Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Dầu thô 2009: Cầu tiếp tục giảm

Kể từ ngày 1-1-2009, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu thô (OPEC) sẽ giảm 2,2 triệu thùng dầu/ngày. OPEC còn dự báo nhu cầu dầu thô sẽ tiếp tục giảm vào năm 2009 kéo theo giá dầu hạ. Điều này đang làm các nước trước đây từng giàu lên mau chóng nhờ giá dầu thô tăng phi mã phải sống trong lo lắng
 
Trừ các vương quốc vùng vịnh Ba Tư dân ít, dự trữ tài chính khổng lồ là vẫn tỏ ra bình tĩnh, những nước khác như Nga, Venezuela, Iran, Iraq, Algeria, Nigeria và Angola từng sống khỏe nhờ giá dầu tăng cao (có lúc lên đến 175,40 USD/thùng) đang rầu rĩ. Bởi, nếu kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái thì giấc mơ thịnh vượng và những tham vọng quốc tế của họ sẽ tan vỡ. Hậu quả là các vấn đề chính trị và xã hội sẽ đè nặng lên vai chính phủ. Xưa nay, chính phủ các nước này đứng vững nhờ phân phối lại lợi nhuận kinh doanh dầu thô. Bây giờ lợi nhuận không còn lớn như xưa nên chính phủ các nước này sẽ chịu áp lực rất nặng.
 
Dự báo bi quan
 
Lần đầu tiên kể từ năm 1983, nhu cầu dầu thô của năm 2008 đã giảm trung bình 200.000 thùng/ngày. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), trong năm tới mức cầu sẽ tiếp tục giảm ở mức 400.000 thùng/ngày. Vị chi, mỗi ngày toàn cầu chỉ cần 85,7 triệu thùng/ngày, giảm 150.000 thùng/ngày so với năm 2008. OPEC và Cơ quan Thông tin năng lượng còn bi quan hơn: Mức cầu tại các nước công nghiệp - nhất là tại Trung Quốc và Ấn Độ – sẽ giảm mạnh làm giá dầu cũng rớt theo.
 
Ngày 17-12 vừa qua, tại cuộc họp ở Oran (Algeria), OPEC đã đồng lòng “cắt giảm mạnh” nguồn cung. Các nhà phân tích cho rằng OPEC sẽ cắt giảm thêm 2 triệu thùng/ngày. Cộng với 2 triệu thùng/ngày cắt giảm hồi tháng 9, OPEC hy vọng sẽ nâng giá dầu thô lên cho dù không trông đợi sẽ giữ được giá cao lâu dài. Nhưng nếu Nga gia nhập OPEC thì mọi chuyện có thể khác.
 
Ngày 11-12, Tổng thống (TT) Nga Medvedev đã có những lời lẽ đáng chú ý: “Chúng ta cần bảo vệ những quyền lợi của chúng ta. Dầu thô và khí đốt là nguồn thu của chúng ta. Biện pháp tự vệ có thể bao gồm việc cắt giảm nguồn cung, gia nhập các tổ chức cung cấp dầu cũ và mới”. Trước đó, Thủ tướng Putin cũng từng tuyên bố: “Nước Nga không thể đứng ngoài việc hình thành giá cả”.
 
Việc Nga gia nhập OPEC hay tổ chức nào khác tất nhiên sẽ làm IEA, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và G8 rầu lòng. Kể từ khi thành lập, OPEC bị nhiều nước coi là một thế lực kìm hãm tự do thương mại. Nếu có thêm thành viên mới là Nga (nước sản xuất dầu thô lớn thứ hai trên thế giới ngang hàng với Ả Rập Saudi) thì OPEC sẽ chiếm 55% nguồn cung toàn cầu, tăng cường ảnh hưởng và thế lực trên thị trường dầu thô. Chính phủ Nga đang nắm chiếc vòi dầu thô và khí đốt thông qua Công ty Transneff và Gazprom. Sự hiện diện của Nga trong OPEC sẽ biến tổ chức này thành một thế lực chính trị và kinh tế đáng gờm.
 
Bất ổn
 
Từ năm 2000, nền kinh tế Nga cất cánh nhờ kinh doanh dầu khí. Giá cả hai loại năng lượng này – theo TT Medvedev – là “vấn đề sinh tử” nếu muốn phát triển. Nhật báo Pháp Le Monde dẫn lời các chuyên gia kinh tế, cho biết Nga cần giá tối thiểu 75 USD/thùng dầu thô để phát triển chính sách chính trị và kinh tế. Nay với giá dầu chỉ còn chưa tới 40 USD/thùng, vốn đầu tư nước ngoài đội nón ra đi vì cơn bão tài chính thế giới, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng và giá các loại nguyên liệu sụt giảm, nước Nga đang gặp rất nhiều khó khăn.
 
Không chỉ có Nga, những nước sống chủ yếu nhờ dầu khí khác như Nigeria và Iraq cũng phải cắt giảm chi tiêu ngân sách trong năm 2009. Tại Venezuela, mặc dù nước này còn 30 tỉ USD dự trữ, các nhà kinh tế dự báo rằng những chương trình xã hội rất tốn kém của TT Hugo Chavez chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại do nguồn thu từ dầu lửa đã giảm mạnh. Bằng chứng là Chính phủ Venezuela buộc phải giảm tốc độ quốc hữu hoá các khu vực chiến lược (ngân hàng, xi măng, luyện thép v.v...). Công ty Standard&Poor còn dự báo cán cân thanh toán của Venezuela sẽ bị thâm hụt lớn vào năm 2009. Năm nay, mức thâm hụt đã ở mức 12,5%.
 
Nói chung, năm con trâu sẽ không thuận lợi cho các nước xuất khẩu dầu khí. Giá dầu thấp, mức cầu thấp, tình hình kinh tế suy thoái lan rộng khắp năm châu trong năm 2009 sẽ là một bài toán đau đầu cho chính phủ các nước từng một thời hốt bạc nhờ giá dầu cao chót vót.
 
Hợp tác năng lượng Nga-Serbia
Ngày 24-12, Nga và Serbia đã ký một hiệp định hợp tác năng lượng. Theo đó, Gazprom - tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga với vốn của nhà nước chiếm 51% – sẽ kiểm soát công ty độc quyền khí đốt NIS của Serbia và đường ống dẫn khí đốt South Stream, đoạn đi ngang qua Serbia. Nga sẽ dùng đường ống này để vận chuyển khí đốt đến miền Nam châu Âu.
Nhờ hiệp định này, Gazprom sở hữu 51% vốn của NIS. Gazprom cũng cam kết đầu tư 500 triệu euro vào NIS từ nay đến năm 2012 và xây dựng một trạm khí ở Banatski Dvor, miền Bắc Serbia. Gazprom cũng tài trợ công trình lắp đặt 400 km đường ống dẫn khí South Stream trên đất Serbia.
Đường ống nói trên rất quý giá với Nga, bởi nó cho phép Gazprom né được Ukraine vốn đang có quan hệ rất xấu với Nga. 80% khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu hiện nay phải đi qua lãnh thổ Ukraine. Năm nào Ukraine và Nga cũng tranh cãi về giá vận chuyển khí đốt. Tình hình này sẽ chấm dứt khi đường ống dẫn khí South Stream đi vào hoạt động từ năm 2013. Gazprom và đối tác RNI của Ý đã thỏa thuận dự án vận chuyển khí đốt trị giá 10 tỉ euro từ Kafkaz và Balkan qua ngã Biển Đen đến Nam Âu.
Gazprom, hiện sở hữu 1/4 dự trữ khí đốt thế giới và cung cấp 26% khí đốt cho châu Âu, đang có một dự án khác thiết lập đường ống dẫn khí North Stream cung cấp khí cho Bắc Âu từ Nga và Đức qua ngả biển Baltic.
Theo nhật báo Nga Kommersant, hiệp định hợp tác Nga-Serbia nói trên thực chất là một cuộc thỏa hiệp chính trị. Nó chứng tỏ Serbia hoàn toàn tin tưởng ở Nga, trao an ninh năng lượng của mình cho Moscow. Ai cũng biết Nga là đồng minh lâu đời của Serbia. Gần đây nhất, Nga cương quyết ủng hộ Serbia không công nhận nền độc lập của Kosovo, nguyên là một tỉnh của Serbia.

 (Người lao động)

ĐỌC THÊM