Giá dầu lửa từ 110 USD/thùng vào tháng 6/2014 đã giảm xuống còn 50 USD/thùng vào tháng 1/2015 và sau đó dao động trong khoảng trên dưới 55 USD/thùng vào quý I năm nay. Đây là mức giảm giá chưa từng thấy kể từ lần giảm mạnh, diễn ra vào năm 2008 sau sự phá sản của Ngân hàng Lehman Brothers.
KHI OPEC MƠ ƯỚC ĐỘC QUYỀN
Có nhiều lý do dẫn đến việc giảm giá này nhưng lý do quan trọng nhất là sự phát triển dầu đá phiến ở Mỹ. Trước sự giảm giá dầu như vậy, các nhà quan sát về thị trường dầu lửa hy vọng sẽ có một sự điều chỉnh nguồn cung của các nước thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Điều này đã diễn ra vào năm 2001 do sự giảm nhu cầu sau vụ khủng bố 11/9; cuối năm 2006 khi việc tiêu thụ của thế giới đã tạm ổn; hoặc vào quý IV năm 2008, đang trong thời kỳ khủng hoảng, khi các nước OPEC giảm sản lượng hơn 3,5 triệu thùng/ngày để ngăn chặn việc giảm giá sâu hơn nữa. Nhưng lần này các nước OPEC đã không can thiệp vào thị trường và giá vẫn tiếp tục giảm để đạt ngưỡng “biểu tượng” 50 USD/thùng. Ban đầu, một số người đã coi đây là sự thỏa thuận giữa Mỹ và Saudi Arabia nhằm làm cho nền kinh tế Nga và Iran suy yếu. Nhưng thực tế cho thấy dường như là vì lý do kinh tế hơn là địa chính trị.
Sự phát triển của dầu đá phiến Mỹ đã dẫn đến sự suy giảm của giá dầu.
Thành lập năm 1960, OPEC hiện nay gồm 12 nước, ở khu vực Trung Đông: Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Iran, Iraq, Kuwait và Qatar; ở châu Phi: Algeria, Libya, Angola và Nigeria và ở Mỹ Latinh: Venezuela và Ecuador.
Theo định nghĩa, OPEC là một tổ chức của các nước xuất khẩu dầu lửa để nắm quyền về thị trường, nhất là bằng cách điều tiết sản lượng dầu lửa. Hiện nay, sản lượng của OPEC khoảng 30 triệu thùng/ngày so với 24,4 triệu thùng từ năm 2009 đến 2011, chiếm 30% sản lượng thế giới. Khả năng sản lượng toàn bộ của OPEC ước chừng tới 35,45 triệu thùng/ngày. OPEC chiếm 72,5% trữ lượng dầu thô thế giới, chủ yếu nằm ở Trung Đông và cũng chính ở Trung Đông chi phí sản xuất thấp nhất (10 USD/thùng).
Trong số 5 nước có trữ lượng dầu lớn nhất thì 4 nước nằm trong OPEC, gồm 3 nước nằm ở Trung Đông là Saudi Arabia (17,9%), Iran (9,3%), Iraq (7,8%) và một nước nằm ở Nam Mỹ là Venezuela (14,4%). Việc tập trung trữ lượng tại vài nước này là do sự tập trung các mỏ dầu ở đây: 60% các mỏ “siêu khổng lồ” với trữ lượng trên 700 triệu tấn nằm ở Trung Đông và chiếm 40% trữ lượng trên hành tinh. Trong những điều kiện này, cơ cấu thị trường dầu lửa có thể giống như mô hình “sự song quyền Stackelberg”, tức là một sự cân bằng trong đó một trong hai bên, nhà lãnh đạo sẽ xác định mức sản lượng bằng cách đòi hỏi đối thủ phải quyết định tùy thuộc vào nhà lãnh đạo này.
OPEC hiện nay gồm 12 nước.
Như vậy, OPEC (chủ thể lãnh đạo) sẽ lựa chọn một mức sản lượng, xác định mức giá và người tuân theo (các nước không thuộc OPEC) sẽ điều chỉnh sản lượng với mức giá do chủ thể lãnh đạo đưa ra. Trong một cơ cấu thị trường như vậy, OPEC quan tâm đến việc thông qua những chiến lược sau: thứ nhất, thuyết phục các nước tiêu thụ thực hiện các chương trình nghiên cứu và phát triển nhằm tìm ra những loại năng lượng thay thế dầu lửa; thứ hai, khai thác các trữ lượng của “chủ thể cạnh tranh”, tức là nhóm các nước không thuộc OPEC, để trở thành chủ thể cung cấp duy nhất cho thị trường và được hưởng quy chế độc quyền.
Chiến lược này, OPEC đã áp dụng nhiều lần trong lịch sử của mình. Chẳng hạn, trước cuộc khủng hoảng châu Á dẫn đến việc giảm giá từ năm 1997, ngày 23/3/1999 OPEC đã thông qua kế hoạch của Saudi Arabia và Venezuela dự định giảm sản lượng 2,1 triệu thùng/ngày - điều này cho phép giá dầu tăng tới 24 USD/thùng.
Tháng 3/2000, OPEC đã chính thức định ra giá dao động từ 22 đến 28 USD và lập ra một hệ thống “điều tiết tự động” sản lượng mà không cần phải tiến hành các cuộc họp các nước thành viên. Khi giá dầu giảm xuống dưới 22 USD/thùng trong 10 ngày liên tiếp thì OPEC có thể quyết định giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày. Ngược lại, nếu giá dầu tăng trên 28 USD/thùng trong 20 ngày liên tiếp thì OPEC có thể quyết định tăng sản lượng. Saudi Arabia hoàn toàn tán thành chiến lược này và trở thành người bảo đảm tôn trọng các quyết định của tổ chức.
Các nghiên cứu về thái độ của Riyadh đối với phần còn lại của tổ chức từ năm 1970 đến 2012 cho thấy rằng khi nhu cầu của thế giới giảm mạnh (như trong các cuộc khủng hoảng 1974-1975 hay 2008-2009), Saudi Arabia và các nước khác thuộc OPEC cũng giảm sản lượng. Thậm chí Saudi Arabia còn điều chỉnh sản lượng của mình hơn một chút so với các nước thành viên OPEC khác để duy trì mức sản lượng đã được thỏa thuận trong các cuộc họp. Trái lại, nghiên cứu cho thấy rằng khi có một sự ngừng sản lượng ở một trong những nước thành viên OPEC thì Saudi Arabia sẽ tăng một cách có hệ thống xuất khẩu của mình để bù vào việc giảm xuất khẩu của các nước khác. Người ta nhận thấy điều đó từ khi xảy ra cuộc cách mạng Iran năm 1979 đến những biến động ở Libya năm 2011.
Xem kỳ 2: Biến động khôn lường của thị trường
Nguồn tin: Báo Tin Tức