Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải được sử dụng đúng mục đích để bình ổn giá xăng dầu trong nước, góp phần bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, PGS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải được sử dụng đúng mục đích là bình ổn giá xăng dầu trong nước, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
"Không thể một đồng mua mắm, một đồng mua tương được, không thể dùng Quỹ bình ổn giá để hỗ trợ vấn đề xuất nhập khẩu của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Việc xuất nhập khẩu xăng dầu thuộc về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Cường nói.
S.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Theo ông Cường, bản chất kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu là ký các hợp đồng mua trước, bán trước. Những công ty kinh doanh xăng dầu có năng lực đánh giá, dự báo tốt thì giá xăng dầu thế giới tăng cũng không ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của họ.
Tuy nhiên, phương thức kinh doanh này cũng có rủi ro nhất định, khi doanh nghiệp mua phải giá cao, nhưng trong kỳ giá xăng dầu lại giảm khiến doanh nghiệp thua lỗ.
“Đây là vấn đề thuộc nghiệp vụ, khả năng dự báo và trách nhiệm của doanh nghiệp. Nếu tính toán tốt, dự báo tốt thì kinh doanh có lãi, nếu không tính toán tốt thì kinh doanh thua lỗ. Đây cũng là vấn đề bình thường trong kinh doanh nói chung, kinh doanh xăng dầu nói riêng. Tuy nhiên, muốn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, các cơ quan Nhà nước cần có những giải pháp khác, phải dành nguồn lực để giữ giá xăng dầu ổn định chứ không thể sử dụng tiền của dân để bù đắp chi phí cho doanh nghiệp”, ông Cường nêu quan điểm.
Tương tự, Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu không thể sử dụng bất hợp lý được, mà phải cân đối hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
“Hiện nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến rất phức tạp, không ai dự đoán được giá xăng dầu biến động thế nào, cho nên rất cân nhắc khi sử dụng Quỹ bình ổn bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước”, ông Khải cho biết.
ĐBQH Trần Văn Khải, đoàn Hà Nam
Ông Khải cho biết thêm, việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu, ổn định cho thị trường trong nước.
“Nếu có thể dùng Quỹ bình ổn để bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu thì phải làm rõ đối tượng sử dụng như thế nào, dùng bao nhiêu. Đồng thời vẫn phải còn nguồn lực để điều hành giá trong thời gian tới khi thị trường tiềm ẩn nhiều bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Vấn đề này, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính không quyết được mà phải báo cáo Chính phủ để có những giải pháp hợp lý", ông Khải nói.
Trong khi đó, trả lời VTC News, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đồng tình với quan điểm không thể lấy quỹ bình ổn giá xăng dầu để bù đắp chi phí cho doanh nghiệp mà cần có những giải pháp căn cơ từ cơ quan quản lý Nhà nước điều hành trong vấn đề xăng dầu. Theo ông Hòa, chúng ta không thể đoán định được thị trường xăng dầu trong nước và trên thế giới còn tiềm ẩn những bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường như thế nào. Do vậy, đề xuất của Hiệp hội xăng dầu là "Lấy Quỹ bình ổn bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước" là không hợp lý.
“Tôi cho rằng không chỉ riêng tôi, mà các chuyên gia và đại biểu quốc hội cũng như Bộ Tài chính không đồng tình và không thể để xảy ra chuyện lấy tiền của nhân dân để bù đắp cho doanh nghiệp. Bởi khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhập khẩu hoặc bán lẻ xăng dầu phải vượt qua những điều kiện và có những quy định rất chặt chẽ của pháp luật. Đồng thời, khi bước vào kinh doanh, họ phải chấp nhận theo quy luật và xu hướng thị trường, nghĩa là lời ăn, lỗ chịu", ông Hoà trả lời VTC News.
Đại biểu Hòa cho biết thêm, thời gian trước đây, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lãi rất khủng khiếp nhưng không thấy họ có ý kiến, còn một vài tháng trở lại đây, giá xăng dầu trên thế giới có nhiều biến động, tăng giảm thất thường thì lại lên tiếng về việc kinh doanh thua lỗ để xin hỗ trợ, nhất là bù giá, trợ giá hay bù chênh lệch.
“Việc điều hành giá xăng dầu cũng cần hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp với nhân dân và theo quy luật thị trường chứ không phải lấy doanh nghiệp làm trọng tâm để ưu tiên, Do vậy, dù bất cứ lý do gì cũng không thể sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu”, ông Hoà nhấn mạnh.
Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ Công Thương để gỡ khó cho thị trường xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu cho biết, hiện nay chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh nhưng vẫn không sát thực tế nên các doanh nghiệp lỗ hơn 2.000 tỉ đồng trong quý III tại khâu tạo nguồn.
Đây là lý do các doanh nghiệp ngần ngại nhập hàng vì lỗ rất lớn. Trong quý III, chi phí tạo nguồn ở nước ngoài về, doanh nghiệp đã chịu lỗ tới 650 đồng/lít xăng.
Để các doanh nghiệp đảm bảo khả năng nhập đúng tiến độ, số lượng xăng dầu do Bộ đề xuất, ông Bảo cho rằng, phải triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước theo cách thức: "Lấy Quỹ bình ổn bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước".
Đề xuất lấy Quỹ bình ổn xăng dầu bù trực tiếp vào chênh lệch chi phí ngay lập tức vấp phải những ý kiến trái chiều của dư luận. Đại biểu quốc hội, chuyên gia kinh tế cho rằng, không thể lấy tiền của dân để bù đắp chi phí cho doanh nghiệp, mà cần có những giải pháp căn cơ từ cơ quan quản lý Nhà nước trong điều hành giá xăng dầu.
Nguồn tin: VTCNews