Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Dầu mỏ đang "giãy chết"?

 Thế giới đang đứng trước khởi nguyên của sự đổ vỡ thị trường dầu mỏ lớn hơn bao giờ hết. 

Ông Rabah Arezki, chuyên gia đứng đầu bộ phận hàng hóa của Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF) cũng phải nhận định rằng thế giới đang đứng trước khởi nguyên của sự đổ vỡ thị trường dầu mỏ lớn hơn bao giờ hết.

Câu chuyện phân ngựa và cuộc cách mạng năng lượng

Đầu thế kỷ 20, hàng loạt các thành phố Phương Tây phải đối mặt với thách thức lớn nhất về môi trường. Điều đáng ngạc nhiên là thách thức này không phải những khi nhà ổ chuột hay hệ thống xử lý nước thải mà là phân ngựa.

Thành phố London năm 1900 có khoảng 300.000 con ngựa phục vụ cho vận tải, sức kéo hay những công việc khác, kéo theo đó là hàng tấn phân ngựa mỗi ngày. Trong khi đó, thành phố New York của Mỹ cũng là nơi cư ngụ của hơn 100.000 con ngựa.

Hậu quả là những thành phố lớn này phải chịu đựng nùi hôi thối mỗi khi trời mưa và tình trạng ruồi bọ mất vệ sinh khi trời nắng.

Tại hội nghị quốc tế đầu tiên về kế hoạch hóa đô thị diễn ra tại New York năm 1898, việc giải quyết phân ngựa được đặt lên hàng đầu nhưng không một giải pháp hữu hiệu nào được đưa ra.

Tuy nhiên, vấn đề này được xử lý triệt để chỉ trong 10 năm sau bởi “bàn tay vô hình” từ thị trường. Nhà phát minh Henry Ford đã cho ra đời mẫu xe hơi Model T lần đầu tiên với giá thành rẻ, đi nhanh cũng như không gây “bẩn” đường xá. Hệ quả tất yếu là số xe hơi đã vượt số ngựa tại New York vào năm 1912. Đến năm 1917, dịch vụ xe ngựa công cộng cuối cùng cũng đã phải đóng cửa ở Manhattan.

Kể từ lúc này, cuộc cách mạng dầu mỏ và xe hơi bắt đầu bước lên hành trình chinh phục thị trường của mình.

Thời kỳ này được nhiều chuyên gia đánh giá là cuộc cải cách nhanh chóng nhất trong lịch sử loài người. Nếu than đá thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp thì chính xăng dầu đã làm nên phát minh động cơ đốt trong cho nhân loại. Chính nhờ yếu tố này mà con người đã có thể làm được những điều mà chúng ta từng chỉ có thể mơ ước như lặn xuống biển sâu, bay lên vũ trụ hay xa hơn nữa.

Dầu mỏ cũng là nguyên liệu chính để làm nên hàng loạt các sản phẩm thiết yếu cho nhân loại, từ son môi đến đĩa CD, từ mũ bảo hiểm cho đến thuốc Aspirin. Những chiếc máy kéo dùng động cơ đốt trong và phân bón đã khiến lương thực thế giới rẻ hơn, các sản phẩm nhựa nilong được làm từ dầu mỏ có thể giúp đóng gói tiện lợi hơn và hàng nghìn các sản phẩm khác liên quan đến dầu mỏ.

Có thể nói dầu mỏ đã thay đổi lịch sử nhân loại và đây chính là lý do con người đã tạo rất nhiều cuộc chiến trong 100 năm qua chỉ vì loại nhiên liệu này. Thậm chí bước sang thế kỷ 21. Xăng dầu vẫn chiếm vị thế thống trị trên thị trường.

Tuy nhiên, bất cứ sản phẩm nào cũng có thời kỳ của nó và thị trường năng lượng đang có những biến động lớn với sự tham gia ngày một nhiều của năng lượng sạch.

Vào thời kỳ đỉnh cao năm 1973 khi cuộc xung đột dầu mỏ diễn ra giữa Phương Tây và Trung Đông, loại nhiên liệu này chiếm 46% thị trường năng lượng, nhưng tỷ lệ này chỉ còn chiếm 31% vào năm 2014, trong khi than chiếm 29% còn khí đốt chiếm 21%.

Trong khi đó, những nguồn năng lượng tái sinh khác như điện gió, điện mặt trời tổng cộng lại chiếm chưa đến 1% và nhiều chuyên gia nhận định đây sẽ là một thế lực mới cạnh tranh với dầu mỏ trên thị trường trong tương lai.

Tỷ lệ tiêu thụ trên tổng số của các loại nhiên liệu trong 50 năm đầu sau khi đã vượt qua được 1% thị phần toàn cầu

Lịch sử lặp lại?

Nếu trước đây xăng dầu là một giải pháp hữu hiệu ít ô nhiễm môi trường thay thế cho sức ngựa thì nay chính nguồn năng lượng này lại đang trở thành nguyên nhân chính làm “bẩn” trái đất cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Nói cách khác, dầu mỏ đang đối mặt với nguy cơ như sức ngựa đã từng đối mặt với sản phẩm xe hơi Model T đầu tiên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng rủi ro sẽ không đến từ nhu cầu tiêu dùng mà bắt đầu từ việc các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng tập trung sang các nguồn năng lượng mới thay vì thăm dò tiếp những mỏ dầu.

Dấu hiệu rõ ràng nhất là việc các quốc gia hiện nay đang cố gắng chống lại tình trạng ô nhiễm môi trường nặng cũng như thay đổi khí hậu. Thỏa thuận Paris vừa qua đã cho thấy sự đồng thuận của các nước về việc cố gắng giữ trái đất không nóng lên quá 2 độ C, đồng thời cũng thể hiện một lời tuyên chiến rõ ràng với các nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ.

Mặc dù thỏa thuận trên có thể bị ảnh hưởng bởi việc tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, một nhà lãnh đạo phản đối hiệp định khí hậu Paris, nhưng nếu những nước tiêu dùng năng lượng chủ chốt như Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc, Ấn Độ cam kết thực hiện thỏa thuận thì việc tiêu thụ dầu mỏ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán để đạt mục tiêu trái đất không nóng thêm quá 2 độ C thì nhu cầu dầu mỏ năm 2020 không được vượt quá 93 triệu thùng/ngày, một mức khai thác chỉ nhỉnh hơn so với sản lượng hiện nay.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia dự đoán xăng dầu sẽ bị thay thế bằng khí đốt hóa lỏng, điện năng hoặc nhiên liệu sinh học cho giao thông vận tải trong vòng 25 năm tới. Dù thảo thuận môi trường Paris không hề đề cập cụ thể đến vấn đề trên nhưng việc giá ắc quy cũng như những nguồn năng lượng sạch ngày một rẻ đang khiến khả năng này dần lớn hơn.

Mặc dù vậy, xăng dầu không phải nạn nhân lớn nhất của cuộc cách mạng năng lượng này mà là than bởi loại nhiên liệu này mới là thủ phạm chính gây ra ô nhiễm môi trường. Năm 2014, nhiên liệu than đã chiếm tới 46% lượng khí thải carbon dioxide ra trái đất, trong khi xăng dầu chiếm 34% còn khí đốt chiếm 20%.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn tập trung vào nghiên cứu dầu mỏ bởi đây mới là loại nhiên liệu có vị thế hàng đầu trên thị trường khi được xuất khẩu tới 1,5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Gần 50% các công ty trong bảng xếp hạng Fortunes 500 có hoạt động kinh doanh liên quan đến dầu mỏ trong khi loại tài nguyên này là yếu tố sống còn của nhiều nền kinh tế. Xăng dầu cũng là nhiên liệu cung cấp tới 93% giao thông vận tải trên toàn thế giớ

i.

Những nguồn năng lượng chính của thế giới (tỷ tấn năm 2014) và dự đoán cho nhu cầu dùng dầu (tỷ tấn)

Ngày tàn của dầu mỏ

Kể từ khi giá dầu giảm mạnh vào cuối năm 2014, cả thế giới đã chứng kiến sự khủng hoảng của ngành dầu mỏ. Đặc biệt vào tháng 1/2016 khi giá dầu xuống dưới 30 USD/thùng, thị trường chứng khoán đã chao đảo, các nước xuất khẩu dầu chính khủng hoảng trong khi hàng loạt công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ phá sản.

Cũng từ đây, nhiều nước khai thác dầu lớn như Ả Rập Xê Út bắt đầu cải cách lại nền kinh tế để giảm phụ thuộc vào loại tài nguyên này. Công ty dầu khí quốc doanh Aramco cũng đã bị lên kế hoạch cổ phần hóa. Một số quốc gia sản xuất dầu ở Trung Đông cũng chuyển hướng sang năng lượng mặt trời như một hướng đi mới.

Trong khi đó, một số nước tiêu thụ dầu lớn cũng tận dụng để cắt giảm ngân sách trợ giá nhiên liệu, còn nhiều công ty khai thác Phương Tây thì bị chính phủ siết chặt quản lý hơn.

Gần đây, Ủy ban chứng khoán Mỹ (ASEC) đã quyết định điều tra công ty dầu khí tư nhân lớn nhất thế giới Exxon Mobil về việc liệu hãng này có che dấu những rủi ro ô nhiễm môi trường gây ra bởi trữ lượng dầu lớn của công ty hay không.

Hàng loạt các cổ đông của những doanh nghiệp dầu lửa Châu Âu và Mỹ cũng đang yêu cầu công ty giải trình về các biện pháp đối phó nếu các nước áp dụng các quy định bảo vệ môi trường.

Rõ ràng, thời đỉnh cao của dầu mỏ đã qua.

Trong suốt nhiều thập niên, mối quan tâm lớn nhất của nhiều cường quốc là an ninh năng lượng. Những cuộc chiến tranh, xung đột hầu hết đều có liên quan đến dầu mỏ.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) được thành lập để bảo vệ đế chế dầu mỏ và đẩy giá lên cao. Trong thế kỷ 20, OPEC và nỗi sợ hãi dầu mỏ đã khiến thị trường nhiều lần chao đảo. Tuy nhiên với cuộc cách mạng dầu đá phiến ở Mỹ cũng như các nguồn năng lượng sạch khác, vị thế của OPEC giờ đã không còn như xưa.

Mặc dù dầu mỏ vẫn là nguyên liệu chủ yếu cho nhiều ngành kinh tế và sẽ còn cần thiết trong nhiều năm nữa, nhưng thế giới ngày nay đang ngày càng khắt khe hơn với nó.

Tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đã buộc Trung Quốc cũng như Ấn Độ có các biện pháp thay thế xăng dầu như xe điện hay dầu sinh học, dầu diesel.

Hàng loạt những hãng xe như Tesla, Chevrolet và Nissan đang phát triển những dòng xe điện khả dụng cho người tiêu dùng, trong khi vai trò của ngành dầu mỏ trong đóng góp tăng trưởng GDP trên toàn cầu đang giảm dần.

Hiện nhiều nhà phân tích cho rằng thỏa thuận khí hậu Paris sẽ là bước ngoặt làm suy giảm dần tiêu thụ dầu sớm nhất vào thập niên 2020. Điều này tương đương với việc các công ty sẽ tập trung khai thác dầu ở những vùng có chi phí thấp như Trung Đông hơn là các mỏ ở biển Artic hoặc dầu cát ở Canada.

Dẫu vậy, thị trường dầu mỏ sẽ không thể biến mất nhanh như sức ngựa thời thập niên 1910. Bộ trưởng dầu mỏ Ả Rập Xê Út, ông Khalid Al-Falih dự đoán thế giới vẫn sẽ phải đầu tư 1 nghìn tỷ USD mỗi năm trong vòng 25 năm tới.

Ông Rabah Arezki, chuyên gia đứng đầu bộ phận hàng hóa của Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF) cũng phải nhận định rằng thế giới đang đứng trước khởi nguyên của sự đổ vỡ thị trường dầu mỏ lớn hơn bao giờ hết.

Nguồn tin: Tapchigiaothong

ĐỌC THÊM