HIệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất, lấy Quỹ bình ổn xăng dầu bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước.
Loạt doanh nghiệp không nhập khẩu đủ hàng
Sáng 24/10, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) và 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2022 được Bộ Công thương giao cho 36 thương nhân đầu mối là hơn 20,7 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.
Đối với mặt hàng chủ đạo là xăng và diesel, một số thương nhân thực hiện tổng nguồn gần đạt, thậm chí vượt so với tổng nguồn tối thiểu được giao.
Đơn của như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đạt 99,6% đối với xăng và 95,9% đối với diesel; Tổng công ty Dầu Việt Nam đạt 100,3% đối với xăng và 83,4% đối với diesel; Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. HCM đạt 93,2% đối với xăng và 167,0% đối với diesel;
Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp đạt 96,2% đối với xăng và 74,9% đối với diesel; Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ đạt 119,0% đối với xăng và 119,4% đối với diesel; Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty xăng dầu Quân đội đạt 123,5% đối với xăng và 127,8% đối với diesel…
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng chỉ rõ, một số thương nhân không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao là Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hưng Phát, Tổng công ty thương mại Sài Gòn, Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (mặt hàng diesel), Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam, Công ty TNHH Trung Linh Phát (mặt hàng xăng), Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh.
Lấy Quỹ bình ổn bù trực tiếp vào chênh lệch chi phí
Đại diện cho gần 80% doanh nghiêp đầu mối, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) chia sẻ, chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh nhưng thời gian vừa qua lại biến động tăng rất cao, việc điều chỉnh không sát thực tế nên các doanh nghiệp lỗ hơn 2.000 tỷ đồng trong quý III tại khâu tạo nguồn.
“Đây chính là lý do các doanh nghiệp ngần ngại nhập hàng vì lỗ rất lớn”, ông Bảo nói và cho biết, trong quý III, chi phí tạo nguồn ở nước ngoài về, doanh nghiệp đã chịu lỗ tới 650 đồng/lít xăng.
Vị này bày tỏ, doanh nghiệp phải chịu lỗ để thực hiện đúng nhiệm vụ chính trị được giao. Chưa tính tới những yếu tố do thời tiết, ảnh hưởng của bão gió khiến tàu bè không thể tiếp cận các nhà máy thì đâu đó đứt nguồn là điều dễ hiểu.
Để các doanh nghiệp đảm bảo khả năng nhập đúng tiến độ, số lượng xăng dầu do Bộ đề xuất, ông Bảo cho rằng, phải triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước theo cách thức: Lấy Quỹ bình ổn bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước.
Hiệp hội cũng đề xuất Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Tài chính để rà soát các chi phí, thay vì 6 tháng thay đổi một lần thì 3 tháng thay một lần để giảm chi phí nhập khẩu, cắt lỗ cho doanh nghiệp.
Kết luận buổi họp, Bộ trưởng Công thương đưa ra 6 nhóm giải pháp để ổn định thị trường xăng dầu.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cần phải bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho cả nước trong mọi hoàn cảnh, phải thực hiện ít nhất bằng kế hoạch sản lượng đã cam kết và động viên các doanh nghiệp nâng công suất để đáp ứng nhu cầu nguồn cung tại các nhà máy sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất cần áp dụng kỷ luật khắt khe hơn với doanh nghiệp đầu mối, bảo đảm cung ứng đầy đủ sản lượng phân giao, tránh tình trạng ký hợp đồng xong để đấy.
Nguồn tin: Giao thông