EIA lại đưa ra báo cáo một tuần nữa có tồn kho giảm mạnh trong số liệu mới nhất của họ, cụ thể dự trữ dầu của Mỹ đã giảm 6,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4 tháng 8. Điều đó có nghĩa là Mỹ đã hút ra hơn 60 triệu thùng từ kho dự trữ kể từ khi tồn kho đạt đỉnh điểm hồi tháng 3 ở mức 535 triệu thùng.
Quan trọng hơn, có những bằng chứng ngày càng rõ ràng cho thấy tồn kho sẽ tiếp tục sụt giảm và thậm chí đà giảm này có thể tăng tốc. Bằng chứng đó có thể được tìm thấy trên thị trường kỳ hạn, nơi những thay đổi trong các hợp đồng dài hạn không còn giao dịch ở mức giá cao hơn nhiều so với giá kỳ hạn gần.
Trong ba năm trở lại đây, thị trường dầu tương lai đã bị mắc kẹt trong tình trạng contango – tức là hợp đồng dầu cho tháng tiếp theo đang giao dịch ở mức giá thấp hơn nhiều so với hợp đồng dầu tương lai sẽ hết hạn trong sáu hoặc mười hai tháng. Contango là một triệu chứng rõ rệt của một thị trường dư cung.
Về cơ bản, giá dầu giao trước 1 tháng cũng đã giảm vì có quá nhiều dầu trên toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên mà contango được nổi bật nhất khi giá dầu giao ngay giảm xuống mức thấp nhất, chẳng hạn như vào đầu năm 2016 khi WTI giảm xuống dưới 30 USD/thùng.
Bây giờ mọi thứ đang thay đổi. Contango đã thu hẹp đáng kể, đến mức hầu như biến mất hoàn toàn. Điều đó có nghĩa là, các hợp đồng dầu giao trong ngắn hạn được định giá tương đương với hợp đồng 6 tháng tới.
Không chỉ là dấu hiệu cho thấy thị trường đang thắt chặt - khi các nhà đầu tư không còn ngập lụt trong dầu trong thời gian ngắn nữa - nhưng nó cũng cho thấy rằng sắp tới, mọi thứ sẽ tiếp tục thắt chặt. Đó là bởi vì contango tạo một động lực để tích trữ dầu. Một trader có thể mua dầu thô, trả tiền để dự trữ, và bán vào một ngày sau đó với mức giá cao hơn. Nhưng khi contango gần như biến mất, chi phí tích trữ sẽ làm cho việc kinh doanh không hiệu quả.
Điều đó có nghĩa là việc thu hẹp contango có thể khiến tồn kho bị sụt giảm mạnh hơn và liên tục vì các thương nhân không còn muốn lưu kho nữa.
Đối với giá dầu, đây là xu hướng tăng, vì nguồn cung dư thừa đang nằm trong kho sẽ tiếp tục giảm.
Hơn nữa, nếu thị trường kỳ hạn thực sự rơi vào trạng thái backwardation, tức là giá ngắn hạn cao hơn hợp đồng sáu tháng - nó sẽ tạo một cú hích tăng mạnh hơn nữa cho giá.
Backwardation không chỉ dẫn đến sự sụt giảm tồn kho mạnh hơn, mà còn cản trở các kế hoạch của đá phiến Mỹ, bằng cách lấy đi một trong những chiến lược thèm muốn nhất của họ trong thị trường hiện nay: hedging. Các công ty khoan đá phiến thường chốt một phần sản xuất nhất định của họ trước một năm, điều này làm cho họ miễn nhiễm với đợt suy thoái khác. Bởi vì thị trường kỳ hạn đã ở trong tình trạng contango nên các công ty khoan đá phiến đã chốt giá cao hơn nhiều cho năm tới so với giá hiện tại. Vì vậy, họ có thể có lợi nhuận ngay cả khi giá giao ngay có vẻ suy yếu.
Song, Backwardation sẽ làm lật ngược sự tính toán đó. Nếu tất cả các công ty khoan đá phiến phải đi qua một mức giá tương lai thực sự thấp hơn giá ngày hôm nay, thì động lực để hedge giá sẽ giảm đi nhiều. Điều đó có thể dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu, các chương trình khoan khiêm tốn hơn, và cuối cùng là sản lượng dầu thấp hơn trong năm 2018. Nếu không có sự chắc chắn trong việc khóa sản lượng với việc hedging thì sẽ có nhiều rủi ro hơn cho những công ty khai thác dầu này tiến lên một cách táo bạo. Tóm lại, sự chuyển đổi sang backwardation có thể làm chậm sự tăng trưởng của đá phiến trong một chừng mực nào đó.
Theo nghĩa này, các đợt cắt giảm của OPEC đã bắt đầu có kết quả. Bằng cách lấy các thùng dầu ra khỏi thị trường, họ đang rút bớt tồn kho và thu hẹp thị trường contango. Mục tiêu cuối cùng là giá cao hơn, và cuối cùng chúng ta sẽ đến đó.
Một gợi ý khác trong lập luận này là tính không thể đoán trước và bản chất thay đổi của đường cong tương lai. Đá phiến có thể khởi động và ngừng cung cấp một cách quá nhanh chóng đến nỗi hợp đồng tương lai dài hạn ít chắc chắn hơn nhiều so với trước đây. Jeff Currie, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa Goldman Sachs nói với Bloomberg: "Nguồn cung luôn được coi là cố định, nhưng thực tế nguồn cung hiện nay có thể thay đổi nhanh hơn nhu cầu. Tốc độ của nguồn cung làm thay đổi cách mà các thị trường này giao dịch. Khi bạn nhìn vào dầu, hàng hóa không phải là tài sản trước kỳ hạn. Họ không thể định giá cho tương lai, họ định giá hôm nay”. Currie lập luận rằng những cắt giảm của OPEC hồi tháng 11 năm ngoái đã làm thay đổi đường cong tương lai cho năm tới, nhưng khi thị trường định giá theo sự thay đổi mong đợi, nó đã dẫn tới một sự phản ứng cung gần như ngay lập tức từ đá phiến Mỹ. Nói cách khác, "bạn không thể kinh doanh dầu vượt quá ba đến sáu tháng, bởi vì nguồn cung có thể phản ứng lại, bạn không thể kinh doanh dầu dài hạn nữa," Currie nói.
Tuy nhiên, sắp tới, thị trường kỳ hạn đang bắt đầu hướng về sự thắt chặt, một dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm của dầu tồn kho và cuối cùng là giá cao hơn.
Nguồn tin: xangdau.net