Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đến Dung Quất xem lọc dầu

15 năm thực hiện, diện tích 338 ha mặt đất và 417 ha mặt biển, 100.000 tấn vật tư, thiết bị, hơn 5 triệu mét đường dây điện (gấp 2,5 lần đường dây điện từ Hà Nội đến TP.HCM), 17.000 tấn sắt thép (đủ để xây dựng hai tháp Eiffel, Pháp)... những con số ấn tượng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn chưa ấn tượng bằng qui trình công nghệ sẽ biến những thùng dầu thô thành những giọt xăng, dầu, khí gas.
 

Các phân xưởng công nghệ của nhà máy lọc dầu Dung Quất rực sáng trong đêm

TTO giới thiệu với bạn đọc qui trình công nghệ khép kín của nhà máy lọc dầu được coi là hiện đại bậc nhất Đông Nam Á trong thời điểm hiện tại. Từng giọt năng lượng của chúng ta quí giá biết bao...
 
Theo ông Nguyễn Hoài Giang - phó tổng giám đốc kỹ thuật, để sản xuất ra xăng, dầu qui trình kỹ thuật phải tuyệt đối an toàn, cần độ chính xác cao. Nguồn dầu thô được nhập từ phao rót dầu không bến tại Việt Thanh, đường ống mềm được nối qua tàu siêu trường, siêu trọng sau đó bơm vào hai đường ống ngầm dài khoảng 3 km vào bồn bể chứa dầu thô với công suất 3000m3/giờ. Từ bồn bể chứa, dầu thô sẽ được đưa qua phân xưởng chưng cất (CDU) cân chỉnh nhiệt độ từ 125 độ C đến 370 độ C để sản xuất ra các dòng sản phẩm: Xăng Naptha, nhiên liệu hoá lỏng LPG, dầu hỏa, diesel nặng, diesel nhẹ…
 

Bồn, bể chứa sản phẩm nhà máy lọc dầu Dung Quất
 


Toàn cảnh các phân xưởng công nghệ quan trọng của nhà máy


Phân xưởng nhà máy điện nhà máy lọc dầu Dung Quất sừng sững giữa mây trời

Riêng Phân xưởng Cracking xúc tác sẽ diễn ra phản ứng hóa học dùng nhiệt để xúc tác, bẻ gãy hidro cabon nặng để sản xuất ra các sản phẩm xăng. Đây là phân xưởng đảm nhận sản xuất 65 đến 75% sản phẩm xăng của toàn nhà máy. Các sản phẩm xăng, dầu được chế biến tại các phân xưởng chưng cất dầu thô, phân xưởng Cracking xúc tác sau đó sẽ được đưa qua Khu bể chứa trung gian để pha trộn lần nữa, tiếp tục chế biến cho ra sản phẩm cuối cùng. Tùy theo loại sản phẩm mà quá trình chế biến diễn ra từ 30 phút đến vài giờ đồng hồ.
 
Sau khi chế biến, pha trộn hoàn tất, các dòng sản phẩm xăng, dầu.. sẽ được bơm qua đường ống dài hơn 7,5km ra khu bể chứa sản phẩm. Tại đây, xăng, dầu sẽ được xuất qua xe bồn hoặc xuất tại sáu bến xuất tại cảng xuất sản phẩm.
 

Phân xưởng Cracking xúc tác - nơi sản xuất khoảng 65 đến 75% sản phẩm xăng tại nhà máy lọc dầu Dung Quất


Bồn, bể chứa dầu thô rực sáng trong đêm


Toàn cảnh khu bể chứa trung gian, nhà máy lọc dầu Dung Quất nhìn từ trên cao


Ba bồn hình cầu thuộc Khu bể chứa trung gian nhà máy lọc dầu Dung Quất


Khu xử lý nước biển làm mát hệ thống thiết bị lọc dầu


Dòng sản phẩm dầu đầu tiên của nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được xuất qua xe bồn đưa ra thị trường tiêu thụ vào đêm 22-2 vừa qua

Tổng công suất chế biến 148.000 thùng dầu/ngày, tương đương 6,5 triệu tấn dầu thô/năm với tổng vốn đầu tư sau khi điều chỉnh có thể hơn 3 tỷ USD. Đêm 22-2 vừa qua, mẻ sản phẩm dầu mang thương hiệu “Made in Viet Nam” đã chính thức ra mắt.
 
Dự kiến đến tháng 8-2009, toàn nhà máy đưa vào hoạt động 100% công suất: Mỗi ngày nhà máy sẽ xuất ra thị trường tám loại sản phẩm gồm: propylene (320-460 tấn/ngày), khí hóa lỏng (gas) LPG (900-1.000 tấn/ngày), xăng A90 (2.900-5.100 tấn/ngày), xăng A92-A95 (2.600-2.700 tấn/ngày), nhiên liệu cho động cơ phản lực và xăng máy bay (650-1.250 tấn/ngày), dầu diesel cho ôtô (7.000-9.000 tấn/ngày) và cuối cùng là sản phẩm dầu đốt lò FO (1.000-1.100 tấn/ngày).
 

Các chuyên gia, kỹ sư vận hành trên mô hình mô phỏng tự động hoá tại Trung tâm điều khiển- nơi được xem là “cơ quan đầu não” nhà máy lọc dầu Dung Quất

Nhà máy có 14 phân xưởng công nghệ với nhiều cụm tháp “siêu trường, siêu trọng” nặng hàng trăm nghìn tấn; khu bể chứa dầu thô có sáu bể chứa “khổng lồ” đường kính 69m, chiều cao 22m, tổng dung tích 390.000m3. Khu bể chứa sản phẩm có 23 bể chiếm dung tích là 393.000m3. Khu bể chứa trung gian có 25 bể với tổng thể tích hơn 400.000m3, trong đó có ba bồn hình cầu chứa LPG, Propylen, C4 dùng để pha trộn sản xuất ra dòng sản phẩm cuối cùng tại khu bể chứa trung gian.
 
Đặc biệt, Trung tâm điều khiển tự động hóa của nhà máy - nơi được xem là “cơ quan đầu não” của nhà máy được thiết kế xây dựng với chất liệu đặc biệt phòng chống cháy nổ, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống. Tất cả các phân xưởng của nhà máy sẽ được quan sát, theo sát qua hệ thống camera tại khu điều khiển trung tâm và khắp công trường.
 

Phân xưởng chưng cất dầu thô (CDU) - nơi được ví là “trái tim” nhà máy lọc dầu Dung Quất


Các chuyên gia nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các kỹ sư Việt Nam


Hệ thống đuốc đốt nhà máy lọc dầu Dung Quất

Trạm xử lý nước biển mỗi ngày đêm xử lý và bơm 50.000 m3 nước vào làm mát, giảm nhiệt cho toàn bộ hệ thống thiết bị lọc dầu.
 
Ngoài ra, nhà máy còn có hệ thống đuốc đốt cao 115 mét đốt lượng khí thừa bảo đảm an toàn cho công trình và môi trường khu vực xung quanh. Đê chắn sóng dài 1,6 km - công trình đê dài nhất Đông Nam Á bảo vệ khu vực cảng xuất sản phẩm.
 
Hệ thống điều khiển của nhà máy thuộc thế hệ mới nhất (Experion PKS-C200) của Công ty HONEY WELL (Mỹ) - Công ty chuyên cung cấp hệ thống điều khiển cho các nhà máy lọc dầu số 1 thế giới. Nhà máy vận hành dựa trên các mô hình mô phỏng tại Trung tâm điều khiển - “cơ quan đầu não” theo hệ thống tự động hóa các phân xưởng trên công trường. Công ty MIS-INVENSYS (Mỹ) cung cấp hệ thống quản lý điều hành cấp cao. Tập đoàn nổi tiếng về lĩnh vực công nghệ thông tin SIMENS (Đức) cung cấp hệ thống truyền thông liên lạc.
 
 
Hoa hồng chiếm lĩnh công nghệ cao
 
Tiến sỹ Đậu Thị Thuý Lan - Việt Kiều Pháp đang đào tạo cho các kỹ sư vận hành chủ chốt (đội ngũ được chọn lựa để trở thành giảng viên đào tạo lại cho kỹ sư, công nhân vận hành thực tập trên mô hình mô phỏng các phân xưởng nhà máy lọc dầu Dung Quất trong tương lai gần)
Trong rừng sắt thép công nghệ ở Dung Quất có một đóa hoa hồng: chị Đậu Thị Thúy Lan - Việt kiều Pháp, chuyên gia điều khiển quá trình công nghệ lọc - hoá dầu, người chủ trì các dự án mô hình mô phỏng dùng đào tạo qui trình công nghệ và hệ thống tự động hoá (OTS) vừa về Việt Nam tham gia đào tạo, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ kỹ sư.
 
Để nghiên cứu, chế tạo mô hình mô phỏng dùng đào tạo qui trình công nghệ và hệ thống tự động hoá (OTS) cho bốn phân xưởng quan trọng: Phân xưởng chưng cất dầu thô ở áp suất khí quyển, phân xưởng Cracking xúc tác, phân xưởng xử lý cặn dầu (RSCC) và phân xưởng xử lý Lco bằng hydrô tại nhà máy lọc dầu Dung Quất, chị Lan cùng với nhóm chuyên gia Pháp, Trung Quốc, Hà Lan, Libăng…đã làm việc suốt 20.000 giờ tại Trung tâm RSI (Pháp).
 
Theo thống kê, từ năm 2003 đến nay, chị Lan đã chủ trì hàng loạt dự án cung cấp OTS phục vụ đào tạo nguồn nhân lực cho nhiều nhà máy, tổ hợp lọc- hóa dầu, hoá chất qui mô lớn trên thế giới. Cụ thể như năm 2003 chủ trì dự án cung cấp 7 OTS cho Tổ hợp sản xuất các hợp chất thơm tại Iran. Năm 2006, chủ trì dự án cung cấp 3 OTS cho Trung tâm đào tạo Udhe (Đức và Ai Cập) phục vụ đào tạo kỹ sư, công nhân lọc- hoá dầu; cuối năm 2008 chủ trì dự án cung cấp 4 OTS cho nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi). Năm 2009 chủ trì dự án cung cấp 4 OTS cho Tổ hợp Aromatics Complex(những nhà máy hoá dầu) tại Oman.
 
Khát vọng
 
Học xong THPT, năm 1972, Thúy Lan thi đỗ điểm cao vào ngành vô tuyến điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nôi. Sau đó, Thuý Lan được tuyển chọn đưa đi học ngành vô tuyến điện tử tại trường Đại học kỹ thuật Tiệp Khắc. Sau bảy năm học tập tại Tiệp Khắc, năm 1979, Thuý Lan tốt nghiệp trở về giảng dạy ở khoa vô tuyến điện tử trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1989, chị đỗ kỳ thi do Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Đại sứ Quán Pháp tổ chức và bắt đầu sang Pháp học chuyên sâu ngành xử lý tín hiệu tại Viện Đại học Bách khoa Grenoble.
 
Tháng 12-1993, chị bảo vệ luận văn Tiến sỹ về: “Xử lý tín hiệu trong lĩnh vực nhận dạng hình ảnh từ vệ tinh”. Tốt nghiệp xuất sắc, năm 1994, chị được mời ở lại làm cộng tác viên khoa học cho Công ty RSI thuộc Viện Dầu khí Pháp. Năm 1995, chị chính thức trở thành chuyên gia nghiên cứu ứng dụng đề tài vào các dự án trong lĩnh vực lọc - hoá dầu tại Công ty RSI(Pháp). Năm 2000, chị được công ty tín nhiệm giao trọng trách chủ trì các dự án lớn của công ty mang tầm quốc tế.
 
Tuổi trẻ chị Lan hầu như giành trọn vẹn cho khát vọng, hoài bão đam mê học tập, nghiên cứu khoa học. “Bây giờ nhìn lại, các thành viên trong gia đình đều đam mê lĩnh vực công nghệ cao mình thật sự hạnh phúc”, chị tâm sự. Anh Đỗ Thế Quyền - chồng chị là Tiến sỹ ngành điều khiển tự động hoá hiện là giám đốc doanh nghiệp tại Hà Nội trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ cao. Con trai Đỗ Việt Hoàng (28 tuổi) - hiện là kỹ sư hàng không đang công tác tại Công ty Airbus điều khiển trung tâm máy A380 tại Pháp. Đỗ Thu Hà Lan (24 tuổi) - con gái chị hiện công tác tại phòng nghiên cứu thị trường của Trung tâm nghiên cứu năng lượng nguyên tử Quốc gia (Pháp).
 
Anh Quyền kể: Lúc các cháu còn nhỏ, hai vợ chồng tôi có giao ước là dù bận công việc đến đâu chăng nữa cũng phải có bố hoặc mẹ ở nhà sinh hoạt chăm sóc các cháu. Vào mỗi dịp nghỉ hè cả gia đình thường xuyên về thăm Việt Nam. Trong những dịp ấy, các cháu có dịp học tiếng Việt, giao tiếp với cô giáo dạy Văn và trò chuyện với ông bà bằng ngôn ngữ tiếng Việt nên nói tiếng Việt rất giỏi.
 
Có dịp đi công tác nhiều nước trên thế giới, nhìn lại quê hương, chị Lan nghĩ: “ Mình tin thế hệ trẻ Việt Nam nếu được đào tạo bài bản, có ý chí tiến thủ thì hoàn toàn có thể vươn lên chiếm lĩnh những vị trí quan trọng trong lĩnh vực khoa học và các lĩnh vực khác”.
 
(Tuổi trẻ)

ĐỌC THÊM