Giá dầu mỏ thế giới đã giảm gần 2/3 kể từ thời điểm đạt mức kỷ lục hơn 147 USD/thùng tháng 7 năm nay do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ mặt hàng chiến lược này giảm mạnh.
Giá dầu lần đầu tiên trong ba năm qua đã xuống dưới 50 USD/thùng vào phiên giao dịch ngày 20/11 và hiện dao động quanh mốc 50 USD/thùng. Trong bối cảnh đó, các kế hoạch đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí trị giá hàng chục tỷ USD đang bị gác lại.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa cảnh báo, trong 2 thập kỷ tới, mỗi năm thế giới cần đầu tư hơn 1.000 tỷ USD để tìm kiếm các nguồn nhiên liệu mới có thể tránh được một cuộc khủng hoảng năng lượng bóp nghẹt kinh tế toàn cầu.
Các cơ quan năng lượng trên thế giới phải tiếp tục đầu tư vào các dự án mới, bất chấp những khó khăn hiện nay và tổng số vốn đầu tư cần thiết đến năm 2030 là 26,3 nghìn tỷ USD.
Một thực tế đáng lo ngại hiện nay là do giá dầu thế giới giảm mạnh theo đà suy giảm của kinh tế thế giới, nên các nhà sản xuất và lọc dầu đang trì hoãn hoặc huỷ bỏ một số dự án đầu tư, vì phải điều chỉnh để thích nghi với việc giá dầu đã giảm trên 60% từ mức đỉnh tháng 7 năm nay.
Công ty Conoco Phillips và Công ty dầu lửa quốc doanh Arập Xêút cho biết vừa hoãn xây dựng nhà máy lọc dầu trị giá hàng tỷ USD vì kinh tế bấp bênh. Royal Dutch Sell PLC, công ty dầu lửa lớn nhất châu Âu cũng đã rút lại quyết định mở rộng dự án khai thác dầu tại Canada...
Giám đốc điều hành IEA, ông N. Tanaka cho biết, các công ty dầu lửa của Saudi Arabia và Venezuela chiếm khoảng 80% mức tăng sản lượng dầu khí của thế giới, tính đến năm 2030, nhưng IEA hiện chưa rõ các công ty này có huy động số vốn cần thiết để giữ vững nhịp độ đầu tư khai thác dầu khí hay không.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) mới đây cảnh báo rằng, nếu không duy trì được giá dầu ở mức hợp lý, đầu tư vào lĩnh vực lọc dầu và phân phối dầu sẽ bị rút bớt.
Giá dầu đã xuống thấp và hiện vẫn đang trong xu thế giảm do nhu cầu dầu giảm mạnh khi các đầu tàu kinh tế của thế giới đều “ốm yếu”. Bộ Năng lượng Mỹ ngày 19/11 công bố báo cáo cho biết nhu cầu năng lượng của nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này đã giảm mạnh.
Theo Công ty Chứng khoán CFC Seymour của Mỹ, giá dầu mỏ có thể sẽ giảm xuống mức 43-44 USD/thùng trước khi phục hồi cùng với kinh tế thế giới vào năm sau.
OPEC sản xuất 40% nhu cầu dầu thế giới, cho biết tổ chức này sẵn sàng can thiệp thường xuyên để giúp đẩy giá dầu tăng lên. Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ liệu OPEC đã thực hiện đầy đủ cam kết cắt giảm 1,5 triệu thùng dầu/ngày bắt đầu từ 1/11 hay chưa.
Theo ông, OPEC cần tiếp tục cắt giảm sản lượng nhằm ngăn đà giảm giá hiện nay. Sản lượng khai thác dầu chính thức của Venezuela là 3,24 triệu thùng/ngày nhưng OPEC cho biết nước này chỉ sản xuất cầm chừng ở mức 2,33 triệu thùng. Trong tuần qua, giá dầu thô của Venezuela giảm xuống còn 40,68 USD/ thùng.
Nga, một nước xuất khẩu dầu lửa lớn ngoài OPEC cũng đã bày tỏ tham vọng can thiệp vào giá cả trên thị trường dầu khí thế giới. Thượng viện Nga ngày 26/11 đã thông qua sửa đổi luật thuế suất, theo đó hàng tháng sẽ xem xét lại thuế xuất khẩu dầu mỏ thay vì hai tháng một lần như hiện nay, cho phép nhà nước phản ứng một cách linh hoạt hơn trước sự biến động của thị trường.
Tuy nhiên, bất chấp việc giá dầu đã và đang giảm mạnh, IEA vẫn dự báo giá dầu sẽ tăng và ở mức cao trong dài hạn. Từ năm 2009 đến năm 2015, giá dầu thô sẽ ở mức trung bình 100 USD/thùng và lên tới 120 USD/thùng vào năm 2030. Lý do giá dầu tăng là nhu cầu dầu vẫn tăng từ mức 85 triệu thùng/ngày hiện nay lên 130 triệu thùng/ngày vào năm 2030.
Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vẫn là những nước tiêu thụ dầu chính, chiếm nửa nhu cầu năng lượng thế giới từ nay đến năm 2030. Và Trung Đông vốn là nhà cung cấp dầu, cũng sẽ nổi lên thành một trung tâm tiêu thụ dầu thế giới. Ngoài ra giá dầu sẽ tăng vì chi phí sản xuất tăng vọt khi nguồn cung cấp dầu sẽ chủ yếu ở các mỏ ngoài khơi.