Chính phủ đã chính thức có Tờ trình gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2017. Như vậy, nếu lộ trình Bộ Tài chính vạch ra suôn sẻ, trong 6 tháng tới, trần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu có thể lên 8.000 đồng/lít.
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo luật này, đặc biệt là đề xuất tăng sốc trần thuế môi trường đối với xăng dầu lên gấp đôi, Bộ Tài chính cho hay: Bộ này đã có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Theo lịch trình dự kiến, việc lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân về dự án luật này sẽ diễn ra trong tháng 4. Với tiến trình này, tháng 7-2017, dự án luật sẽ được gửi sang Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tháng 8.
Lộ trình được Bộ Tài chính vạch ra cũng cho thấy, dự án sẽ được thực hiện theo quy trình 1 kỳ họp thay vì 2 kỳ như thông lệ, nên sẽ được Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua trong kỳ họp cuối năm của Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10. Như vậy, nếu mọi việc suôn sẻ theo dự kiến của Bộ Tài chính, 6 tháng tới, trần thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ gấp đôi mức trần hiện tại, giúp Bộ Tài chính “rộng tay” hơn nhiều trong việc điều hành mức thuế này.
Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đang gây chú ý lớn của người dân và doanh nghiệp.
Ngay từ khi đưa ra, đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ mức tối thiểu 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít và tối đa từ 4000 đồng/lít lên 8.000 đồng/lít đã gây xôn xao dư luận. Trong báo cáo đánh giá tác động còn ở mức rất sơ khai, Bộ Tài chính cho biết, mức thuế đang áp dụng hiện hành đã bằng (đối với nhiên liệu bay) hoặc gần bằng mức trần 4.000 đồng/lít trong khung thuế, nên không còn nhiều dư địa để điều chỉnh mức thuế cho “phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước”.
Do đó, Bộ đã đề xuất nới khung thuế ở mức rất mạnh tay, trừ dầu hỏa giữ như hiện hành vì là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa (khung thuế đối với dầu hỏa là 300 – 2000 đồng/lít). Bộ Tài chính cho rằng, tác động tích cực của đề xuất này là tạo dư địa để điều chỉnh mức thuế tuyệt đối và “góp phần đảm bảo ổn định giá đối với mặt hàng này”, trong khi không có tác động tiêu cực.
Ngược lại với sự lạc quan này, VCCI cho rằng, chính sách này sẽ làm nặng thêm gánh thuế, phí của doanh nghiệp, tác động tiêu cực đối với toàn bộ nền kinh tế và lợi bất cập hại đối với ngân sách trong dài hạn. VCCI cũng cho rằng, “nếu mục tiêu chính sách là để hạn chế tác động môi trường thông qua việc hạn chế tiêu thụ xăng dầu thì việc tăng thuế không mang lại hiệu quả đáng kể, trong khi chi phí xã hội lại rất lớn.
So với nhiều công cụ chính sách khác để cắt giảm phát thải như tuyên truyền vận động, đầu tư cho giao thông công cộng, đường sắt, đổi mới công nghệ điện, trồng rừng... thì chính sách thuế đối với xăng dầu tốn kém hơn mà hiệu quả lại thấp hơn”.
Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp cũng đều đã có văn bản đề nghị cân nhắc thận trọng đề xuất trên. Văn bản do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung ký đề nghị “cân nhắc thật kỹ sự cần thiết, lộ trình thực hiện, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, mặt hàng thiết yếu này đã gánh nhiều loại thuế, phí, đồng thời bổ sung đánh giá tác động về kinh tế, xã hội đối với phương án mức sàn – trần biểu khung thuế trong dự thảo”.
Bộ Tư pháp cũng đã đề nghị Bộ Tài chính “đánh giá tác động một cách cẩn trọng đối với các chính sách trong dự thảo hồ sơ, đặc biệt là việc điều chỉnh khung thuế suất đối với nhóm hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn lên gấp đôi theo quy định hiện hành, tạo khoảng cách lớn giữa mức thuế tối thiểu và mức thuế tối đa. Việc điều chỉnh tăng này sẽ dẫn đến tăng mức thuế suất cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp”.
Lý giải về đề xuất nới khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít xăng, ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, động thái này là để ứng phó với việc thuế nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã cam kết với các nước.
“Cách đây hơn 10 năm, thu ngân sách phụ thuộc nhiều vào thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt... Nay thuế nhập khẩu cắt giảm mạnh, thuế nhập khẩu xăng dầu sắp tới chỉ còn 0%, 5% thì việc thu thuế bảo vệ môi trường là để bù đắp nguồn thu” – đại diện Bộ Tài chính lý giải.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, kể từ thời điểm bắt đầu áp dụng (năm 2012) đến nay, số thu thuế bảo vệ môi trường năm sau đều tăng hơn năm trước: từ mức 11.160 tỷ đồng năm 2012 lên 42.393 tỷ đồng năm 2016.
Nguồn tin: Cand