Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Dầu mỏ thổi bùng chứng khoán Canada

   Theo S&P Global Market Intelligence, kể từ đầu năm tới nay, chỉ số chứng khoán tổng hợp S&P/TSX của Canada đã tăng 14%, gấp hơn 2 lần so với mức tăng 6% của chỉ số S&P 500 trên TTCK Mỹ. Điều này khiến Canada trở thành một địa điểm ưa thích của các nhà đầu tư.



Với gần 1 tỷ USD vốn ròng đổ vào, quỹ iShares MSCI Canada ETF (EWC) chính là quỹ ETF bên ngoài nước Mỹ nhận được lượng tiền mới rót vào nhiều nhất trong năm nay.

Một số ý kiến cho rằng, sự khởi sắc của chứng khoán Canada là nhờ những điều chỉnh chính sách tích cực của Thủ tướng Justin Trudeau, người nhậm chức hồi cuối năm ngoái, song trên thực tế, các vấn đề nội địa không phải là động lực chính thúc đẩy TTCK Canada.

Theo giới phân tích, sự lên giá của chứng khoán Canada chủ yếu có liên quan tới giá dầu mỏ và một số hàng hóa khác. Tại thời điểm kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy giảm, ngành khai mỏ và khai khoáng của Canada (vốn chiếm khoảng 13% quy mô TTCK nước này) cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Tương tự, khi giá dầu thô tụt dốc, nạn nhân chính là ngành năng lượng Canada, lĩnh vực chiếm khoảng 20% quy mô TTCK.

Kể từ tháng tháng 7/2014, chỉ số cổ phiếu nhóm năng lượng TSX Capped Energy Index của chứng khoán Canada đã giảm tới 40%, trong khi hồi năm ngoái, toàn bộ thị trường cũng chứng kiến mức sụt giảm gần 12%.

Tuy nhiên, hiện nay, giá dầu mỏ đã phục hồi trở lại và tăng khoảng 30% so với giai đoạn “đáy” đầu năm 2016. Sự thịnh vượng ngay lập tức quay trở lại. Stephen Lingard, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Franklin Templeton Solutions nhận định: “Canada có sự gắn kết rất chặt chẽ với các loại hàng hóa và không có gì bất ngờ khi năm nay là một trong những năm ghi nhận môi trường tốt hơn cho lĩnh vực hàng hóa”.

Trên thực tế, sự phục hồi chứng khoán tương tự cũng diễn ra tại một số nền kinh tế phụ thuộc vào hàng hóa khác, trong đó có Brazil và Nga. Hay Peru, một nền kinh tế khác phụ thuộc vào ngành kim loại, chỉ đứng sau Brazil tại khu vực Nam Mỹ về diện mạo của TTCK trong năm nay.

Tuần trước, tin tức Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhất trí về một thỏa thuận khung nhằm giới hạn trần sản lượng chính là nhân tố tâm lý tích cực giúp kéo giá “vàng đen” tăng lên. Tuy nhiên, những nghi ngờ vẫn còn tồn tại về việc tuân thủ thỏa thuận trong chính những thành viên OPEC, hay việc Iran không chịu ràng buộc cắt giảm sản lượng và vẫn thể hiện quyết tâm nhanh chóng khôi phục ngành công nghiệp năng lượng sau nhiều năm chịu cấm vận từ phương Tây. Điều này khiến Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs vẫn duy trì mức dự báo giá dầu mỏ 43 USD vào cuối năm nay và chỉ tăng lên 53 USD/thùng vào năm 2017.

Giá dầu tăng lên cũng có những ảnh hưởng tới đồng nội tệ của Canada, sau một vài năm xuống giá đã tăng mạnh trở lại so với đồng USD. Kể từ đầu năm 2016, đồng bạc xanh đã giảm giá trên 5% so với đồng dollar Canada. Xu hướng vận động tiền tệ này lại có lợi cho cổ phiếu các quỹ ETF của Canada như EWC, vốn đã ghi nhận mức tăng 19% trong năm nay.

Một điểm đáng chú ý khác, Canada là một địa điểm đầu tư an toàn hơn nhiều so với các quốc gia giàu tài nguyên hàng hóa khác như Brazil hay Nga. Dù chứng khoán Brazil hay Nga ghi nhận mức tăng thậm chí còn lớn hơn Canada, song 2 thị trường này bất ổn hơn nhiều. Bên cạnh đó, Canada không phải là một nền kinh tế đang nổi, mà đã là một quốc gia công nghiệp phát triển.

Risteard Hogan, nhà quản lý trưởng tại Fidelity Canada Fund đánh giá: “Nếu bạn đang đầu tư vào một TTCK có yếu tố trung tâm là chỉ số nhóm hàng hóa, thì các rủi ro đảo chiều là lưu ý rất quan trọng. Ở Canada, các đạo luật được ban hành chặt chẽ, cùng sự quản trị nghiêm túc của chính phủ. Canada sở hữu một cấu trúc thị trường tốt và nhiều lĩnh vực, qua thời gian, đã chứng minh tiềm năng tạo dựng giá trị, chứ không chỉ có lĩnh vực năng lượng. Có rất nhiều công ty chất lượng tại Canada, tương tự như những gì nhà đầu tư mong muốn tại Mỹ, thậm chí có cấu trúc hấp dẫn hơn”.

Lĩnh vực viễn thông là một ví dụ, nơi 3 tập đoàn lớn đang tạo ra những giá trị doanh thu khổng lồ. Đó là chưa kể đến các doanh nghiệp trong khu vực bảo hiểm hay đường sắt, vốn có độ tin cậy và hoạt động ổn định.

Tuy nhiên, vẫn còn đó một số rủi ro khi đầu tư tại Canada. Nếu giá dầu mỏ lại giảm, đồng nội tệ Canada sẽ tụt dốc theo. Ngoài ra, thị trường bất động sản Canada hiện đang tương đối nóng. Ngân hàng Trung ương Canada ước tính, giá bất động sản nước này hiện cao hơn 30% so với giá trị trung bình thực tế. Nếu đổ vỡ xảy ra, khu vực ngân hàng sẽ là nạn nhân đầu tiên và phải gánh chịu tác động nặng nề.

Nguồn tin:Tinnhanhchungkhoan

ĐỌC THÊM