Theo World Oil, giám đốc điều hành FTI Strategic Communication và là chuyên gia thị trường David Blackmin đã đưa ra những đánh giá về tác động của những chính sách năng lượng mới dưới thời tân Tổng thống Joe Biden đến ngành dầu mỏ Mỹ. Những lời hứa của chính quyền mới tại Mỹ liên quan đến ngành năng lượng, dự kiến sẽ đảo ngược các quyết định của chính quyền tiền nhiệm.
Trong nhiệm kỳ của tân Tổng thống Joe Biden, lệnh cấm sử dụng công nghệ nứt vỡ thủy lực (fracking) dự kiến sẽ mang đến ít rủi ro nhất đối với các công ty dầu khí Mỹ. Còn lại, tân Tổng thống Biden sẽ thực hiện đường lối cứng rắn đối với ngành năng lượng, có kế thừa chính sách của người tiền nhiệm Obama. Trước hết, Tổng thống Biden sẽ nỗ lực bãi bỏ tất cả các quy định/ưu đãi pháp lý mà ngành dầu mỏ Mỹ nhận được dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Mặc dù thực tế là trong chiến dịch tranh cử của mình, tân Tổng thống Mỹ đã đưa ra nhiều lời hứa và nhấn mạnh đến việc sẽ cấm sử dụng công nghệ fracking, song hiện chưa rõ chính quyền mới sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào. Đối với cựu Tổng thống Donald Trump, trong 4 năm qua, người Mỹ đã chứng kiến chính xác những hứa hẹn của ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Chưa bao giờ có một tổng thống Mỹ nào tập trung hơn Trump trong việc thực hiện tất cả các cam kết đã đưa ra. Trong trường hợp của Tổng thống Biden, hiện vẫn chưa biết chính xác những cam kết của ông về dầu, khí đốt và năng lượng nói chung, ngoài việc nỗ lực đảo ngược mọi thứ mà chính quyền Trump đã thực hiện. Đây là điều mà tất cả các công ty dầu khí đang chú ý. Chính quyền dân chủ mới sẽ hoàn trả tất cả các lợi ích chính trị đạt được trong giai đoạn 2017-2020. Để đạt điều này, chính quyền mới sẽ sử dụng công cụ và chiến lược khác nhau.
Sắc lệnh mới đảo ngược sắc lệnh cũ
Làn sóng hậu quả tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh dầu khí tại Mỹ sẽ xuất phát từ những sắc lệnh mới. Kết quả sớm nhất khi Tổng thống Biden lên nắm quyền sẽ là nỗ lực tăng cường quy định năng lượng bằng cách bãi bỏ các sắc lệnh khác nhau của cựu Tổng thống Trump. Tổng thống Biden đã nhiều lần cam kết thực hiện các hành động tương tự trong suốt chiến dịch tranh cử của mình để xoa dịu nhóm cực tả của các nhà hoạt động Dân chủ và giành được sự ủng hộ của họ. Các sắc lệnh của chính quyền Trump có thể nhanh chóng bị phá bỏ. Danh sách các sắc lệnh mới có khả năng được đưa bao gồm:
Mỹ tái gia nhập Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 (quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu toàn cầu của cựu Tổng thống D.Trump đã gây ra tranh cãi gay gắt).
Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran (việc tái xác nhận cam kết của Mỹ theo thỏa thuận này sẽ cho phép Iran tăng mạnh xuất khẩu dầu và điều này có khả năng tác động tiêu cực đến giá dầu).
Hủy bỏ sắc lệnh của người tiền nhiệm về việc bỏ chỉ thị của Hội đồng Chất lượng môi trường (tất cả các đánh giá môi trường và sự cho phép của liên bang phải tính đến tác động của biến đổi khí hậu. Trong suốt 8 năm nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Obama, chỉ thị này đã được Cơ quan bảo vệ môi trường và Bội Nội vụ sử dụng nghiêm ngặt để cấm cấp phép cho các hoạt động và dự án dầu khí khác nhau. Đây là một trong những công cụ mà chắc chắn chính quyền mới sẽ áp dụng triệt để).
Hủy bỏ sắc lệnh của D.Trump về giải thể Nhóm công tác liên ngành về chi phí xã hội của khí nhà kính (nhóm công tác liên ngành vốn là công cụ của chính quyền Obama nhằm làm chậm sự phát triển năng lượng hóa thạch tại các tiểu bang trong giai đoạn 2009 - 2016).
Hủy bỏ các lệnh hành pháp của người tiền nhiệm D.Trump về đẩy nhanh quy trình cấp phép liên bang (các quy định này trước đây đều nhằm mục đích hỗ trợ tăng sản lượng năng lượng hóa thạch tại Mỹ).
Cấm công nghệ fracking (công nghệ này vốn chiếm một tỷ trọng rất lớn trong tổng sản lượng dầu khí của Mỹ. Quyết định cấm có thể được chính thức hóa bằng sắc lệnh Tổng thống hoặc theo lệnh của Bộ trưởng Nội vụ tương lai. Phó Tổng thống Kamala Harris đã nhiều lần cam kết loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng công nghệ này tại Mỹ trong suốt chiến dịch tranh cử).
Nhiều quyết định mới ở phía trước
Nhiều khả năng chính quyền J.Biden sẽ thực hiện nhiều quyết định vốn đã được triển khai trong nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Obama. Trong giai đoạn 2013-2016, bộ máy hành pháp của Mỹ đã có nhiều biện pháp hạn chế ngành dầu khí, được thực hiện bởi Bộ Nội vụ cũng như các cơ quan liên bang về bảo vệ môi trường, sức khỏe và lao động. Hành động của các cơ quan này có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể chi phí của ngành dầu khí và làm chậm khả năng hoàn thành các dự án lớn. Trong nhiệm kỳ 2017-2020, chương trình nghị sự năng lượng của cựu Tổng thống Trump đã tập trung vào loại bỏ các quy tắc rắc rối và không cần thiết mà chính quyền Obama đã tìm cách áp dụng, bao gồm:
Cải tổ hoạt động của Cơ quan bảo vệ môi trường US Waters theo hướng bỏ quyền kiểm soát của cơ quan này đối với các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Giảm vai trò của Cục Tiêu chuẩn quản lý đất đai về khai thác khí mỏ dầu.
Nới lỏng các quy định về tiêu chuẩn khí thải metan.
Đơn giản hóa quản lý đất đai có sử dụng công nghệ fracking nhằm hỗ trợ tăng sản lượng dầu khí đá phiến.
Đường ống, cảng và hàng hóa xuất khẩu
Trong lĩnh vực vận tải dầu khí, Ủy ban Điều tiết năng lượng liên bang (FERC) có khả năng làm chậm lại đáng kể lĩnh vực này, dẫn đến cản trở hoàn thành các dự án đường ống liên bang mới. Các thống đốc đảng Dân chủ như Andrew Cuomo (New York) đã đạt được những bước tiến lớn trong việc ngăn chặn các đường ống dẫn mới qua bang của họ. Giờ đây trong chính quyền mới, FERC sẽ sử dụng nhiều quyền lực hơn để ngăn chặn việc xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng. Trong 5 năm qua, các thẩm phán liên bang do Obama bổ nhiệm cũng đã đưa ra một loạt quyết định chưa từng có để tạm dừng các dự án đường đống lớn như Đường ống dẫn dầu cận Dakota và Đường ống phía bắc của hệ thống Keystone XL.
Các cơ quan liên bang cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cấp giấy phép cho các cơ sở công nghiệp lớn như cảng xuất khẩu LNG, nhà máy lọc dầu và việc mở rộng, hiện đại hóa các cảng biển. Danh sách các cơ quan này bao gồm: Cơ quan bảo vệ môi trường, Bộ Thương mại, Bộ Nội vụ, Công binh Lục quân Hoa Kỳ và nhiều cơ quan khác.
Chiến thắng của hai ứng cử viên Dân Chủ trong cuộc bầu cử Thượng viện tại bang Georgia đang trở thành yếu tố then chốt trong thực thi chính sách của chính quyền mới. Đảng Dân chủ đã giành được đa số ghế tại cả hai viện của Quốc hội. Điều này cho phép chính quyền mới làm chậm quá trình khoan, khai thác năng lượng hóa thạch và mở rộng các cảng công nghiệp khác nhau tại Mỹ như tìm cách hoãn tài trợ cho Quân đoàn kỹ sư - đơn vị quản lý tất cả các dự án nêu trên tại Mỹ.
Do đó, chính quyền mới của Tổng thống Biden có nhiều cách để làm chậm lại hoạt động sản xuất, kinh doanh dầu khí của Mỹ, vốn đang phải vật lộn với khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Những chuyên gia kỳ cựu trong ngành dầu khí sẽ không quên tốc độ triển khai nhanh chóng các quy định mới do chính quyền Obama thực hiện trong hai năm cầm quyền cuối cùng. Không ngoại trừ khả năng tốc độ này sẽ được lặp lại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, nhất là khi đảng Dân chủ đã giành quyền kiểm soát Thượng viện.
Nguồn tin: PetroTimes