Nguồn cung tăng kịch trần, nhu cầu giảm tận đáy, cùng với hậu quả xấu của đại dịch COVID-19, đã khiến giá dầu lao dốc kỷ lục.
Phải chăng đã đến lúc các ông lớn phải ngồi lại với nhau để bình ổn giá dầu, giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế mỗi nước và cả thế giới?
Hồi đầu tháng 3, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đứng đầu là Saudi Arabia và các đối tác bên ngoài (OPEC+) do Nga lãnh đạo, đã không thể đạt được sự đồng thuận về hạn ngạch khai thác.
Việc các nước không còn chịu bất cứ chế định nào đã dẫn đến tình trạng dư cung quá lớn, trong khi cầu giảm quá mạnh, khiến giá dầu lao dốc, có lúc đã xuống đến 20 USD/thùng. Cùng với tác động của đại dịch coronavirus, giá dầu chạm đáy đã khiến kinh tế thế giới lâm vào cơn khủng hoảng mới.
Giá dầu đã ở ngưỡng thấp kỉ lục khiến các cường quốc buộc phải tính phương án xuống thang, thoả thuận với nhau
Saudi Arabia lo ngại thâm hụt ngân sách
Trong bối cảnh đó, cả Nga, Mỹ và Saudi Arabia đều bày tỏ ý định kết thúc “cuộc chiến dầu mỏ”, giảm sản lượng khai thác để cứu giá dầu.
Mặc dù trong cuộc họp gần đây nhất vào ngày 6/4, OPEC+ đã không đạt được sự đồng thuận về hạn ngạch, nhưng giới lãnh đạo “Vương quốc dầu mỏ” cho rằng, hy vọng cắt giảm sản lượng vẫn chưa tắt hẳn.
Theo giới chuyên gia, Saudi Arabia đang đứng trước thử thách tài chính nghiêm trọng nhất kể từ năm 1988 đến nay.
Sau một tháng “làm mình làm mẩy” khi thách thức Moscow cùng tăng sản lượng dầu mỏ, Riyadh cũng đã bắt đầu gánh chịu hậu quả thê thảm, khi lần đầu tiên thâm hụt ngân sách của họ tính bằng USD đã lên đến con số trăm tỷ USD vào đầu năm 2020.
Trong tình hình dịch COVID-19 kéo dài, nhu cầu dầu mỏ suy giảm mạnh thì càng tăng sản lượng, càng bán nhiều dầu càng lỗ.
Theo tính toán của giới chuyên gia, với mức giá dưới 30 USD/thùng, thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia sẽ vượt quá con số 170 tỷ USD, trong khi thực tế những ngày qua giá dầu thường xuyên dưới mức 30 USD, thậm chí có nhiều ngày ở mức xấp xỉ 20 USD.
Điều này khiến Saudi Arabia đang đứng trước nguy cơ thâm hụt ngân sách quốc gia cực lớn, bởi 80% nguồn thu của nước này trông vào dầu mỏ.
Ngược lại, sau khi ngấm đòn trừng phạt từ Mỹ và châu Âu sau khủng hoảng chính trị Ukraine năm 2014, Nga đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng. Hiện nay ngân sách quốc gia Nga chỉ có khoảng 13% dựa vào tiền bán dầu mỏ, trong khi nguồn thu từ xuất khẩu khí đốt lại chiếm tới 25%.
Bất kể giá dầu sụt giảm như thế nào thì trong 5 năm qua, giá khí đốt rất ít biến đổi và nếu có, cũng giảm rất ít. Hơn nữa, Nga có thị phần khí đốt rất ổn định và có nhiều hợp đồng dài hạn (hàng chục năm) với mức giá ổn định. Đây là lợi thế chiến lược của Nga mà Mỹ và Saudi không có được.
Theo một số chuyên gia Nga, nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức giảm sâu như những ngày qua, Moscow có thể vẫn gắng chịu được, trong khi Washington sẽ ngồi nhìn hàng loạt công ty dầu đá phiến phá sản, còn Riyadh có nguy cơ vỡ hoạch định chiến lược quốc gia và thiếu tiền chi cho các lĩnh vực công.
Do đó, khi đã giáng đòn và phải chịu những phản đòn nặng hơn, chính quyền Riyadh buộc phải đàm phán để cắt giảm sản lượng, nâng giá dầu.
Sức ép dầu đá phiến đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump
Về phía Mỹ, mặc dù mới bước chân vào thị trường xuất khẩu dầu mỏ thế giới nhưng ngành khai thác dầu nước này có quy mô rất lớn, với sản lượng khoảng trên dưới 12 triệu thùng/ngày. Điểm nhấn lớn nhất của công nghiệp năng lượng Mỹ chính là ngành sản xuất đầu đá phiến.
Giá dầu cao giúp ngành công nghiệp khai thác này phát triển mạnh, đưa Mỹ trở thành nước xuất khẩu dầu lần đầu tiên trong lịch sử; nhưng giá dầu thấp đã biến dầu đá phiến trở thành “gót chân Achilles” của Mỹ.
Các nhà phân tích cho biết, với giá thành khai thác gần 40 USD/thùng (so với Nga và Saudi Arabia trên dưới 10 USD), giá dầu thô phải đạt trung bình khoảng 58 USD/thùng thì mới chạm ngưỡng có lãi, nếu giá dầu chỉ nhỉnh hơn 60 USD cũng không thúc đẩy được sản xuất, vì mức lợi nhuận thấp.
Nếu cứ bán dưới giá 58 USD/thùng trong vòng 12 tháng, các công ty dầu đá phiến Mỹ sẽ phá sản; vậy mà giá dầu hiện nay thường xuyên duy trì ở mức 30 USD, thậm chí nhiều ngày rớt xuống ngưỡng 20 USD/thùng.
Giá dầu lao dốc đã khiến không chỉ các nhà tài phiệt dầu mỏ, mà cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như ngồi trên đống lửa.
Bất chấp Nhà Trắng đã trích ra vài trăm tỷ USD trong gói cứu trợ thiệt hại của đại dịch COVID-19 để mua thêm dầu đá phiến cho dự trữ quốc gia, nhưng gói cứu trợ này chỉ như muối bỏ biển. Đã có những công ty dầu đá phiến đầu tiên xin phá sản, tiêu biểu như Whiting Petrolium.
Vào ngày 3/4 vừa qua, ông Trump đã gặp lãnh đạo của các tập đoàn năng lượng lớn nhất nước Mỹ, đặc biệt là CEO của các công ty dầu đá phiến - những người đã ủng hộ ông Trump hết mình trong cuộc bầu cử năm 2016, những người mà ông chủ Nhà Trắng đang có “món nợ ân tình” phải trả, nếu không muốn mất phiếu trong cuộc bầu cử cuối năm nay.
Tình hình đối với Hoa Kỳ càng trở nên khó khăn trong thời gian tới, khi dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành ở châu Âu và Coronavirus biến Mỹ thành ổ dịch lớn nhất thế giới, nhu cầu dầu dự kiến sẽ tiếp tục giảm kỷ lục.
Theo tính toán của giới chuyên gia, vào cuối tháng 4 nhu cầu dầu dự kiến giảm khoảng 20 triệu thùng mỗi ngày so với tháng 2, tương đương khoảng 20% lượng tiêu thụ toàn cầu trước khi xảy ra đại dịch Coronavirus.
Đây là một con số khổng lồ, kỷ lục thế giới mới về giảm cầu dầu mỏ và nếu nguồn cung không được cắt giảm, giá dầu sẽ tiếp tục chạm đáy lâu dài.
Vì vậy, việc cả Mỹ và Saudi đều nóng lòng muốn đàm phán với Nga để giảm sản lượng dầu là điều dễ hiểu, cũng như vậy, Moscow chẳng vui sướng gì khi giá dầu thấp kéo dài.
Nga tính toán gì khi thản nhiên nhìn giá dầu rớt thảm
Trong thời gian qua, có nhiều ý kiến nhận định rằng, Nga đang cố tình không cắt giảm sản lượng, để giá dầu tiếp tục giảm sâu nhằm đánh gục Mỹ và Saudi.
Quan điểm này cho rằng, Điện Kremlin đã có nhiều hợp đồng ký từ trước với giá dầu cao nên không sợ thiệt, hơn nữa Moscow có đủ dự trữ quốc gia để sống khỏe trong tình trạng giá dầu thấp trong 1 năm, đến khi các đối thủ gục ngã. Tuy nhiên, ý kiến này không thuyết phục.
Thứ nhất, giá dầu thấp cũng khiến Moscow chẳng được lợi lộc gì, mà chỉ làm teo tóp ngân sách quốc gia vốn đã không lấy gì làm dư dả.
Mặc dù xuất khẩu dầu khí chỉ chiếm 13% nguồn thu ngân sách quốc gia, đã mang lại cho Nga chút ưu thế so với Mỹ và Saudi, nhưng con số 33,6 tỷ USD không phải là nhỏ đối với nguồn thu ngân sách quốc gia Nga (ước tính năm 2020 là khoảng gần 20.000 tỷ ruble, tương đương 260 tỷ USD) và Nga cũng không muốn bị mất đi một xu nào trong số đó.
Hai là, Mỹ hay Saudi Arabia cũng là những nước có tiềm lực rất lớn. Có thể một vài công ty nhỏ bị phá sản nhưng Nhà Trắng không bao giờ để ngành khai thác đầu đá phiến sụp đổ, còn nền kinh tế Saudi cũng không dễ lâm vào khủng hoảng vì thâm hụt ngân sách quốc gia.
Hơn nữa, Washington và Riyadh có nhiều con bài về chính trị để thu về những hợp đồng kinh tế lớn, đây là công cụ mà Moscow không thể có được.
Ngoài ra, Nga cũng không thể đi một mình một đường với OPEC+, không có một quốc gia nào có thể tồn tại và phát triển bên ngoài những định chế quốc tế.
Do đó, theo các chuyên gia, Nga thừa hiểu rằng, việc cố tình tăng sản lượng khai thác để giảm giá dầu nhằm đánh gục các đối thủ của mình chỉ là mơ ước hão huyền.
Vậy Nga còn chờ đợi gì mà chưa ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ và Saudi để giảm sản lượng khai thác, cứu giá dầu?
Theo giới phân tích, việc Điện Kremlin cố tình câu kéo thời gian là “một mũi tên trúng hai đích”, một mặt gom đủ sản lượng dầu cho các hợp đồng đã ký, mặt khác Moscow còn lấy đó làm con bài để mặc cả buộc Washington và đồng minh phải dỡ bỏ các lệnh cấm vận vô lý chống Nga.
Tóm lại, cuối cùng thì ba cường quốc dầu mỏ lớn nhất thế giới cũng sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán để cắt giảm sản lượng và hy vọng điều này sẽ đến sớm trong phiên họp ngày 9/4.
Nguồn tin: baodatviet.vn