BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG ------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------- |
Số: 656/QĐ-TĐC | Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ CHỨNG NHẬN XĂNG VÀ NHIÊN LIỆU ĐIÊZEN ĐƯỢC SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN TRONG NƯỚC PHÙ HỢP QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA QCVN 1:2007/BKHCN
TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 06/4/2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;
Căn cứ Quyết định số 140/2004/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;
Căn cứ Quyết định số 16/2007/QĐ-BKHCN ngày 27 tháng 8 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng và nhiên liệu điêzen số QCVN 1:2007/BKHCN;
Theo đề nghị của Trưởng ban Ban Đánh giá sự phù hợp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn đánh giá chứng nhận xăng và nhiên liệu điêzen được sản xuất, chế biến trong nước phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2007/BKHCN”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Ban Đánh giá sự phù hợp, các tổ chức chứng nhận được chỉ định và các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Lưu VP, ĐGPH. | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG Trần Văn Vinh |
HƯỚNG DẪN
ĐÁNH GIÁ CHỨNG NHẬN XĂNG VÀ NHIÊN LIỆU ĐIÊZEN ĐƯỢC SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN TRONG NƯỚC PHÙ HỢP QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA QCVN 1:2007/BKHCN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 656/QĐ-TĐC ngày 14 tháng 5 năm 2009 của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng)
1. Mục đích và phạm vi áp dụng
1.1. Hướng dẫn này quy định đánh giá chứng nhận đối với xăng dùng làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong và nhiên liệu điêzen được sản xuất, chế biến trong nước (sau đây viết tắt là xăng dầu sản xuất trong nước) phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2007/BKHCN (sau đây viết tắt là đánh giá chứng nhận hợp quy).
1.2. Hướng dẫn này áp dụng đối với các tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện việc đánh giá, chứng nhận xăng dầu sản xuất trong nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2007/BKHCN (sau đây viết tắt là tổ chức chứng nhận).
2. Căn cứ thực hiện
2.1. Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 06/4/2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
2.2. Thông tư số 29/2007/TT-BKHCN ngày 25/12/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về việc bảo đảm chất lượng, bảo đảm đo lường đối với hoạt động kinh doanh xăng động cơ, dầu điêzen theo quy định tại Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 06/4/2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
2.3. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng và nhiên liệu điêzen (QCVN 1:2007/BKHCN).
2.4. Các văn bản, tài liệu khác:
a) Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6776: 2005 Xăng không chì – Yêu cầu kỹ thuật.
b) Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5689:2005 Nhiên liệu điêzen (DO) – Yêu cầu kỹ thuật.
c) Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6702:2007 (ASTM D 3244-04) – Xử lý kết quả thử nghiệm để xác định sự phù hợp với yêu cầu kỹ thuật.
d) Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 hoặc ISO 9001:2008 Hệ thống quản lý chất lượng – Các yêu cầu.
đ) Tiêu chuẩn quốc tế ISO/TS 29001:2005 – Công nghiệp dầu mỏ, hóa dầu và khí thiên nhiên – Hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành – Các yêu cầu đối với tổ chức cung cấp sản phẩm và dịch vụ.
e) Công văn số 348/CP-KG ngày 27/4/2001 của Chính phủ về sản xuất xăng không chì RON 83.
g) Công văn số 3341/BKHCN-TĐC ngày 11/12/2006 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về chất lượng xăng không chì RON 83.
h) Quyết định số 1518/QĐ-TĐC ngày 17/10/2007 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về việc hướng dẫn phương pháp lấy mẫu xăng dầu và Quyết định số 904/QĐ-TĐC ngày 22/7/2008 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung hướng dẫn phương pháp lấy mẫu xăng dầu ban hành kèm theo Quyết định số 1518/QĐ-TĐC ngày 17/10/2007.
Trong trường hợp các tiêu chuẩn quy định tại mục này có sự sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo văn bản đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.
3. Thuật ngữ và định nghĩa
3.1. Lô sản phẩm là lượng xăng, nhiên liệu điêzen cùng tên gọi, cùng mức chất lượng, được sản xuất, chế biến trong cùng một điều kiện (công nghệ, công thức sản phẩm, hệ thống thiết bị, nguồn nguyên liệu) và được chứa trong một hoặc nhiều phương tiện lưu trữ (hầm, bồn, bể …) tại cùng một địa điểm.
3.2. Mẫu đại diện là lượng xăng dầu được lấy theo cách thức phù hợp sao cho đảm bảo thể hiện được mức đặc trưng chung nhất về chất lượng đối với toàn bộ thể tích xăng dầu thuộc lô sản phẩm được sản xuất, chế biến.
Mẫu điển hình quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2007/BKHCN là mẫu đại diện của loại xăng dầu.
4. Nguyên tắc chung
4.1. Việc đánh giá chứng nhận xăng dầu sản xuất trong nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2007/BKHCN bao gồm thử nghiệm mẫu đại diện và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.
4.2. Việc xác định lô sản phẩm để lấy mẫu đại diện do tổ chức chứng nhận phối hợp với doanh nghiệp xác định.
4.3. Hồ sơ đăng ký chứng nhận hợp quy do doanh nghiệp lập theo hướng dẫn của tổ chức chứng nhận.
4.4. Trường hợp doanh nghiệp mới đi vào sản xuất, chế biến xăng dầu, việc chứng nhận hợp quy được thực hiện trên cơ sở thử nghiệm mẫu đại diện của lô sản phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Tổ chức chứng nhận cấp Giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 Hướng dẫn này. Sau 6 tháng kể từ ngày đi vào sản xuất, chế biến, doanh nghiệp phải thực hiện chứng nhận hợp quy theo quy định tại Mục 5 Hướng dẫn này.
5. Đánh giá chứng nhận hợp quy
5.1. Đánh giá quá trình sản xuất
Doanh nghiệp sản xuất, chế biến xăng dầu trong nước phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Mục 2 của Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 06/4/2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các yêu cầu về điều kiện và trách nhiệm bảo đảm chất lượng, bảo đảm đo lường đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến xăng dầu quy định tại Mục III của Thông tư số 29/2007/TT-BKHCN ngày 25/12/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
5.1.1. Việc đánh giá quá trình sản xuất, chế biến xăng dầu lần đầu bao gồm việc xem xét các nội dung chính như sau:
a) Tư cách pháp nhân (Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có đăng ký sản xuất, chế biến xăng dầu);
b) Được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ xăng dầu;
c) Được Bộ Khoa học và Công nghệ chấp thuận đăng ký sử dụng phụ gia không thông dụng trong sản xuất, chế biến xăng dầu (nếu có);
d) Năng lực thử nghiệm;
đ) Thiết bị thử nghiệm, đo lường;
e) Tài liệu kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra, quy trình thử nghiệm;
g) Trình độ của cán bộ kỹ thuật, nhân viên vận hành quy trình sản xuất;
h) Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 hoặc Tiêu chuẩn quốc tế ISO/TS 29001:2005.
Trường hợp, doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2000 hoặc Tiêu chuẩn quốc tế ISO/TS 29001:2003 còn thời hạn hiệu lực bởi tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoạt động tại Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định tại Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28/9/2007 thì tổ chức chứng nhận không cần phải đánh giá hệ thống quản lý chất lượng.
i) Bản công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với xăng dầu thành phẩm;
k) Kế hoạch tự kiểm tra, thử nghiệm chất lượng cho từng lô sản phẩm của doanh nghiệp theo tiêu chuẩn công bố áp dụng và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2007/BKHCN.
5.1.2. Việc đánh giá giám sát quá trình sản xuất được tổ chức chứng nhận thực hiện như sau:
a) Định kỳ 6 tháng/lần theo nội dung kết luận khi tiến hành đánh giá lần đầu trên cơ sở các điều kiện sản xuất, chế biến và bảo đảm chất lượng, năng lực thực tế, khả năng duy trì và lịch sử chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp;
b) Đột xuất khi có thay đổi về công nghệ hay nguồn nguyên liệu để sản xuất, chế biến.
5.2. Thử nghiệm mẫu đại diện
5.2.1. Lấy mẫu
Mẫu đại diện được lấy phải đảm bảo đại diện cho lô sản phẩm. Phương pháp lấy mẫu được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1518/QĐ-TĐC ngày 17/10/2007 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Khi lấy mẫu, tổ chức chứng nhận phải lập biên bản lấy mẫu theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Hướng dẫn này.
5.2.2. Thử nghiệm mẫu
Mẫu đại diện phải được thử nghiệm tại phòng thử nghiệm xăng dầu do tổ chức chứng nhận lựa chọn. Ưu tiên sử dụng đối với phòng thử nghiệm đã được công nhận phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025:2007 (hoặc Tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005) có năng lực thử nghiệm tất cả các chỉ tiêu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2007/BKHCN.
Từ ngày 01/01/2010, mẫu đại diện phải được thử nghiệm tại phòng thử nghiệm xăng dầu do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định.
5.2.3. Đánh giá sự phù hợp của mẫu đại diện với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2007/BKHCN
Việc xử lý kết quả thử nghiệm của mẫu đại diện được thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6702:2007 (ASTM D 3244-04):
a) Mẫu đại diện của lô sản phẩm có tất cả các chỉ tiêu thử nghiệm phù hợp theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2007/BKHCN thì kết luận lô sản phẩm đó phù hợp quy định.
b) Mẫu đại diện của lô sản phẩm có từ một chỉ tiêu trở lên thử nghiệm không đạt theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2007/BKHCN thì kết luận lô sản phẩm đó không phù hợp quy định.
Tổ chức chứng nhận gửi thông báo lô sản phẩm có chất lượng không phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2007/BKHCN để doanh nghiệp có các biện pháp khắc phục, tái chế trong thời hạn quy định. Sau khi hoàn thành việc khắc phục, doanh nghiệp cần thông báo bằng văn bản để tổ chức chứng nhận tiến hành lấy mẫu kiểm tra và đánh giá lại.
5.3. Cấp Giấy chứng nhận
5.3.1. Xăng dầu thành phẩm được xem là phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2007/BKHCN và được cấp Giấy chứng nhận khi đảm bảo cả 2 điều kiện sau:
a) Tất cả các chỉ tiêu thử nghiệm trên mẫu đại diện được lấy từ lô sản phẩm phù hợp quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2007/BKHCN.
b) Kết quả đánh giá quá trình sản xuất phù hợp với yêu cầu nêu tại khoản 5.1.1 Mục 5 Hướng dẫn này.
Giấy chứng nhận có hiệu lực 3 năm kể từ ngày ký. Mẫu Giấy chứng nhận được quy định tại Phụ lục 3 của Hướng dẫn này.
5.3.2. Trong thời gian hiệu lực của Giấy chứng nhận
a) Khi có sự thay đổi về nguồn nguyên liệu để sản xuất, chế biến, doanh nghiệp thông báo để tổ chức chứng nhận thực hiện việc thử nghiệm mẫu đại diện của lô sản phẩm, nếu phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2007/BKHCN, tổ chức chứng nhận cấp thông báo xác nhận duy trì Giấy chứng nhận cho doanh nghiệp.
b) Khi có sự thay đổi về công nghệ, doanh nghiệp thông báo để tổ chức chứng nhận thực hiện việc đánh giá lại theo quy định tại Mục 5.1 và Mục 5.2 Hướng dẫn này và cấp lại Giấy chứng nhận cho doanh nghiệp.
c) Kết quả đánh giá giám sát theo quy định tại điểm a khoản 5.1.2 Mục 5 Hướng dẫn này là căn cứ để tổ chức chứng nhận duy trì hoặc hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận đã cấp cho doanh nghiệp.
5.3.3. Ba tháng trước khi hết hạn hiệu lực, tổ chức chứng nhận thông báo để doanh nghiệp biết và làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận.
6. Lưu trữ hồ sơ
6.1. Hồ sơ lưu trữ gồm có:
a) Hồ sơ đăng ký đánh giá chứng nhận hợp quy và các nội dung, thông tin kèm theo;
b) Báo cáo đánh giá quá trình sản xuất (đối với lần đánh giá đầu tiên và đánh giá giám sát 6 tháng/lần hoặc đột xuất);
c) Biên bản lấy mẫu;
d) Phiếu yêu cầu thử nghiệm;
đ) Kết quả thử nghiệm;
e) Báo cáo tiến trình đánh giá chứng nhận, xử lý kết quả thử nghiệm và thông tin liên quan (nếu có);
g) Giấy chứng nhận phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2007/BKHCN (01 bản gốc).
h) Các văn bản khác có liên quan đến lô sản phẩm trong trường hợp lô sản phẩm không phù hợp quy định.
6.2. Hồ sơ phải được tổ chức chứng nhận lưu giữ và bảo quản ít nhất 3 năm theo quy định.
7. Chế độ báo cáo
Tổ chức chứng nhận báo cáo về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:
a) Kết quả chứng nhận hợp quy lần đầu đối với từng doanh nghiệp sản xuất, chế biến xăng dầu trong nước ngay sau khi hoàn thành việc chứng nhận hợp quy và định kỳ 6 tháng, báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động chứng nhận hợp quy.
b) Kết quả chứng nhận hợp quy cho từng lô sản phẩm trong 6 tháng đầu đối với doanh nghiệp mới đi vào sản xuất, chế biến.
8. Các biểu mẫu sử dụng
- Phụ lục 1: Mẫu Giấy chứng nhận (đối với doanh nghiệp mới đi vào sản xuất, chế biến xăng dầu).
- Phụ lục 2: Mẫu Biên bản lấy mẫu
- Phụ lục 3: Mẫu Giấy chứng nhận (đối với doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, chế biến xăng dầu ổn định).
PHỤ LỤC 1
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN
(đối với doanh nghiệp mới đi vào sản xuất, chế biến xăng dầu)
Tên Tổ chức Chứng nhận (logo nếu có) GIẤY CHỨNG NHẬN No.: ………………… Chứng nhận sản phẩm: - …….. (Tên, chủng loại xăng/nhiên liệu điêzen) …………………………………………………. - Thời gian sản xuất: …………………………………………………………………………………. - Số lượng: …………………………………………………………………………………………….. - Ký hiệu lô (nếu có): …………………………………………………………………………………. được sản xuất tại: Công ty XYZ địa chỉ: ……………………………………………. phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: QCVN 1: 2007/BKHCN Ngày cấp Giấy chứng nhận: ................................................................ Đại diện có thẩm quyền của Tổ chức Chứng nhận (Ký tên, đóng dấu) |
PHỤ LỤC 2
MẪU BIÊN BẢN LẤY MẪU
(Tên tổ chức chứng nhận)
Số: ……………. (Số hồ sơ đăng ký chứng nhận) Ngày … tháng … năm ……….
BIÊN BẢN LẤY MẪU
ĐÁNH GIÁ CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG XĂNG DẦU
SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN
1. Tên hàng hóa : o Xăng không chì có trị số octan ……RON
o Nhiên liệu Điezen DO ……S
2. Doanh nghiệp sản xuất, chế biến:
3. Số lượng khai báo:
4. Nguyên liệu dùng trong sản xuất, chế biến:
- Nguyên liệu 1:
- Nguyên liệu 2:
- ……
- Phụ gia:
5. Địa điểm lấy mẫu:
6. Phương tiện lưu trữ lô hàng:
Số bồn/bể/hầm chứa hàng hóa: ……………. Ký hiệu bồn/bể/hầm chứa: ……………………….
7. Phương pháp lấy mẫu: o lấy mẫu di động/mẫu hỗn hợp o mẫu tại vị trí cấp phát
8. Chi tiết về lấy mẫu:
• Số hiệu các bồn/bể/hầm chứa/cần cấp phát được lấy mẫu:
• Lượng mẫu đại diện đã lấy được chia đều vào … bình đựng mẫu mang số hiệu … và được niêm phong như sau:
Ký hiệu mẫu | Số niêm phong | Ký hiệu mẫu | Số niêm phong |
| | | |
| | | |
• … (tổ chức chứng nhận) … gửi thử nghiệm và lưu các mẫu mang số: …………………
• Chủ hàng lưu và bảo quản mẫu mang số ………………..
• Thời gian lưu mẫu là 15 ngày. Trong thời gian lưu mẫu, chỉ có …. (tổ chức chứng nhận) …… mới có quyền mở niêm phong.
Các thông tin khác (nếu có): ..................................................................................................
............................................................................................................................................
Biên bản này được lập thành 2 bản và có giá trị ngang nhau …. (tổ chức chứng nhận) ………… lưu 01 bản, doanh nghiệp lưu 01 bản.
Biên bản lấy mẫu và mẫu lưu được giao cho đại diện của doanh nghiệp lúc … giờ …….. phút ngày …./…./200 …
Đại diện doanh nghiệp (Ký tên, đóng dấu) | Người lấy mẫu (Ký, ghi rõ họ tên) |
PHỤ LỤC 3
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN
(đối với doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, chế biến xăng dầu ổn định)
Tên Tổ chức Chứng nhận (logo nếu có) GIẤY CHỨNG NHẬN No. ………………… Chứng nhận sản phẩm: …….. (Tên, chủng loại xăng/nhiên liệu điêzen) ………………………………. được sản xuất tại: Công ty XYZ địa chỉ: ……………………………………………. phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia: QCVN 1: 2007/BKHCN Giấy chứng nhận có giá trị từ: …………………….đến: ………………………. Đại diện có thẩm quyền của Tổ chức Chứng nhận (Ký tên, đóng dấu) |