Chuyên gia Tomomichi Akuta cho hay giá dầu tiếp tục chịu sức ép do những lo ngại về kinh tế toàn cầu sụt giảm và lãi suất tiếp tục tăng tại Mỹ và châu Âu.
Giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm trong phiên 5/7, xóa sạch đà tăng đạt được sau khi Saudi Arabia và Nga thông báo sẽ gia hạn và cắt giảm sản lượng hơn nữa trong tháng 8/2023, trong bối cảnh lo ngại về kinh tế toàn cầu sụt giảm gây sức ép lên tâm lý thị trường.
Dầu Brent giảm trong phiên 5/7 do quan ngại về kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa: TTXVN
Khoảng 14 giờ 04 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 46 xu Mỹ (0,6%) xuống 75,79 USD/thùng, sau khi tăng 1,6 USD/thùng trong phiên trước đó. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,07 USD/thùng (1,5%) lên 70,86 USD/thùng so với mức đóng phiên ngày 3/7.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Tomomichi Akuta tại công ty tư vấn và nghiên cứu Mitsubishi UFJ cho hay giá dầu tiếp tục chịu sức ép do những lo ngại về kinh tế toàn cầu sụt giảm và lãi suất tiếp tục tăng tại Mỹ và châu Âu. Thị trường có thể bấp bênh trong một khoảng thời gian, tập trung vào các chỉ dấu kinh tế tại Trung Quốc và chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Ông dự đoán giá dầu Brent có thể giao dịch ở mức 75 USD/thùng.
Một khảo sát lĩnh vực tư nhân ngày 5/7 cho thấy hoạt động dịch vụ tháng 6/2023 của Trung Quốc đã tăng với tốc độ chậm nhất trong 5 tháng, trong bối cảnh nhu cầu suy yếu gây sức ép lên đà phục hồi hậu đại dịch COVID-19.
Thị trường cũng đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách ngày 13-14/6 của Fed để tìm kiếm manh mối về triển vọng lãi suất của ngân hàng này.
Việc Saudi Arabia và Nga thông báo cắt giảm sản lượng hôm 3/7 đã hỗ trợ thị trường phần nào giữa lúc ngày càng nhiều lo ngại về nhu cầu suy yếu và lãi suất tiếp tục tăng, điều có thể gây ra suy thoái kinh tế và làm giảm nhu cầu năng lượng.
Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, ngày 3/7 cho biết sẽ gia hạn thời gian cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến tháng 8/2023. Còn Nga và Algeria tự nguyện giảm sản lượng và mức dầu xuất khẩu trong tháng 8/2023 lần lượt là 500.000 thùng/ngày và 20.000 thùng/ngày.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ đã cắt giảm sản lượng dầu kể từ tháng 11/2022 trong bối cảnh giá giảm. Tổ chức này cung cấp khoảng 40% lượng dầu thế giới.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn lo ngại về nhu cầu dầu, sau khi khảo sát doanh nghiệp cho thấy hoạt động chế tạo trên toàn cầu giảm sút do nhu cầu tại Trung Quốc và châu Âu chậm lại.
Nhà giao dịch sẽ tìm kiếm thêm manh mối về nhu cầu dầu, trong đó Viện Xăng dầu Mỹ sẽ công bố số liệu về dự trữ dầu và các chế phẩm từ dầu vào cuối ngày 5/7, và số liệu dầu chính thức của chính phủ vào ngày 6/7.
Khảo sát của Reuters ước tính dự trữ dầu thô của Mỹ sẽ giảm khoảng 1,8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/6, ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp.
Nguồn tin: Bnews