|
Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ. |
Mặc dù giá xăng dầu đã nhiều lần giảm nhưng giá cước taxi nói chung, cước vận tải nói riêng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hầu như vẫn ... giữ nguyên.
Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 300 xe taxi của 8 hãng đang hoạt động. Từ nơi xa xôi như thị trấn huyện miền núi Lập Thạch cũng có mươi chiếc, đến thành phố tỉnh lỵ Vĩnh Yên có tới gần 200 chiếc taxi.
Các xe tự chọn nơi đỗ, gần như không có bến bãi nào cố định. Ví như trên đường Tôn Đức Thắng, thành phố Vĩnh Yên, ngay trước cửa Phân xã TTXVN, cũng luôn có hàng chục taxi chờ khách. Thế nhưng, muốn tìm xe thì dễ, tìm đầu mối điều hành, quản lý trực tiếp các xe thì thật khó. Ở tỉnh Vĩnh Phúc cũng chưa có một tổ chức nào, dạng như "hiệp hội taxi ", để cùng nhau thống nhất một đầu mối hay một chính sách, chiến lược kinh doanh khách vận chung.
Điều đáng quan tâm hơn cả là mặc dù giá xăng dầu đã nhiều lần giảm nhưng giá cước taxi nói chung, cước vận tải nói riêng trên địa bàn tỉnh hầu như vẫn ... giữ nguyên. Có một đôi hãng đã giảm cước nhưng rất "nhỏ giọt".
Một lái xe (xin giấu tên) lý luận: Nghề này gắn chặt với thị trường. Việc điều chỉnh giá phải dựa vào các đồng nghiệp, mình tự hạ giá vừa thiệt lại vừa bị đồng nghiệp lên án là "phá giá", tự tăng quá cao thì không có sức cạnh tranh. Vả lại, chúng tôi lấy lãi làm lý do tồn tại nhưng cũng phải dựa vào... lương tâm nghề nghiệp. Không phải cứ ai bắt chẹt được khách thế nào thì làm thế.
Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn Vĩnh Phúc mới có 02 hãng Taxi hạ giá là Hà Anh và Thiên Đức. Việc giảm giá của hai hãng này cũng không đồng đều. Có hãng tính giá "mở cửa" 1,2 km đầu tiên nhưng hãng kia lại 1,9 km. Giá bình quân từ km thứ 31 trở đi có hãng 5,5 ngàn đ/km nhưng lại có hãng vẫn là 7.000 đ. Giá chờ có hãng 20.000 đ/h nhưng có hãng 30.000 đ/h...
Ngay cả Cty cổ phần vận tải ôtô, đơn vị khách vận lớn nhất trên địa bàn, cũng chưa giảm giá. Ông Giám đốc Cty cho biết, xe của Cty ông chủ yếu chạy dầu mà giá dầu Diesel giảm chưa đáng kể (!).
Cũng do không sẵn cơ quan quản lý trực tiếp, theo sát nên hàng chục vụ nghi ngờ, tranh chấp về độ trung thực của đồng hồ đo cây số, việc mặc cả trước khi lên xe với giá khách trả tiền khi rời xe nhưng cũng không biết "kêu" vào đâu.
Ông Nguyễn Ngọc Thể, Trưởng Phòng Vận tải-Đăng kiểm Sở Giao thông vận tải Vĩnh Phúc cho biết: Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Giao thông vận tải chỉ cấp phép hoạt động kinh doanh, cho phép lưu hành và quản lý xe theo tiêu chuẩn quy định. Cụ thể là giấy phép hành nghề cứ đúng quy định là cấp, bên kiểm định điều kiện hoạt động khách vận thì điều cơ bản nhất là xe lưu hành chưa quá 12 năm thì được cấp phép, còn những vấn đề khác, ngành không quản. Như vậy, chắc là giá cước khách vận được điều chỉnh theo Brem ..."lương tâm" thật (?).
Thực tế là giá xăng dầu đã giảm rất nhiều, hành khách mong rằng các chủ xe hãy điều chỉnh giá cước khách vận theo hướng tỷ lệ nghịch giữa giá xăng dầu và "Brem" chuẩn hiện nay.
(Theo TTXVN)