Thuế không giảm, giá dầu vẫn giảm
Mặc dù không được giảm thuế nhập khẩu nhưng từ 22h ngày 9/2, các cửa hàng bán xăng dầu trên cả nước (trừ hệ thống của Petrolimex) đã đồng loạt giảm giá dầu từ 11.000 đồng/lít xuống 10.500 đồng/lít. Đến 7h ngày 10/2, các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex mới thực hiện mức giảm này. Động thái giảm giá dầu trước đó đã được sự đồng ý của Cục quản lý giá, Bộ Tài chính trong ngày 9/10/2008.
Người tiêu dùng băn khoăn khi giá xăng chưa được giảm. Ảnh: Chí Cường |
Chiều 10/2, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex xác nhận thông tin giảm giá dầu với PV Báo GĐ&XH. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao Petrolimex không thực hiện từ 22h ngày 9/2, ông Dũng cho rằng: “Có một số lý do riêng của doanh nghiệp nên Petrolimex đã xin ý kiến Bộ Tài chính về việc chậm trễ đó”. Dù vậy, ông Dũng vẫn từ chối tiết lộ các “lý do riêng của doanh nghiệp”.
Thuế giảm, giá xăng vẫn nguyên
Liên quan đến chuyện giá xăng dầu, trong thời gian gần 2 tháng qua, giá đầu vào của mặt hàng xăng luôn quanh quẩn mốc 50 USD/thùng. Tuy nhiên, riêng với mặt hàng xăng thì hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều cho rằng đang bị lỗ nặng. Riêng dầu thì có lãi chút ít nhưng không đáng kể. Việc giảm giá xăng dầu phụ thuộc vào chuyện giảm thuế nhập khẩu vốn đang được xem là khá cao.
Theo quyết định số 24 của Bộ Tài chính ngày 21/1, từ ngày 10/2 thuế nhập khẩu mặt hàng xăng sẽ được giảm từ 35% xuống 25%. Như thế, thuế xuất nhập khẩu cả xăng và dầu đều ở mức 25%. Mặc dù không được giảm thuế nhập khẩu nhưng giá dầu vẫn giảm 500 đồng/lít. Vậy tại sao được giảm thuế đến 10% mà giá xăng lại không giảm?
Về việc này, ông Vương Thái Dũng cho rằng chưa thể giảm giá xăng bởi vì cho dù đã giảm thuế 10% nhưng kinh doanh xăng hiện vẫn còn lỗ hơn 1.000 đồng/lít (?!). Việc kêu lỗ khi bán xăng được 11 nhà nhập khẩu và bán xăng trên cả nước cùng đưa ra trong thời gian qua. Cho dù cùng lúc, nhiều nhận định được xem là có cơ sở của các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh doanh xăng hiện không thể lỗ với mặt bằng thuế và các chi phí tính trên một lít xăng hiện nay.
Cước vận tải: Án binh bất động
Dầu là nhiên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng chủ yếu trong giá cước vận tải nên giá cả mặt hàng này lập tức tác động đến giá cước. Thế nhưng trao đổi với PV Báo GĐ&XH chiều 10/2 trước việc giá dầu giảm 500 đồng/lít, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô cho rằng thật khó để các doanh nghiệp giảm giá cước vận tải. “Việc giá dầu cứ giảm nhỏ giọt thật là nguy hiểm. Tính mấy tháng lại đây, tháng 11 năm ngoái giá dầu giảm 3 lần và tháng 12 cũng giảm 3 lần, nhưng mỗi lần chỉ 500, 1.000 đồng/lít nên việc giảm giá cước vận tải gặp nhiều khó khăn.
Một lần giảm giá cước có rất nhiều thủ tục và chi phí in ấn cũng rất tốn kém. Lần này, so sánh với giá cũ thì mức giá dầu giảm chỉ được 4%, tương ứng với mức giảm này thì giá cước vận tải chỉ giảm được 1,5%. Như thế thì giá cước vận tải điều chỉnh thế nào đây? Riêng với giá cước vận tải thì dịp cuối năm vừa rồi, các doanh nghiệp cũng đã giảm giá đến 20% và theo tôi như thế là khá phù hợp...”, ông Hùng nhấn mạnh.
Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô, ông Hùng cũng đề nghị rằng xăng dầu là mặt hàng chiến lược, tác động trực tiếp đến nền kinh tế. Hiện nay có 11 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cả nước và còn mang dấu ấn độc quyền. Thời kinh tế hội nhập, việc này cần phải được xóa bỏ hoàn toàn thì mới đưa xăng dầu trở thành mặt hàng kinh doanh thực sự cạnh tranh.
(Giadinh.net)