Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Điều gì xảy ra tiếp theo với giá dầu?

Giá dầu đã tăng mạnh hồi tuần trước lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2014, với Brent chạm 86 USD và dầu WTI trên 75 USD/thùng vào thời điểm giữa tuần.

Sự không chắc chắn là từ khóa phổ biến trên thị trường dầu mỏ trong vài tháng qua. Về phía cung, đó là sự không chắc chắn về việc dầu của Iran sẽ bị chặn lại bao nhiêu. Rồi thì không chắc chắn về số lượng công suất dự trữ của các thành viên OPEC và Nga có thể triệu tập trong thời gian ngắn để thay thế cho những tổn thất của Iran. Cuối cùng, về phía cầu, đó là không chắc liệu giá dầu ở mức cao nhất trong bốn năm và dẫn đến giá nhiên liệu ở mức cao nhiều năm, vốn đang phá hủy tăng trưởng nhu cầu dầu, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, vốn là động lực nhu cầu dầu quan trọng nhưng đã phải chịu sự mất giá lớn trong đồng tiền của họ so với đô la Mỹ trong hai tháng qua, làm cho dầu mà họ mua thậm chí còn đắt hơn.

Và rồi có việc đầu cơ khi mà các quỹ đầu từ và quản lý tiền tệ khác đã và đang thực hiện trong những tuần gần đây, gia tăng đặt cược giá lên trong bối cảnh lo sợ rằng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran có thể loại bỏ lên tới 2 triệu thùng/ngày ra khỏi thị trường dầu trong thời gian chưa đến một tháng.

Trong khi giá dầu leo lên mức cao nhất trong bốn tuần qua, thì Saudi Arabia và Nga bắt đầu cam đoan với thị trường rằng họ đã thực sự tăng sản lượng dầu của mình trong những tuần gần đây, phù hợp với thỏa thuận OPEC + từ tháng Sáu.

Sự dịch chuyển giá dầu cao hơn gần đây nhất bắt đầu sau khi cuộc họp OPEC vào cuối tháng 9 đã không đề cập gì đến bất kỳ sự thúc đẩy tăng trưởng sản xuất nào ngay lập tức, phớt lờ đi yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng “OPEC độc quyền phải đưa giá xuống ngay bây giờ!”

Sự bất động của OPEC và Nga vào cuối tháng 9 - và bằng chứng ngày càng rõ từ dữ liệu theo dõi tàu chở dầu rằng xuất khẩu dầu của Iran đã bắt đầu giảm nhanh hơn so với hầu hết những người tham gia thị trường đang kỳ vọng - đã cổ vũ cho các nhà đầu cơ giá lên (bulls), và một số nhà phân tích bắt đầu dự đoán rằng không loại trừ khả năng dầu đạt 100 đô la ngay cuối năm nay.

Các quỹ phòng hộ và các nhà quản lý tiền tệ khác đã bắt đầu đặt cược giá lên một lần nữa, và họ cũng đã làm như vậy đối với Brent trong 5 tuần liên tiếp. Cho đến tuần trước, khi vị thế dài cho Brent giảm lần đầu tiên trong sáu tuần. Trong tuần tính đến ngày 2 tháng 10, vị trí dài ròng cho Brent giảm 2,9%, sau khi tăng 53% trong 5 tuần trước đó, theo ước tính của Bloomberg dựa trên dữ liệu của ICE Futures Europe. Số lượng vị thế dài đã giảm 1,5 phần trăm, nhưng đáng chú ý hơn là số lượng vị thế ngắn tăng 24 phần trăm trong tuần tính đến ngày 2 tháng 10, nhiều nhất kể từ tháng Năm.

"Những cái đầu lạnh hơn đang bắt đầu chiếm ưu thế," Ashley Petersen, một nhà phân tích thị trường dầu mỏ cao cấp tại Stratas Advisors, nói với Bloomberg tuần trước, bình luận về việc đặt cược của các nhà quản lý tiền tệ cho giá dầu.

Chỉ khi Brent chạm 86 USD/thùng, Saudi Arabia mới vội vã thông báo cho thị trường rằng hiện tại họ đang bơm 10,7 triệu thùng/ngày – gần sát mức cao kỷ lục 10,72 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2016 -và thậm chí có thể điều chỉnh cao hơn một chút mức 10,7 triệu thùng trong tháng tới.

Nga đã hoàn toàn đảo ngược việc cắt giảm 300.000 thùng/ngày mà đã cam kết trong thỏa thuận với OPEC, và bổ sung thêm 100.000 thùng/ngày nữa vào tháng 9, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết trong tuần qua, nhưng ông nhấn mạnh rằng trong một thị trường đang rất lo lắng và dễ xúc động với rất nhiều sự bất ổn thì ông không thể loại trừ khả năng giá dầu chạm mức 100 USD/thùng.

Giá cao hơn sẽ không tốt cho người tiêu dùng, như Novak và tất cả các quan chức dầu mỏ đều nhận thấy. Ngoài ra, sự mạnh lên của đồng đô la Mỹ thậm chí đang làm cho dầu còn đắt đỏ hơn ở các nước nhập khẩu dầu ngoài Hoa Kỳ.

Do sự mạnh lên của đồng đô la, giá dầu hiện tại tính bằng đồng euro, yên và rupee Ấn Độ đều đã tăng lên đến mức mà bắt đầu dẫn đến nhu cầu chậm lại trong hai chu kỳ vừa qua trong năm 2008 và 2013, theo ước tính của nhà phân tích thị trường John Kemp thuộc Reuters.

Từ đầu năm tới nay, nhu cầu đã duy trì mạnh mẽ, mặc dù dự báo rằng giá dầu cao hơn sẽ bắt đầu ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng nhu cầu.

JP Morgan đã dự báo ​​ tăng trưởng nhu cầu vừa phải trong năm nay, nhưng cho đến nay nhu cầu vẫn "tương đối mạnh mẽ", Scott Darling, người đứng đầu khu vực nghiên cứu dầu khí tại JP Morgan Chase, nói với Bloomberg hôm thứ Hai. Tuy nhiên, cho năm tiếp theo, JP Morgan dự báo tăng trưởng nhu cầu ở mức 1,1 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với mức dự báo 1,5 triệu thùng/ngày của Street.

Thị trường sẽ tiếp tục phản ứng với những rủi ro do nguồn cung, theo Darling, người cũng chỉ ra hai điều không chắc chắn về phía cung – công suất dự phòng thực tế của thế giới và khả năng sản xuất thực sự của Saudi trong mùa đông này.

Nhiều điều không chắc chắn ở cả hai phía cung và cầu đang khiến thị trường và những người tham gia thị trường bồn chồn lo lắng. Giá dầu có thể dễ bị tổn thương hơn bình thường trước những ẩn ý, tin tức và bình luận cho đến khi lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran quay trở lại trong bốn tuần nữa.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM