Nhu cầu dầu thế giới trong tháng 4 giảm xuống 97% so với mức năm 2019 do nhu cầu ở châu Á suy yếu, theo dữ liệu từ Tổ chức Sáng kiến dữ liệu chung về dầu mỏ (JODI) được Reuters trích dẫn.
Nhu cầu dầu yếu hơn ở Trung Quốc trong bối cảnh các đợt phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài nhiều tuần ở Thượng Hải đã gây kinh hoàng cho thị trường dầu trong tháng 4 và hầu hết tháng 5 do chính sách “zero COVID” của nước này dẫn đến việc xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa tại trung tâm tài chính Trung Quốc, nơi có 26 triệu dân.
Dự trữ dầu thương mại toàn cầu đã tăng trong tháng 4 sau nhiều tháng giảm liên tục, nhưng chúng vẫn ở dưới mức trung bình 5 năm cho thời điểm này trong năm.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong Báo cáo Thị trường Dầu mới nhất vào tuần trước, sau gần hai năm sụt giảm, các kho dự trữ dầu toàn cầu được quan sát đã tăng 77 triệu thùng trong tháng 4. Các kho dự trữ trong ngành của OECD cũng tăng 42,5 triệu thùng, tương đương 1,42 triệu thùng/ngày trong tháng 4, nhờ sự hỗ trợ đến từ các đợt xả kho dự trữ của chính phủ gần 1 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, các kho dự trữ của OECD vẫn thấp hơn 290,3 triệu thùng so với mức trung bình giai đoạn 2017-2021, IEA cho biết. Theo dữ liệu sơ bộ của tháng 5, tổng dự trữ của OECD đã tăng 6 triệu thùng trong tháng trước, cơ quan này cho biết thêm.
Tuy nhiên, IEA dự báo trong triển vọng đầu tiên cho năm 2023 rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng tốc trong năm tới, với nhu cầu toàn cầu trung bình đạt mức kỷ lục 101,6 triệu thùng/ngày và vượt mức trước COVID.
IEA cho biết trong Báo cáo Thị trường Dầu cho tháng Sáu: “Trong khi giá cao hơn và triển vọng kinh tế yếu hơn đang làm giảm tốc độ tăng mức tiêu thụ, thì một Trung Quốc đang trỗi dậy sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong năm tới, với mức tăng trưởng tăng nhanh từ 1,8 triệu thùng/ngày vào năm 2022 lên 2,2 triệu thùng/ngày vào năm 2023”.
Cơ quan này cho biết vào năm tới, nguồn cung dầu toàn cầu thậm chí có thể gặp khó khăn để bắt kịp nhu cầu vì các lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ làm cắt giảm nguồn cung nhiều hơn khi chúng chính thức có hiệu lực vào cuối năm nay.
IEA cho biết vào tuần trước: “Nguồn cung dầu toàn cầu có thể gặp khó khăn trong việc đuổi kịp nhu cầu trong năm tới, khi các lệnh trừng phạt siết chặt hơn buộc Nga phải đóng cửa nhiều giếng dầu hơn và một số nhà sản xuất tăng cường hạn chế công suất”.
Nguồn tin: xangdau.net