Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đề xuất bỏ quy định nhà đầu tư nước ngoài tham gia kinh doanh xăng dầu

 Bộ Công Thương vừa có tờ trình Chính phủ quy định cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước nếu có hoạt động sản xuất có thể chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%.

Theo đề xuất này, Bộ Công Thương cho rằng, quy định cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu nếu có hoạt động sản xuất được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35% thực tế đã được thực hiện nhiều năm nay. Điển hình như Petrolimex (đã bán cho nhà đầu tư nước ngoài 20%), PVOil (35%), BSR (49%),... thông qua quá trình cổ phần hóa, huy động vốn đầu tư và đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương trước khi thực hiện.

Đến nay, các doanh nghiệp này vẫn đang kinh doanh, hoạt động bình thường.

Việc đưa nội dung quy định này vào dự thảo còn là để thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tháng 3/2016 về phát hành tăng vốn cho cổ đông chiến lược của Petrolimex.

Ngoài ra, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài góp phần cải thiện đáng kể công tác quản trị, giúp minh bạch hơn các báo cáo tài chính. Qua đó, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là giúp cho giá trị các doanh nghiệp gia tăng thông qua giá trị cổ phiếu.

Ngoài các doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng cho phép bán cho nhà đầu tư nước ngoài khi cổ phần hóa thì trên thực tế còn hàng nghìn doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu đã niêm yết trên sàn chứng khoán có nhu cầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng quan tâm tới cổ phiếu của các công ty đó nhưng đều gặp khó khăn vì thiếu quy định rõ ràng, cụ thể.

Do đó, Bộ Công Thương cho rằng việc rà soát, bổ sung nội dung cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài là phù hợp với thực tế đã phát sinh và nhu cầu phát triển của ngành xăng dầu trong nước. Việc quy định giới hạn chuyển nhượng cổ phần ở mức 35% vừa giải quyết được vấn đề thu hút vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp song vẫn hạn chế được mức độ can thiệp của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

"Doanh nghiệp xăng dầu, dù thuộc thành phần kinh tế nào, khi kinh doanh tại thị trường Việt Nam cũng phải tuân thủ các điều kiện, quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Do đó, doanh nghiệp hoàn toàn bị kiểm soát hoạt động để bảo đảm quản lý về an ninh năng lượng, chất lượng, an toàn cháy nổ", Bộ Công Thương khẳng định.

Việc cho phép chuyển nhượng này là hoạt động đầu tư gián tiếp, chưa cho phép doanh nghiệp được trực tiếp thực hiện quyền phân phối xăng dầu tại Việt Nam. Việc thực hiện quyền phân phối xăng dầu tại Việt Nam chỉ được thực hiện khi doanh nghiệp nước ngoài thành lập chi nhánh tại Việt Nam và trực tiếp triển khai hoạt động phân phối.

Về mặt pháp lý, Bộ đã rà soát các quy định hiện hành và cam kết quốc tế cho thấy: Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia theo biểu cam kết dịch vụ khi gia nhập WTO, dịch vụ phân phối dầu thô và dầu đã qua chế biến được loại khỏi phạm vi cam kết nên Việt Nam có quyền chủ động cho phép hoặc không cho phép nhà đầu tư nước thực hiện quyền phân phối xăng dầu tại Việt Nam.

Ngoài ra, theo pháp luật trong nước, Điều 22 Luật Đầu tư năm 2014 quy định không giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói chung nếu không có quy định khác của pháp luật có liên quan...

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương dự phòng nếu Thủ tướng Chính phủ thấy nội dung "cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu nếu có hoạt động sản xuất được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không quá 35% cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thêm, Bộ Công Thương kiến nghị bỏ nội dung này ra khỏi dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP”.

Nguồn tin: Thời Đại

ĐỌC THÊM