Các đại biểu tham gia biểu quyết đều nhất trí nguyên tắc, ít nhất đến đầu 2020, trần mới của thuế bảo vệ môi trường đối với xăng mới có thể lên 8.000 đồng/lít…
Theo đó, nội dung vừa được 426/426 đại biểu tán thành thông qua vào chiều 8/6 trong Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Theo báo Thanh Niên đưa tin, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 6, dự kiến sẽ tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, theo đề nghị của Chính phủ.
Quốc hội cũng quyết định điều chỉnh thời gian trình 2 dự án luật: luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thi hành án hình sự sang cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 6; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế bảo vệ môi trường được lùi từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào cuối năm 2019.
Như vậy, theo đúng quy trình, ít nhất kỳ họp thứ 9, đầu năm 2020, dự án luật mới được thông qua, đồng nghĩa với trần thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ giữ ổn định ở mức 4.000 đồng/lít thay vì mức 8.000 đồng/lít mà Bộ Tài chính đề xuất.
Chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, Bộ Tài chính đã 2 lần đưa ra đề xuất tăng thuế môi trường với xăng dầu. Cụ thể, năm 2015 mặt hàng này được đề xuất tăng thuế từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng và tiếp tục được cân nhắc nâng khung từ 3.000 – 8.000 đồng/lít vào năm 2017.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy số thu từ thuế bảo vệ môi trường xăng dầu tăng ổn định sau nhiều năm. Đặc biệt, mức tăng thu vọt mạnh trong 5 năm, gấp 4 lần từ 11.160 tỷ đồng (năm 2012) lên 42.393 tỷ đồng (năm 2016) được cho là nhờ lần điều chỉnh thuế xăng lên gấp 3 lần vào giữa năm 2015, theo Nhịp sống KT đưa tin.
Mặc dù đã có khung thuế môi trường cao, song mặt hàng xăng dầu vẫn tiếp tục được đề xuất nâng mức thuế lên kịch trần, bất chấp những ý kiến cảnh báo và quan ngại của nhiều bộ ngành và chuyên gia.
Năm 2017, Bộ Tài Chính tiếp tục có đề xuất nâng khung lên 8.000 đồng thuế môi trường của xăng (tăng gấp 4 lần so với mức ban đầu). Tuy nhiên, mức nâng này đã vấp phải sự phản đối của dư luận và không được đồng thuận. Mặc dù vậy, với thuế bảo vệ môi trường là 3.000 đồng/lít, tổng thu thuế bảo vệ môi trường trong năm này vẫn đạt mức thu lớn, khoảng 44.825 tỷ đồng.
Đáng nói, dù gọi là thuế bảo vệ môi trường nhưng lý do cho những đề xuất nâng thuế này không phải trực tiếp là để bảo vệ môi trường như tên gọi của chúng. Thay vào đó, Bộ Tài chính đưa ra mấy lý do cho việc tăng thuế như cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo an toàn nợ công; chênh lệch giữa thuế ưu đãi (20%) với thuế nhập khẩu xăng dầu theo cam kết trong WTO (40%); và giá bán xăng ở Việt Nam hiện đang ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Nguôn tin: moitruongvadothi.vn