Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Diễn đàn Năng lượng thế giới: Quan điểm của các “ông lớn” trước giờ khai mạc

   Hôm nay, 26/9, Diễn đàn Năng lượng thế giới lần thứ 15 sẽ khai mạc tại Algeria. Trong hai ngày 27 và 28/9 sẽ diễn ra các cuộc họp của các nước trong và ngoài OPEC nhằm bàn về vấn đề đóng băng sản lượng dầu để ổn định thị trường. Quan điểm của các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn ra sao trước giờ khai mạc?


Arập Xê út: “Điều kiện đóng băng sản lượng dầu của tôi là...”

Trước thềm cuộc họp vào ngày mai tại Algeria, Arập Xê út thông báo sẽ cam kết cắt giảm sản lượng dầu thô của nước này nếu Iran cũng nhất trí "đóng băng" sản lượng trong năm nay.

Theo đề xuất trên, Riyadh sẵn sàng cắt giảm sản lượng xuống mức tương đương các mức hồi đầu năm, đổi lại Tehran cũng sẽ phải “đóng băng” sản lượng hiện ở mức khoảng 3,6 triệu thùng/ngày.

Trước khi khai mạc hội nghị này, sản lượng dầu thô của Arập Xê út đã tăng đáng kể lên 10,63 triệu thùng/ngày trong tháng 8, sau khi đạt mức cao kỷ lục 10,67 triệu thùng/ngày trong tháng 7 vừa qua.

Hiện Iran chưa có trả lời chính thức về đề xuất của Arập Xê út.

Theo các nguồn tin, các đồng minh vùng Vịnh của Arập Xê út trong OPEC là Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Qatar và Kuwait dự kiến cũng sẽ tham gia bất kỳ đề xuất cắt giảm nào nếu các nước thành viên OPEC đạt được thỏa thuận liên quan đến vấn đề sản lượng, đặc biệt khi Arập Xê út - nhà sản xuất lớn nhất trong OPEC - cam kết mức cắt giảm lớn nhất nhằm vực dậy giá dầu vốn đã giảm mạnh trong thời gian qua.

Do giá dầu sụt giảm mạnh, Riyadh và các đồng minh vùng Vịnh đã thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" sau một thập kỷ chi tiêu hào phóng nhờ vào các nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ. Giờ là lúc họ phải nghĩ đến chuyện giảm sản lượng để đẩy giá dầu đi lên.

Iran đã sẵn sàng

Ngày 24/8, Iran đã gửi thư đến đại diện các nước thành viên OPEC để thông báo về việc sẽ đến buổi họp về sản lượng dầu vào tại Algeria.

Trong các lần họp trước của OPEC, việc Iran từ chối không tham gia đàm phán là cản trở rất lớn đối với tất cả các thỏa thuận không tăng sản lượng. Chính phủ các nước thành viên OPEC rất muốn điều chỉnh sản lượng để cứu giá dầu trong bối cảnh giá dầu giảm quá sâu so với mức trên 100 USD/thùng vào năm 2014.

Tại buổi họp vào tháng 4 năm nay tại Doha, Qatar, do Iran cương quyết không chịu hợp tác nên cuối cùng Arập Xê út đã phá vỡ thỏa thuận đạt được trước đó với Nga và một số nước xuất khẩu dầu lớn của thế giới bao gồm Qatar và Venezuela.

Từ khi được bỏ lệnh cấm vận và sau đó là bỏ mức trần khối lượng xuất khẩu dầu vào tháng 1/2016, Iran đã không ngừng tăng sản lượng dầu với mục tiêu giành lại thị phần tương đương như trước khi bị cấm vận.

Lý do khiến Iran chấp nhận tham gia một thỏa thuận đóng băng sản lượng lần này là vì nước này đã đạt đến mức sản lượng ở thời điểm trước khi các lệnh cấm vận của phương Tây có hiệu lực là 4 triệu thùng/ngày. Lý do khiến Iran từ chối tham gia thỏa thuận Doha là do nước này yêu cầu đạt được mức sản lượng khai thác 4 triệu thùng/ngày trước khi đóng băng sản lượng, nhưng Arập Xê út đã từ chối và thỏa thuận tan vỡ. Nhưng giờ đây, khi nước này đã đạt được sản lượng yêu cầu, thì điều quan trọng nhất với Iran là giá dầu trên thế giới phải ổn định ở mức 50-60 USD/thùng.

Bộ trưởng Dầu lửa Iran Bijan Zanganeh tuyên bố: “Iran muốn một thị trường dầu ổn định và do đó bất cứ biện pháp nào có thể giúp thị trường ổn định đều sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía Iran. Chúng tôi muốn giá dầu ổn định trong khoảng 50-60 USD/thùng”. Việc cố gắng theo đuổi mức sản lượng cao hơn 4 triệu thùng/ngày có thể sẽ không đem lại lợi ích cho Iran bằng việc giữ nguyên sản lượng ở mức 4 triệu thùng/ngày để cùng vực dậy giá dầu với OPEC và Nga.

Nga nóng lòng muốn dầu tăng giá


Trước khi đến Algeria, Nga đã có nhiều biện pháp vận động các thành viên của OPEC cắt giảm sản lượng. Ngày 5/9 bên lề Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexandre Novak và Bộ trưởng Năng lượng, Công nghiệp và Khoáng sản Arập Xêút, Haled ben Addel Aziz alh-Falex đã công bố thỏa thuận hợp tác song phương hoặc với các nước sản xuất dầu mỏ khác nhằm duy trì sự ổn định trên thị trường dầu mỏ và bảo đảm mức đầu tư bền vững trong dài hạn. Hai nước cũng cho rằng có những thách thức dài hạn đối với những nước xuất khẩu dầu mỏ trên thị trường dầu mỏ thế giới, trong đó có việc cắt giảm đáng kể chi phí cơ bản cho khai thác dầu, nhất là hoạt động thăm dò địa chất, cũng như hủy bỏ hoặc trì hoãn hàng loạt dự án đầu tư, dẫn đến tình trạng bất ổn trên thị trường dầu mỏ về dài hạn đối với các nước sản xuất, cũng như các nước tiêu thụ.

Ngày 20/9, đại diện của Nga tại OPEC Vladimir Voronkov tuyên bố Moskva ủng hộ một thỏa thuận có thể ổn định thị trường dầu thô trong một năm. Ngày 25/9, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexandr Novak tuyên bố Nga hiện thời chưa nhận được đề nghị từ các nước sản xuất dầu mỏ về việc cắt giảm mức khai thác để cân đối thị trường, nhưng Moskva sẵn sàng thảo luận mọi đề xuất tại cuộc gặp sắp tới ở Algeria.

“Chưa thấy ai gửi tới chúng tôi đề nghị cắt giảm khai thác. Như đang thấy, đây là đề xuất cá nhân. Cần ngồi lại tất cả cùng nhau và thảo luận”- ông Novak nói.


Iraq bắn tín hiệu hợp tác

Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Jabar al-Luaibi ngày 22/9 khẳng định nước này ủng hộ mọi thỏa thuận nhằm hỗ trợ giá dầu trên thị trường quốc tế trước thềm hội nghị OPEC tại Algeria, đồng thời nhấn mạnh việc giá dầu dao động trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà sản xuất.

Cũng trong tuyên bố trên, Bộ trưởng al-Luaibi đã ấn định trần sản lượng của Iraq từ 4,75-5 triệu thùng dầu/ngày. Ông al-Luaibi cho biết "chính sách cố định của Iraq là nhằm duy trì sự đóng góp của nước này" trong thị trường dầu toàn cầu. Ông nêu rõ: "Chính sách dầu mỏ của Iraq nhằm mục đích hợp tác với các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC để đạt được sự cân xứng trong cung và cầu, cũng như sự ổn định của thị trường".

Algeria-nước chủ nhà năng động

Bộ trưởng Năng lượng Algeria Noureddine Boutarfa ngày 23/9 khẳng định với báo giới rằng cuộc họp không chính thức sắp tới của OPEC ngày 27 và 28/9 cần thiết phải đưa ra một giải pháp tích cực để ổn định thị trường. Ông Boutarfa tuyên bố cần phải làm mọi thứ có thể để cuộc họp thành công và không nghĩ đến một kịch bản tiêu cực.

Ông Boutarfa cũng bày tỏ sự lạc quan về thành công cuộc họp này. Ông Boutarfa nhấn mạnh chúng ta sẽ không kết thúc cuộc họp bằng sự thất bại, đồng thời cho biết sự tham gia của tất cả quốc gia thành viên OPEC cũng đã là một dấu hiệu tích cực và cần phải lạc quan về điều đó.

Mặt khác, Bộ trưởng Năng lượng Algeria cũng nhấn mạnh đến vai trò trung gian hòa giải của Algeria trong OPEC. Algeria không có xung đột với bất cứ quốc gia thành viên nào của OPEC và có mối quan hệ tốt với tất cả thành viên của khối này, điều đó sẽ giúp tìm ra sự đồng thuận để hỗ trợ giá dầu. Đó là một yếu tố quan trọng để đem lại sự tin tưởng của các nước.

Ông Boutarfa cho biết có sự đồng thuận của tất cả quốc gia về sự cần thiết phải hành động để lấy lại sự cân bằng của thị trường vì tình hình hiện tại không thuận lợi cho nền kinh tế thế giới, cũng không có lợi cho các nước sản xuất và tiêu dùng.

Chỉ chờ gió Đông?

Tóm lại, các điều kiện cần thiết cho một thỏa thuận đóng băng sản lượng mới đã có đủ: sự chấp thuận từ phía Iran, sự sẵn sàng từ Nga và Arập Xê út cùng các nước thành viên khác của OPEC. Các chuyên gia dự đoán, các điều khoản sơ bộ của thỏa thuận đóng băng sản lượng mới sẽ được thiết lập tại Algeria, và một thỏa thuận chính thức sẽ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh OPEC tại Vienna vào tháng 11 tới. Mức giá 50-60 USD/thùng mà Iran mong muốn nhiều khả năng sẽ là mức giá cố định trên thị trường dầu trong vài năm tới, khi mà đây cũng là mức giá vừa đủ để một số công ty dầu phiến Mỹ quay lại sản xuất, nhưng chưa cao đến mức có thể giúp toàn bộ các công ty dầu phiến Mỹ hoạt động trở lại và có thể đẩy giá dầu xuống thấp một lần nữa. Nói cách khác, đây có thể sẽ là mức giá chuẩn của thị trường dầu thế giới.

Cuối tuần trước, Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo cho rằng nếu đạt được đồng thuận tại Algeria, các nước thành viên OPEC có thể triệu tập phiên họp bất thường để tính chuyện tiếp theo chứ không nhất thiết phải chờ tới hội nghị chính thức của khối vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn trong việc đóng băng sản lượng dầu. Đó là một số nước như Libya và Nigeria đều không sẵn sàng chấp nhận sản lượng dầu hiện nay của họ là mức trần.

Nguồn tin: Petrotimes

ĐỌC THÊM