GIÁ DẦU THẾ GIỚI ỔN ĐỊNH SAU KHI MỐI LO SỢ NHU CẦU SỤT GIẢM DẪN ĐẾN BÁN THÁO
Giá dầu thô kỳ hạn trong giờ giao dịch châu Âu hôm thứ Năm hầu như không đổi sau đợt bán tháo mạnh của phiên trước khi dữ liệu mới nhất của Hoa Kỳ từ Cơ quan Thông tin Năng lượng làm nổi bật những lo ngại về nhu cầu, làm lu mờ cuộc họp OPEC+ hôm thứ Tư.
Hợp đồng tương lai ICE Brent tháng 10 giao dịch ở mức 96,92 đô la/thùng (09 giờ 30 GMT), so với mức chốt hôm thứ Tư là 96,78 đô la/thùng. Chênh lệch giá Brent tháng 10/22 so với Brent tháng 11/22, trong khi đó, đã thu hẹp lại còn khoảng 1,50 đô la/thùng.
Vào cùng thời điểm Hợp đồng WTI tháng 9 được giao dịch ở mức 90,94 đô la/thùng, so với mức chốt của ngày thứ Tư là 90,66 đô la/thùng, mức chưa từng thấy kể từ trước khi Nga xâm lược Ukraine.
NƯỚC SÔNG QUÁ NÓNG LÀM HẠN CHẾ SẢN LƯỢNG ĐIỆN HẠT NHÂN CỦA PHÁP
Electricite de France SA, công ty thuộc sở hữu nhà nước của Pháp, đã thông báo hôm thứ Ba rằng rất có thể hãng sẽ buộc phải kéo dài cắt giảm sản xuất điện hạt nhân vì thời tiết khắc nghiệt đẩy nhiệt độ sông lên cao, khiến nước trở nên quá nóng để làm mát các lò phản ứng.
OPEC+ TĂNG SẢN LƯỢNG DẦU Ở MỨC 'THẤP NHẤT TRONG LỊCH SỬ'
Ngày 3/8, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh trong đó có Nga, còn được gọi là OPEC+, đã nhất trí tăng nhẹ sản lượng, bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm đảm bảo mức tăng sản lượng mạnh hơn.
Theo một tuyên bố được đưa ra sau một hội nghị cấp bộ trưởng diễn ra trực tuyến, OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9/2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng trước đó.
Raad Alkadiri, quan chức cấp cao của công ty tư vấn Eurasia Group có trụ sở tại Mỹ nhận định, mức tăng sản lượng của OPEC+ thấp đến mức vô nghĩa.
KHỞI ĐỘNG LẠI MỎ KHÍ ĐỐT LỚN CỦA ĐAN MẠCH SẼ KÉO DÀI HƠN DỰ KIẾN
Việc khởi động lại mỏ khí đốt Tyra ở ngoài khơi Đan Mạch đã bị trì hoãn ít nhất vài tháng cho đến cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024 do chuỗi cung ứng trì trệ từ đại dịch, công ty điều hành mỏ khí đốt TotalEnergies cho biết hôm thứ Tư.
QUAN CHỨC IRAN TỚI VIENNA ĐỂ KHỞI ĐỘNG LẠI CÁC CUỘC ĐÀM PHÁN HẠT NHÂN
Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, Ali Bagheri Kani, đang tới Vienna trong nỗ lực phục hồi các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc toàn cầu.
Bộ Ngoại giao Iran thông báo với truyền thông nhà nước vào ngày 3 tháng 8 rằng các cuộc đàm phán sẽ được điều phối bởi Liên minh châu Âu và rằng "những ý tưởng do các bên khác nhau trình bày sẽ được thảo luận."
DẦU CÓ THỂ XUỐNG 90 ĐÔ LA NẾU LẠM PHÁT VẪN ĐEO ĐẲNG
Giá dầu thô có thể giảm xuống 90 USD/thùng nếu nền kinh tế của hai nước tiêu thụ lớn nhất thế giới tiếp tục vật lộn với tăng trưởng, Chủ tịch Bharat Petroleum nói với tờ Economic Times.
"Giá có thể chạm 90 USD trong hai tháng nếu Mỹ tiếp tục lạm phát và tăng trưởng thấp và Trung Quốc không thể tìm ra giải pháp cho những rắc rối kinh tế của mình. Những rắc rối kinh tế ở hai quốc gia này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu", Arun Kumar bình luận.
CẢNG AI CẬP ĐÓNG VAI TRÒ NHƯ MỘT TUYẾN ĐƯỜNG MỚI CHO DẦU CỦA NGA
Với các lệnh trừng phạt của phương Tây sắp có hiệu lực và nhiều quốc gia né tránh dầu của Nga, nước này dường như đã phát hiện ra một cửa ngõ mới cho dầu thô của mình, Bloomberg đưa tin Moscow đã lần đầu tiên sử dụng cảng dầu El Hamra của Ai Cập trên bờ biển Địa Trung Hải.
Chuyến hàng đầu tiên diễn ra vào ngày 24 tháng 7, với 700.000 thùng dầu được dỡ xuống trước khi một tàu khác đến nhận lô hàng từ cảng chỉ vài giờ sau đó. Theo dữ liệu theo dõi tàu của Bloomberg, có những suy đoán rằng các lô hàng có thể bao gồm một số hoặc tất cả dầu thô và/hoặc các sản phẩm dầu của Nga.
GIÁ DẦU XUỐNG 90 ĐÔ LA, NHƯNG VẪN CHƯA ĐỦ ĐỐI VỚI BIDEN
Sau khi chạm mức cao nhất kể từ năm 2009 trên 130 USD/thùng, giá dầu đã giảm mạnh trong hai tháng qua với cả dầu thô Brent và WTI hiện giao dịch ở mức dưới 100 USD/thùng, và chính quyền Biden đang cố gắng để giá rớt nhiều hơn nữa.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Amos Hochstein, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về an ninh năng lượng toàn cầu, cho biết giá khí đốt và dầu cần phải xuống thấp hơn nữa trong khi các nhà sản xuất Hoa Kỳ và OPEC+ cần tăng sản lượng.
ĐỨC CÓ THỂ TIẾP TỤC DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN
Chính phủ Đức luôn tin chắc rằng ngành công nghiệp điện hạt nhân của nước này ắt hẳn phải ngừng hoạt động, ngay cả khi đang xảy ra khủng hoảng năng lượng. Nhưng hiện nay, điều đó dường như có thể thay đổi, khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz lần đầu tiên tuyên bố nước này có thể trì hoãn việc tạm dừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân của mình, theo tờ Wall Street Journal.
Ông Scholz cho biết hôm thứ Tư: “Việc duy trì hoạt động cho các nhà máy điện hạt nhân là hợp lý, bất chấp kế hoạch hiện tại là sẽ ngừng hoạt động ba nhà máy cuối cùng vào tháng 12, và bất chấp việc Bộ Kinh tế và Môi trường của Đức vào tháng 3 đã khuyến cáo không nên kéo dài thời gian hoạt động của các lò phản ứng.
KHỦNG HOẢNG KHÍ ĐỐT TỰ NHIÊN CỦA ĐỨC CÓ THỂ KHIẾN CÁC CHUỖI CUNG ỨNG SỤP ĐỔ
Toàn bộ chuỗi cung ứng và sản xuất có thể bị sụp đổ nếu nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga tới Đức giảm hơn nữa, tập đoàn hóa chất khổng lồ của Đức Covestro cho biết trong tuần này. Dòng khí đốt giảm nghiêm trọng qua Nord Stream sẽ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu. "Do mối liên hệ chặt chẽ giữa ngành công nghiệp hóa chất và các lĩnh vực hạ nguồn, tình hình xấu hơn nữa có khả năng dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ chuỗi cung ứng và sản xuất", Covestro cho biết trong thông báo thu nhập quý II của mình hôm thứ Ba, cảnh báo “một môi trường ngày càng thách thức".
TUA BIN KHÍ ĐƯỢC BÀN GIAO VẪN CHƯA ĐẾN NGA
Câu chuyện về việc vận chuyển tuabin khí bị trì hoãn từ Canada qua châu Âu đến Nga vẫn tiếp tục, khi tuabin cần thiết cho một trạm nén tại đường ống Nord Stream vẫn chưa đến được Nga.
Nga đã đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây vì thực tế là tuabin được sửa chữa ở Canada đã được đưa trở lại châu Âu nhưng vẫn chưa đến tay Nga. Nga nói rằng do các vấn đề ở các tuabin khác, một tuabin khác cũng đã được đưa đi sửa chữa vào cuối tháng 7, nên Gazprom đã cắt nguồn cung cấp khí đốt qua Nord Stream một lần nữa - xuống chỉ còn 20% công suất của đường ống. Điều này xảy ra vài ngày sau khi Gazprom khởi động lại đường ống ở mức 40% công suất vào ngày 21 tháng 7 sau khi bảo trì định kỳ 10 ngày.
© 2022 Xangdau.net