Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Điệp khúc 'hết xăng, còn dầu': Có nên sửa quy định dự trữ?

Theo quy định hiện hành, thương nhân dầu mối kinh doanh xăng dầu phải dự trữ lưu thông bắt buộc tương đương 20 ngày tiêu thụ bình quân của năm liền kề trước.

Bộ Công Thương vừa gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Dự thảo Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu với những sửa đổi quan trọng về thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu bán lẻ trong nước...Một trong những nội dung nhận nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là quy định về dự trữ lưu thông bắt buộc. 

Điệp khúc 'hết xăng, còn dầu': Có nên sửa quy định dự trữ? - 1

Nhiều ý kiến cho rằng phải thay đổi quy định dự trữ xăng dầu, không để xảy ra tình trạng "hết xăng, còn dầu" như hồi giữa năm 2022. (Ảnh minh họa)

Dự thảo của Bộ Công Thương cho biết, theo ý kiến của một số doanh nghiệp và Sở Công Thương, đề nghị xem xét quy định cụ thể về cách tính dự trữ lưu thông, giảm thời gian dự trữ lưu thông hoặc có chính sách hỗ trợ việc thực hiện nghĩa vụ dự trữ lưu thông bắt buộc.

Theo quy định hiện hành, thương nhân dầu mối kinh doanh xăng dầu phải thực hiện việc dự trữ lưu thông bắt buộc tương đương 20 ngày tiêu thụ bình quân của năm liền kề trước; thương nhân phân phối xăng dầu phải thực hiện việc lưu thông bắt buộc tương đương 5 ngày tiêu thụ bình quân của năm liền kể trước.

Quy định này nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu khi thị trường có biến động bất thường trong một khoảng thời gian nhất định để doanh nghiệp có thời gian bổ sung nguồn cung xăng dầu cho thời gian tiếp theo.

Tuy nhiên, thời gian qua, khi hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn, việc thực hiện nghĩa vụ nêu trên đã trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí kinh doanh nhưng chi phí này chưa được tính cụ thể vào giá xăng dầu điều hành của Nhà nước, gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, một số đơn vị chức năng có thắc mắc về cách xác định lượng dự trữ lưu thông cụ thể của từng doanh nghiệp...

Từ những vấn đề trên, Bộ Công Thương đề xuất hai phương án, trong đó phương án thứ nhất là giữ nguyên quy định về dự trữ lưu thông bắt buộc, các quy định về thời gian dự trữ đã được quy định theo sản lượng tiêu thụ bình quân của năm liền kể trước.

Phương án này có ưu điểm là không phát sinh trách nhiệm cần hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc thực hiện dự trữ lưu thông bắt buộc. Nhưng có nhược điểm là chưa rà soát ý kiến về phương pháp tính số lượng xăng dầu cần thực hiện dự trữ lưu thông bắt buộc theo quy định. Khi kinh doanh gặp khó khăn, các doanh nghiệp tiếp tục có ý kiến về trách nhiệm duy trì dự trữ lưu thông bắt buộc.

Ngoài ra, Bộ Công Thương trình thêm phương án sửa đổi quy định theo hướng rà soát lại phương pháp tính số ngày dự trữ lưu thông bắt buộc, có phương án hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với các chi phí phát sinh để thực hiện nghĩa vụ dự trữ lưu thông bắt buộc (thông qua hỗ trợ từ ngân sách hoặc tính vào giá điều hành).

Ưu điểm của phương án này là tăng tính trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xăng dầu trong việc bảo đảm duy trì dự trữ lưu thông bắt buộc; quy định cụ thể phương pháp tính số ngày dự trữ để làm căn cứ cho thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp. Nhưng có nhược điểm là phát sinh thêm trách nhiệm tài chính của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong việc thực hiện dự trữ lưu thông bắt buộc.

"Bộ Công Thương lựa chọn phương án thứ nhất, theo đó tiếp tục quy định về dự trữ lưu thông bắt buộc 20 ngày tiêu thụ bình quân đối với thương nhân đầu mối kinh doanh, 5 ngày tiêu thụ binh quân đối với thương nhân phân phối, các doanh nghiệp tự dự trữ bằng nguồn lực của doanh nghiệp. Lý do lựa chọn nhằm tránh phát sinh chi phí từ ngân sách Nhà nước, không tăng thêm trách nhiệm cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu", văn bản của Bộ Công Thương nêu.

Nguồn tin: VTCNews

ĐỌC THÊM