Phiên 7/4, giá dầu tăng khi triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện, nhưng đà tăng bị giới hạn bởi sự gia tăng trong lượng xăng dự trữ và những lo ngại về các đợt bùng phát dịch COVID-19 mới.
Đà tăng của giá dầu gặp nhiều lực cản trong phiên 7/4. Ảnh: TTXVN
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 42 xu Mỹ, hay 0,7%, lên 63,16 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 44 xu Mỹ, hay 0,7% và đóng phiên ở mức 59,77 USD/thùng.
Giá dầu được hỗ trợ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng trước, trong đó củng cố lập trường của Fed rằng ngân hàng này sẽ không nâng lãi suất sớm, qua đó hỗ trợ triển vọng nhu cầu nhiên liệu.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết mức chi tiêu công cao chưa từng thấy nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 sẽ đẩu tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức 6% trong năm nay, mức cao nhất kể từ những năm 1970. Dự báo này cũng có tác động tích cực đối với triển vọng nhu cầu năng lượng và hỗ trợ giá dầu.
Tuy nhiên, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dù lượng dầu thô của Mỹ giảm 3,5 triệu thùng trong tuần trước, nhưng lượng xăng dự trữ lại tăng 4 triệu thùng, trái ngược với dự đoán giảm 221.000 thùng được đưa ra trong cuộc khảo sát của hàng tin Reuters.
Bên cạnh đó, số ca mắc COVID-19 gia tăng ở châu Mỹ, khu vực chiếm hơn một nửa số ca tử vong liên quan đến COVID-19 trong tuần trước, cũng đã hạn chế đà tăng của giá dầu.
Ngoài ra, nguồn cung dầu toàn cầu có thể tăng lên khi Iran và các cường quốc trên thế giới tiến gần đến việc nối lại thỏa thuận đóng băng hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.
Các bên đã nhất trí thành lập các nhóm công tác để thảo luận khả năng nối lại thỏa thuận năm 2015 nói trên, điều có thể dẫn đến việc Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Iran./.
Nguồn tin: Bnews