16/2 – Giá dầu thô giao sau đã giảm xuống 38$/thùng tại New York với những suy đoán rằng cuộc suy thoái tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ hạn chế nhiều hơn nhu cầu về nhiên liệu.
Kinh tế Nhật Bản, nước tiêu dùng dầu mỏ lớn nhất sau Mỹ và Trung Quốc, trong quý IV vừa rồi đã suy giảm mạnh nhất tính từ năm 1974, một báo cáo của chính phủ cho biết. Cung dầu có thể sẽ giảm 2 triệu thùng/ngày trong năm nay, giám đốc cơ quan năng lượng quốc tế IEA ông Nobuo Tanaka cho biết tại Luân Đôn ngày hôm qua.
Dầu giao tháng tới “đang có quá nhiều sức ép giảm giá do mức tồn kho tiếp tục tăng lên ở Mỹ và hàng loạt những số liệu kinh tế ảm đạm,” theo ông Harry Tchilinguirian, một nhà phân tích thị trường dầu thâm niên tại BNP Paribas SA tại Luân Đôn, cho biết qua điện thoại.
Dầu thô giao tháng 3 đã giảm 6 xu, hay 0,2% xuống 37,45$/thùng lúc 11h29 sáng giờ Luân Đôn. Trước đó giao dịch này đã tăng tới 98 xu, hay 2,6% lên 38,49$/thùng tại sàn New York Mercantile Exchange. Sàn giao dịch Nymex đóng cửa ngày hôm qua vì dịp lễ Ngày tổng thống.
Tổng giá trị sản phẩm trong nước của Nhật trong quý IV năm 2008 đã giảm 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái, văn phòng chính phủ cho biết tại Tokyo ngày hôm qua. Trước đó là xuất khẩu trong quý III giảm 13,9%.
Nhu cầu dầu mỏ trên thế giới khó có khả năng tăng trở lại cho đến năm 2010, và khi đó có thể tăng khoảng 1%/năm cho đến năm 2013, ông Tanaka nói.
Dầu giao tháng 3 đã tăng lên tương đối so với những tháng sau vì giao dịch này sẽ hết hạn vào 20/2, Tchilinguirian cho biết. Hợp đồng tháng 4 không thay đổi giữ nguyên mức 41,95$/thùng, sau khi giảm trong 5 ngày liên tiếp.
Ngày 13/2 dầu đã tăng 10% lên 37,51$/thùng, lần tăng đầu tiên trong 6 ngày và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ 21/1. Các thương gia đã tin chắc rằng giá sẽ giảm thêm lại mua dầu vào để hạn chế tổn thất trong suốt 3 ngày nghỉ cuối tuần ở Mỹ.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC – cung cấp 40% dầu trên thế giới – sẽ lại cắt giảm sản lượng vào tháng tới nếu giá vẫn ở dưới mức 40$, đại diện của Iran ông Mohammad Ali Khatibi cho biết hôm 15/2.
“Việc giảm cung của OPEC sẽ cần thời gian trước khi chúng có tác động lên mức tồn kho vì tốc độ hoạt động của các nhà máy lọc dầu trên toàn cầu đã bị đình trệ,” ông Tchilinguirian cho biết.
Mức tồn kho tại Mỹ, nền kinh tế tiêu dùng dầu lớn nhất thế giới, đã tăng lên trong suốt 7 tuần vừa qua và đang ở mức cao nhất kể từ tháng 7.2007, theo báo cáo từ bộ Năng lượng.
Tuần trước là tuần thứ 6 liên tiếp OPEC đã hạ mức dự báo về nhu cầu dầu mỏ năm 2009 của họ, thể hiện mức tiêu dùng giảm “đột ngột và đáng kể”. Tổ chức này đã đặt lại mức sản lượng tối đa hàng ngày là 24,845 triệu thùng từ 1/1 đối với 11 nước thành viên của họ.
Venezuela sẽ ủng hộ việc giảm mức hạn ngạch nếu điều đó là cần thiết, bộ trưởng dầu mỏ và năng lượng ông Rafael Ramirez cho biết tại Caracas hôm 15/2.