Do xăng đang phải chịu 2 loại thuế cùng lúc nhằm hạn chế tiêu dùng nên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất loại bỏ sắc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
Đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng |
Góp ý với Bộ tài chính về “Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi”, VCCI cho biết, mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.
Ý kiến của VCCI cũng được nhiều chuyên gia chia sẻ, đồng tình trong thời gian qua, đặc biệt khi giá xăng dầu thế giới diễn biến thất thường.
Ngoài mặt hàng xăng, VCCI cũng kiến nghị Bộ Tài chính đánh giá tác động kỹ hơn đối với việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, đề xuất này cần được thuyết minh kỹ hơn bằng các số liệu cụ thể về dự kiến mục tiêu giảm thừa cân béo phì tương ứng với mỗi mức thuế suất.
Bộ Tài chính cho biết, việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với lý do để bảo vệ sức khoẻ người dân chống lại tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường. Đề xuất này dựa trên nhiều nghiên cứu trên thế giới về mối liên hệ giữa đồ uống bổ sung đường và tình trạng thừa cân béo phì.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng đề xuất này chưa cân nhắc đến một số đặc thù riêng của Việt Nam. Thứ nhất, theo thống kê của WHO, tỷ lệ thừa cân béo phì của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Thứ hai, đồ uống có đường chỉ đóng góp một phần rất nhỏ về lượng calo trong khẩu phần ăn của người dân Việt Nam so với các nước khác.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, trên thế giới, số lượng quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống bổ sung đường là 54/193 quốc gia. Hiện nay, chưa có bằng chứng tại các nước trên cho thấy thuế này có tác dụng giảm béo phì. Đan Mạch đã bãi bỏ chính sách này vì không có tác động đáng kể đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Đánh thuế tiêu thụ đối với đồ uống có đường (được hiểu là đồ uống đóng chai công nghiệp) có thể sẽ khiến người tiêu dùng dịch chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công như nước giải khát tự pha đóng chai, đóng vào cốc mang về (như trà sữa, cà phê mang đi…). Điều này có thể khiến mục tiêu chính sách không đạt được.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị bổ sung thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Lý do được cơ quan soạn thảo đưa ra là vì “sản phẩm thức uống đại mạch có quy trình sản xuất và nguyên liệu giống với mặt hàng bia, hình thức bề ngoài của sản phẩm giống bia, vẫn có mùi vị đặc trưng như bia, chỉ khác tên gọi, giá bán xấp xỉ như nhau nên có thể coi là sản phẩm tương tự bia không cồn”.
Tuy nhiên, dự thảo không chỉ ra bất kỳ tác động tiêu cực đến xã hội hay tính xa xỉ của việc tiêu thụ loại đồ uống này. Việc thức uống đại mạch giống bia, nhưng không có cồn, không thể được coi là lý do để đánh thuế.
Đây là loại đồ uống có tác dụng thay thế bia, nhưng lại không có cồn nên không gây những tác động tiêu cực như khi lạm dụng các đồ uống có cồn khác (ảnh hưởng sức khoẻ, tai nạn giao thông, bạo lực gia đình…). Chính vì tác dụng thay thế bia như vậy, nên nếu đánh thuế loại đồ uống này, vô hình trung sẽ khiến người tiêu dùng chuyển hướng sang sử dụng nhiều bia hơn, gây nhiều tác động tiêu cực.
Do đó, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn ra khỏi diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Riêng với mặt hàng bia- rượu, dự thảo của Bộ Tài chính đang đề xuất sẽ đánh thuế hỗn hợp đối với rượu bia và theo hướng tăng thuế đối với mặt hàng này. Định hướng này phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực thuế.
Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực rượu bia, đồ uống có cồn phản ánh rằng họ đang chịu thiệt hại rất lớn từ việc thực hiện nghiêm Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông, trong đó có quy định về xử phạt lái xe mà trong máu và hơi thở có cồn. Thêm vào đó, thời gian qua, các biến động kinh tế vĩ mô tại Việt Nam và trên thế giới khiến chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, kéo theo đó, giá bán rượu bia trên thị trường đã tăng và tác động làm giảm tiêu dùng.
Do đó, VCCI cho rằng, các doanh nghiệp mong chính sách tăng thuế có lộ trình phù hợp để các doanh nghiệp kịp thích ứng, tránh tác động đột ngột, giật cục.
Nguồn tin: An ninh Thủ đô