Theo bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), cơ cấu dự trữ xăng dầu hiện nay gồm 3 nguồn, đó là dự trữ trong sản xuất, dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu chiều 21/6/2022 giá các mặt hàng xăng, dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng từ gần 200 - 1.000 đồng/lít (tuỳ loại). Nguyên nhân được chỉ ra là do thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động, nguồn cung tiếp tục bị hạn chế và giá các sản phẩm thành phẩm xăng dầu tiếp diễn xu hướng tăng…
Trong cuộc họp báo mới đây của Bộ Công Thương, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về điều hành giá xăng dầu cho biết đã xây dựng đề án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu và trình Chính phủ đề án này. Hiện, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư để báo cáo chi tiết hơn về việc nâng mức dự trữ. Trong bối cảnh nguồn cung cũng như giá xăng dầu thế giới có nhiều biến động bất thường, đồng tình với việc tăng dự trữ xăng dầu, song, giới phân tích cho rằng cần tách bạch nguồn dự trữ quốc gia với dự trữ thương mại.
Theo bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), cơ cấu dự trữ xăng dầu hiện nay gồm 3 nguồn, đó là dự trữ trong sản xuất, dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia. Cụ thể, dự trữ sản xuất đến từ 2 nhà máy lọc dầu (Nghi Sơn và Dung Quất); Dự trữ thương mại nằm ở các thương nhân kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và cuối cùng là nguồn dự trữ quốc gia.
Theo bà Nguyễn Thuý Hiền, thực tế hiện nay, nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia của Việt Nam so với các nước khác như Mỹ hoặc Nhật Bản còn mỏng. Vì vậy, để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án nâng mức dự trữ quốc gia và trình Chính phủ đề án này. Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư để báo cáo chi tiết hơn về việc nâng mức dự trữ.
Đồng tình với kiến nghị của cơ quan quản lý Nhà nước, song chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: "Trước mắt cần lập quỹ dự trữ xăng dầu, dự trữ chiến lược có tính chất tác chiến. Về lâu dài cần có sự chuyển dịch năng lượng… Đặc biệt, chúng ta nên cải thiện việc sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng…".
Theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, không chỉ tăng dự trữ xăng dầu để góp phần đảm bảo nguồn cung cũng như bình ổn về giá khi giá thế giới biến động tăng cao, nhất là trong bối cảnh nguồn cung trong nước từ nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn thời gian qua không đạt cam kết mà cần có chiến lược dự trữ quốc gia về xăng dầu trong thời gian tới.
"Hiện nay chúng ta mới chỉ nói về vấn đề dự trữ, lưu thông, theo quy định dự trữ lưu thông 20 ngày (nhưng tôi nghe có doanh nghiệp nói chỉ dự trữ lưu thông 7 ngày và có nhiều lý do họ không dự trữ lưu thông đủ). Nhưng còn 1 thứ tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia như Việt Nam cần quan tâm, đó là dự trữ chiến lược, dự trữ quốc gia - một công cụ can thiệp vào cung - cầu, công cụ can thiệp về giá cực kỳ quan trọng. Đã đến lúc cần đặt ra để có chiến lược dự trữ xăng dầu trong thời gian tới.. đấy là bài toán căn cơ..." - TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Thế nhưng, cũng theo TS Vũ Đình Ánh thì việc tăng dự trữ xăng dầu không hề đơn giản. "Muốn có dự trữ chiến lược chúng ta phải có hệ thống kho bãi và đạt tiêu chuẩn kỹ thuật chứ không phải là bừa được muốn trữ ở đâu thì trữ được, xăng dầu cực kỳ nguy hiểm. Tôi vẫn nhắc bà con trong đợt tăng giá xăng dầu vừa rồi khi bà con xách can đi mua xăng dầu…tiết kiệm được vài trăm nghìn nhưng đánh cược mạng sống và tài sản của mình và của nhà hàng xóm.. xăng dầu lưu trữ không đơn giản, cực kỳ nguy hiểm, đến tầm quốc gia thì càng quan trọng hơn…".
Trước đó, tham gia giải trình trước Quốc hội tại Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 16/3/2022) về những vấn đề cần làm rõ liên quan đến công tác dự trữ xăng dầu thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận: "Hiện nay chúng ta chưa tách được dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại. Và chính các cơ quan quản lý cũng không biết được 33 thương nhân đầu mối này trong kho có lượng hàng dự trữ quốc gia mà theo đúng quy định hiện nay không…Đây cũng là một lỗ hổng cần phải được khắc phục bằng cách là phải có hệ thống dự trữ quốc gia riêng, và dự trữ thương mại riêng…".
Điều đáng nói là xăng dầu đang được quản lý, điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Giá xăng dầu biến động theo giá thế giới từng ngày, thậm chí từng giờ. Do vậy, việc tăng dự trữ lên cũng cần phải làm rõ, giải quyết các bất cập mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nêu - đó là chưa tách được dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại. Và, việc dự trữ quốc gia nhưng vẫn nằm trong kho dự trữ chung của doanh nghiệp đầu mối liệu có còn phù hợp?
Tăng dự trữ quốc gia đối với một mặt hàng thiết yếu như xăng dầu là cần thiết. Vấn đề là tăng bao nhiêu thì vừa, câu chuyện kho chứa cũng như nguồn nào để tăng và trách nhiệm khi sử dụng nguồn chi để tăng dự trữ đối với mặt hàng chiến lược như xăng dầu cũng là vấn đề cần được đặt ra và làm rõ../.
Nguồn tin: VOV