Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng Hai, một số quốc gia đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với nước này, làm hạn chế thương mại và ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga. Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt dầu khí trầm trọng trên toàn thế giới. Nhưng một số chính phủ đang tận dụng tình huống này như một cơ hội nhằm thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga trong khi nhu cầu thấp đối với nguồn cung dầu khí rất lớn của nước này đang giúp cho các nước nhập khẩu năng lượng với giá rẻ hơn.
Trong khi Australia, Canada, Anh và Mỹ đã đưa ra các lệnh cấm hoàn toàn đối với việc mua dầu của Nga, thì EU và một số nước khác trên thế giới đã từ chối tuân theo. Nhiều người cho rằng việc áp dụng các biện pháp trừng phạt và cấm nhập khẩu đối với Nga sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước này, khuyến khích Tổng thống Putin rút khỏi cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, nhiều chính phủ công nhận tầm quan trọng của nguồn cung cấp dầu và khí đốt của Nga, với tư cách là một trong ba nhà sản xuất dầu thô hàng đầu trên toàn thế giới.
Năm 2021, tổng sản lượng dầu của Nga đạt 10,5 triệu thùng/ngày, tương đương 14% nguồn cung toàn cầu. Nga đã xuất khẩu khoảng 4,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày vào năm ngoái, trong đó Trung Quốc là nhà nhập khẩu chính với khoảng 1,6 triệu thùng/ngày, trong khi nước này cung cấp 2,4 triệu thùng/ngày cho các nước châu Âu.
Ở châu Âu, Đức, Hungary và Bulgaria là một số quốc gia tiếp tục mua dầu và khí đốt của Nga, chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung năng lượng của những nước này. Một số công ty năng lượng quốc tế như Trafigura và Vitol cũng đã tuyên bố sẽ duy trì các hợp đồng dài hạn với Nga để tiếp tục mua dầu thô của nước này.
Nhưng hiện tại, không có quốc gia nào mua nhiều dầu của Nga hơn là Ấn Độ và Trung Quốc. Cả hai nước đang tiếp tục mua dầu giá rẻ của Nga khi nhiều nước phương Tây từ chối nhập khẩu, với lập trường chống lại cuộc xung đột. Quả thực, xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ đã tăng đáng kể kể từ cuộc xâm lược với giá thấp hơn khi nhu cầu quốc tế về nguồn năng lượng này suy yếu. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cũng sẽ sớm tăng cường nhập khẩu dầu thô của Nga.
Sự phụ thuộc đang diễn ra vào nguồn cung dầu của Nga chủ yếu là do giá dầu tăng cao trong những tháng gần đây, khiến các chính phủ phải tìm kiếm những lựa chọn rẻ nhất. Đối với Trung Quốc và Ấn Độ, việc duy trì an ninh năng lượng bằng cách tiếp cận các nguồn dầu giá rẻ là ưu tiên hàng đầu.
Nga đã và đang chào bán dầu thô Urals của mình với mức giá thấp hơn đáng kể nhằm khuyến khích các nước duy trì quan hệ đối tác với gã khổng lồ dầu này khi xung đột tiếp diễn. Do Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới từ chối mua dầu của Nga, nên nước này có thể bị dư thừa nguồn cung dầu vào cuối năm nếu không thể bán chúng cho những thị trường thay thế.
Đầu tháng này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, “Dầu thô Urals từ Nga đang được chào bán với mức giá thấp kỷ lục, nhưng việc tiêu thụ cho đến nay vẫn bị hạn chế, khi phần lớn các nhà nhập khẩu dầu châu Á gắn bó với các nhà cung cấp truyền thống ở Trung Đông, Mỹ Latinh, và Châu Phi. Và tính tới giữa tháng Ba, chúng tôi thấy khả năng 3 triệu thùng nguồn cung dầu mỗi ngày của Nga sẽ ngừng hoạt động bắt đầu từ tháng Tư, nhưng khối lượng đó có thể tăng lên nếu các hạn chế hoặc sự lên án của công chúng leo thang”, tổ chức này cho biết.
Không rõ liệu điều này có tiếp tục xảy ra hay không hay liệu sức cám dỗ từ dầu giá rẻ sẽ quá lớn đối với một số quốc gia. Tại Ấn Độ, chính phủ đã quyết định sẽ tăng nhập khẩu dầu của Nga. Trước đó Ấn Độ không nhập khẩu dầu thô thường xuyên vào năm 2021 và không có chuyến hàng nào được đăng ký sau tháng 12, nhưng kể từ đầu tháng Ba, 5 chuyến hàng dầu của Nga, tương đương khoảng 6 triệu thùng, đã được vận chuyển đến Ấn Độ. Người ta cho rằng Nga có thể giảm giá bán cho Ấn Độ khoảng 20% so với giá dầu Brent, khiến dầu của Nga trở nên rất hấp dẫn trong thời điểm giá cao kỷ lục và thiếu hụt năng lượng. Ấn Độ hiện nhập khẩu từ 80 đến 85% lượng dầu thô tiêu thụ trọng nước, có nghĩa đây là một quyết định mang tính kinh tế mạnh mẽ.
Còn tại Trung Quốc, cho đến nay, chính phủ đã từ chối tố cáo sự xâm lược của Nga đối với Ukraine. Đây có thể là một động thái chiến lược nhằm duy trì mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với Nga. Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, và vào năm 2021, Nga là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai cho Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc tiếp tục phụ thuộc nhiều vào Nga về an ninh năng lượng. Đã có bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục quan hệ đối tác với Nga khi nước này vẫn duy trì nhập khẩu dầu từ Iran và Venezuela bất chấp các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với hai quốc gia giàu dầu mỏ này.
Vì vậy, đây có thể là cơ hội cho các quốc gia sẵn sàng duy trì quan hệ với Nga để tiếp cận với năng lượng giá rẻ và củng cố liên kết thương mại của họ? Đối với một số người, đó có thể là một câu hỏi về kinh tế so với chính trị, vì an ninh năng lượng đơn giản là quá quan trọng để lên án hành động của Nga thông qua việc cắt giảm nhập khẩu dầu và khí đốt của họ từ nước này. EU có thể sẽ tuân theo các hành động của Mỹ và các chính phủ khác trong việc ngừng nhập khẩu dầu từ Nga, nhưng đối với Trung Quốc và Ấn Độ, viễn cảnh như vậy chắc chắn sẽ không xảy ra.
Nguồn tin: xangdau.net