như các loại “giấy phép con” như : môi trường, tràn dầu. “Điều hành giá cần trở lại 15 ngày, để doanh nghiệp đủ thời gian tính toán. Cơ quan quản lý hậu kiểm nhưng không làm doanh nghiệp sốc”, ông Phụng đề xuất.
Nguồn tin: Tài chính doanh nghiệp