Theo Tổng công ty Xăng dầu VN, việc vận hành cơ chế điều hành thuế nhập khẩu và giá bán xăng dầu từ ngày 16/9/2008 đến nay chưa thực sự theo cơ chế thị trường, còn mang nặng tính chất mệnh lệnh hành chính.
Doanh nghiệp chưa cạnh tranh bình đẳng
Ngày 16/9/2008, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 79/QĐ-BTC ngày 16/9/2008 về Cơ chế quản lý, điều hành giá bán xăng, dầu và Quyết định Thành lập Tổ giám sát liên bộ về giá xăng, dầu. Điều này đồng nghĩa với tất cả các mặt hàng xăng, dầu từ đây đều được điều hành theo cơ chế thị trường. Quyết định này khẳng định quan điểm kiên quyết của Chính phủ trong thực hiện lộ trình sớm để các mặt hàng xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường như đã cam kết.
Tuy nhiên, có một thực tế bất cập là doanh nghiệp đã đóng góp nhiều cho giai đoạn bình ổn nguồn và giá xăng dầu trước đây lại ít có điều kiện để tổ chức kinh doanh theo cơ chế thị trường như các doanh nghiệp khác ít chịu gánh nặng lỗ trước đó. Đến nay, Nhà nước vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để hỗ trợ, tạo mặt bằng bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu ở thời điểm chấm dứt bù lỗ. Các biện pháp xử lý tồn tại của cơ chế bù lỗ trước ngày 21/7/2008 và 16/9/2008 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sớm nhưng khi triển khai còn nhiều bất cập và tạo ra mặt bằng rất khác nhau ở các doanh nghiệp đầu mối khi bước vào cạnh tranh.
Bên cạnh đó, trong các lần điều chỉnh giá vừa qua, có nhiều doanh nghiệp không thực hiện quy trình đăng ký giá bán nhưng vẫn giảm theo mức giá niêm yết của Tổng công ty Xăng dầu VN. Như vậy, Nhà nước đã không kiểm soát tất cả các doanh nghiệp thực hiện quy định đăng ký giá. Hơn nữa, một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu chưa đạt tiến độ nhập khẩu bình quân thời kỳ trước ngày 16/9/2008 đã phải phấn đấu đạt chỉ tiêu nhập khẩu tối thiểu cả năm 2008, tạo ra cuộc chạy đua về sản lượng bán, giành giật khách hàng bằng cách tăng thù lao cao gấp nhiều lần chi phí; kết quả là người tiêu dùng thực sự không được hưởng lợi mà phần lớn chuyển cho hệ thống phân phối trung gian. Trong khi đó, doanh nghiệp đã ký các hợp đồng dài hạn đảm bảo ổn định nguồn từ đầu năm, khi bị mất thị phần, giảm sản lượng bán bởi lý do trên đã phải áp dụng nhiều biện pháp như làm bồn nổi, đàm phán với người bán giãn tiến độ sang quý I/2009…, phát sinh thêm chi phí thuê kho, phạt tàu và đọng vốn kinh doanh.
Cơ chế điều hành giá xăng dầu: cần sớm được hoàn thiện
Từ thực tế trên cho thấy, trong việc điều hành giá, từ chính sách cho đến thực tiễn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu còn nhiều điểm cần phải hoàn thiện để đảm bảo việc vận hành theo đúng cơ chế thị trường.
Theo đó, Tổng công ty Xăng dầu VN kiến nghị, các cơ quan chức năng nên nhanh chóng sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu để doanh nghiệp thực sự chủ động vận hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Đó là, không giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu, giao mức cố định theo cân đối cung cầu, kiểm tra chặt chẽ tiến độ nhập khẩu. Xét về mặt bằng giá, Nhà nước cần duy trì mặt bằng giá các mặt hàng theo nguyên tắc: xăng ô tô là mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng sẽ luôn phải cao hơn giá điêzen chủ yếu dùng cho sản xuất; Xác định mức chi phí kinh doanh theo mặt hàng; Chi phí kinh doanh xăng ô tô sẽ cao hơn các mặt hàng dầu vì yếu tố hao hụt, an toàn trong tiếp nhận, vận chuyển, tồn chứa và bán lẻ tại các cửa hàng đòi hỏi cao hơn các mặt hàng dầu.
Bên cạnh đó, về cơ chế định giá, Tổng công ty cũng kiến nghị, doanh nghiệp được quyết định điều chỉnh tăng giảm giá trong phạm vi khoảng 10% đối với mặt hàng xăng và 7% đối với các mặt hàng dầu. Áp dụng các mức giá bán theo chi phí cộng để thu hút tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu tổ chức kinh doanh ở các địa bàn vùng xa, có chi phí cao (thường phát sinh lỗ).
Hơn nữa, về nguyên tắc thu thuế nhập khẩu, Nhà nước luôn phải duy trì thu thuế nhập khẩu, chỉ giảm thuế khi cần can thiệp để bình ổn giá bán; Về mức thuế nhập khẩu, không điều chỉnh theo biến động giá mà giữ ổn định ít nhất trong 1 quý, và công bố hàng quý để doanh nghiệp chủ động hoạch định chính sách kinh doanh và vận hành tăng giảm giá theo biến động của thị trường thế giới; Các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu và đưa vào áp dụng mức thu thuế nhập khẩu tuyệt đối để ổn định nguồn thu ngân sách và doanh nghiệp chủ động kinh doanh, giảm các thủ tục hành chính ở khâu tái xuất…
Hơn nữa, Nhà nước cũng cần sớm hình thành và công bố nguyên tắc điều hành nguồn và cơ chế xác định giá bán sản phẩm Nhà máy lọc dầu theo hướng thị trường, không bù lỗ cho khâu lưu thông; quản lý chặt nguồn condensate trong nước để pha chế xăng RON 83, đảm bảo lợi ích Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.
Khắc phục những bất cập trên, thị trường xăng dầu trong nước mới có hy vọng vận hành đúng theo nguyên tắc của cơ chế thị trường.
Năm 2009, dự báo nhu cầu tiêu dùng xăng dầu nội địa tăng trưởng thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP từ 2-3%, do những khó khăn chung của nền kinh tế. Thị trường dầu thế giới đã hạ nhiệt nhưng nguy cơ tăng giá trở lại vẫn tiềm ẩn khi nền kinh tế thế giới phục hồi và tác động của các nguyên nhân về chính trị từ các điểm nóng trên thế giới. Năm 2009, sẽ là năm đầu tiên Nhà máy lọc dầu Dung Quất cung ứng sản phẩm ra thị trường. Năm 2009 cũng là năm VN bắt đầu mở cửa thị trường xăng dầu theo lộ trình tại Hiệp định thương mại Việt Mỹ (BTA). Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, năm 2009 là thời điểm cuối các doanh nghiệp Nhà nước phải chuyển đổi mô hình tổ chức. Theo đó, Tổng công ty Xăng dầu VN sẽ phải tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tổ chức của Tổng công ty theo hướng hình thành tập đoàn kinh tế sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. |
(Hà Nội Mới)