Thông tin về bất đồng trong vấn đề đóng băng sản lượng giữa các nước sản xuất lớn của OPEC khiến giá dầu thô lao dốc, kéo chứng khoán toàn cầu đồng loạt điều chỉnh trong phiên cuối tuần trước.
Phố Wall đảo chiều trong phiên cuối tuần trước do tác động của giá dầu thô (Ảnh minh họa: AFP)
Sau khi có chuỗi tăng mạnh nhờ quyết định không tăng lãi suất của Fed, phố Wall đã đảo chiều giảm mạnh trong phiên cuối tuần sau đà lao dốc của giá dầu thô.
Một nguồn tin cho biết, Ả Rập Xê út không mong đợi một thỏa thuận đạt được tại cuộc họp ở Algeria vào các ngày 26-28/9 này. Thông tin này khiến giá dầu thô lao dốc hơn 4% vào kéo theo nhóm cổ phiếu năng lượng lao dốc. Ngoài ra, áp lực chốt lời sau chuỗi tăng mạnh và Nasdaq lập kỷ lục mới cũng ảnh hưởng tiêu cực tới phố Wall trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 23/9, chỉ số Dow Jones giảm 131,01 điểm (-0,71%), xuống 18.261,45 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,49 điểm (-0,57%), xuống 2.164,69 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 33,78 điểm (-0,63%), xuống 5.305,75 điểm.
Dù điều chỉnh khá mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng phố Wall vẫn có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp nhờ quyết định không tăng lãi suất của Fed. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 0,76%, chỉ số S&P 500 tăng 1,19% và chỉ số Nasdaq tăng 1,17%.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính cũng điều chỉnh trong phiên cuối tuần khi nhóm cổ phiếu ngân hàng bị chốt lời và ảnh hưởng tiêu cực từ nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô lao dốc. Tuy nhiên, đà giảm của các chỉ số chính trên thị trường châu Âu ít hơn nhiều so với phố Wall.
Kết thúc phiên 23/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 1,97 điểm (-0,03%), xuống 6.909,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 47,21 điểm (-0,44%), xuống 10.626,97 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 21,13 điểm (-0,47%), xuống 4.488,69 điểm.
Cũng giống như phố Wall, dù điều chỉnh trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng nhờ những phiên tăng mạnh liên tiếp trước đó, chứng khoán châu Âu đã có tuần tăng tốt sau 2 tuần giảm liên tiếp. Cụ thể, tuần qua, chỉ số FTSE 100 tăng 2,97%, chỉ số DAX tăng 3,41% và chỉ số CAC 40 tăng 3,61%.
Tương tự chứng khoán châu Âu, áp lực chốt lời nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng khiến chứng khoán Nhật Bản, Hồng Kông điều chỉnh trong phiên cuối tuần. Trong khi chứng khoán Hồng Kông được hưởng trọn 2 phiên tăng nhờ ảnh hưởng tích cực từ quyết định của BOJ và Fed, thì chứng khoán Nhật Bản lại chỉ được hưởng lợi 1 phiên thứ Tư sau quyết định của BOJ và phiên thứ Năm, thị trường này đóng cửa.
Kết thúc phiên 23/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 53,60 điểm (-0,32%), xuống 16.754,02. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 73,32 điểm (-0,31%), xuống 23.686,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,52 điểm (-0,28%), xuống 3.033,79 điểm.
Cũng được hưởng lợi từ quyết định của Fed và BoJ, chứng khoán châu Á cũng hồi phục trở lại, lại lại được phân nửa những gì đã mất trong tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,42%, chỉ số Hang Seng tăng 1,50% và chỉ số Shanghai Composite tăng 1,04%.
Sau phiên tăng đột biến hôm thứ Tư sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed, vàng đã trở lại xu thế lình xình trong 2 phiên cuối tuần trước. Trong phiên thứ Sáu tuần trước (23/9), giá kim loại quý này đã 3 lần nỗ lực chinh phục mức 1.340 USD/ounce nhưng bất thành. Áp lực chốt lời, cùng với đồng USD hồi phục trở lại là lý do cản bước tiến của giá vàng.
Kết thúc phiên 23/9, giá vàng giao ngay tăng 0,4 USD (+0,03%), lên 1.337,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 3,6 USD (-0,27%), xuống 1.341,1 USD/ounce.
Sau khi giảm hơn 1,5% trong tuần trước, giá vàng đã hồi phục mạnh trở lại trong tuần qua, đòi hết cả vốn lẫn lãi nhờ được hưởng lợi từ quyết định của Fed. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 2,07% và giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 2,12%.
Dù gặp khó khăn trong 2 phiên cuối tuần, nhưng với quyết định không tăng lãi suất của Fed, giới phân tích vẫn lạc quan về xu hướng của giá vàng trong tuần này.
Cụ thể, trong cuộc thăm dò của Kitco, trong 20 nhà phân tích và môi giới trả lời, có 12 người, chiếm tới 60% cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần này, cao hơn nhiều con số 38% và 27% của 2 tuần trước đó, trong khi số người dự báo giảm và đi ngang chỉ đều là 4 người, chiếm 20%.
Tương tự, trong số 809 nhà đầu tư cá nhân tham trả lời trong cuộc khảo sát online, cũng có tới 596 người, chiếm 74% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, cao hơn nhiều con số 48% của tuần trước, trong khi có 150 người, chiếm 19% dự báo giảm và số người dự báo giá vàng đi ngang hoặc có quan điểm trung lập là 63 người, chiếm 8%.
Sau khi tăng liên tiếp nhờ hưởng lợi từ đồng USD giảm sau quyết định của Fed và kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh tuần trước đó, giá dầu thô đã lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần do Ả rập Xê út và Iran, 2 nước sản xuất dầu lớn của OPEC vẫn bất đồng về việc đóng băng sản lượng trước cuộc họp diễn ra vào tuần này.
Kết thúc phiên 23/9, giá dầu thô Mỹ giảm 1,84 USD/thùng (-4,14%), xuống 44,48 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,76 USD (-3,84%), xuống 45,89 USD/thùng.
Dù lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng nhờ những phiên tăng trước đó, giá dầu thô cũng có tuần hồi phục trở lại sau tuần giảm hơn 6% trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 4,07%, giá dầu thô Brent hồi phục 0,26%.
Nguồn tin: Tinnhanhchungkhoan