Trong phiên 4/10, giá dầu đi xuống trên thị trường châu Á, sau khi Iran công bố báo cáo mới nhất cho hay xuất khẩu năng lượng của nước này tăng mạnh trong tháng 9/2016.
Thông tin trên làm gia tăng lo ngại về tình trạng dôi dư nguồn cung toàn cầu, vốn là nguyên nhân chính đẩy giá dầu “trượt dốc” trong hơn hai năm qua, bất chấp việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vừa nhất trí về kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu mỏ vào cuối năm nay.
Cuối phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 32 xu Mỹ (0,66%), xuống 48,49 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc cũng giảm 26 xu Mỹ (0,5%), xuống 50,63 USD/thùng.
Số liệu mới nhất từ Chính phủ Iran cho biết, tổng xuất khẩu dầu thô và khí ngưng tụ (condensate) của nước này trong tháng Chín ước đạt 2,8 triệu thùng/ngày, tiến gần tới mức cao kỷ lục ghi nhận trong năm 2011 khi Iran chưa bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế.
Ông Mohsen Ghamsari, Giám đốc phụ trách quan hệ quốc tế của Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Iran (NIOC) ngày 2/10 cho biết Iran hiện đang xuất khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô/ngày và con số này sẽ được nâng lên 2,35 triệu thùng/ngày.
Thông tin này càng đè nặng lên thị trường dầu mỏ, bởi nó gây cản trở nỗ lực hạn chế nguồn cung của OPEC. Trước đó, tại cuộc họp không chính thức của OPEC bên lề Diễn đàn Năng lượng Quốc tế lần thứ 15 tại Algeria, OPEC đã bất ngờ quyết định giảm sản lượng dầu xuống mức 32,5-33 triệu thùng/ngày, thấp hơn khoảng 750.000 thùng/ngày so với mức hiện tại.
Nhiều người lạc quan rằng một số nhà sản xuất dầu ngoài OPEC như Nga cũng sẽ tham gia thỏa thuận này tại cuộc họp của OPEC vào tháng 11 tới. Barclays dự báo giá dầu sẽ tăng lên mức tối thiểu 50 USD/thùng trong quý IV/2016, song Morgan Stanley vẫn khá thận trọng khi cho rằng thị trường dầu mỏ vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro trong thời gian tới.
Nguồn tin: Bnews