Mặc dù giao dịch trên mốc 74 đô la, giá dầu Brent đã giảm sau những bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed làm tăng giá đồng đô la Mỹ.
Cục Dự trữ Liên bang dường như đã nhận ra rằng mức lạm phát có thể sẽ tăng cao hơn so với dự đoán trước đây, được thể hiện qua mức thấp lịch sử của lợi suất trái phiếu, đồng đô la Mỹ suy yếu và thị trường chứng khoán tăng đáng kể. Những bình luận được đưa ra vào tuần trước, do ông Jerome Powell đưa ra cho rằng lạm phát có thể không phải là 'nhất thời' và Fed, vốn vẫn lo ngại về dữ liệu việc làm, có thể quyết định tăng lãi suất hai lần trong năm 2023.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã giữ lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên cuộc họp của họ vào tuần trước được coi là một bất ngờ về chính sách thắt chặt tiền tệ. Lạm phát của Mỹ hiện đang ở mức 5% và có nguy cơ rằng nó có thể không chỉ là tạm thời như dự kiến của Fed. Nhiều nhà kinh tế nổi tiếng trong đó có Mohamed El-Erian cảnh báo rằng Fed đang tiếp tục tụt lại phía sau đường cong, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt điểm hòa vốn. Phản ứng với cuộc họp của Fed, chỉ số đô la Mỹ đóng cửa ở mức 92,21 điểm, vào thứ Sáu tuần trước, tăng 1,8% so với tuần trước đó.
Tuy nhiên, vẫn có sự lạc quan trong số nhiều nhà phân tích do nhu cầu phục hồi và kỳ vọng lạm phát gia tăng ở Hoa Kỳ. Thứ Sáu tuần trước, giá dầu Brent đóng cửa ở 73,51 USD, tăng 1,12% so với tuần trước đó, trong khi WTI đóng cửa ở 71,64 USD, tăng 1,02% so với tuần trước đó. Nhiều yếu tố đã góp phần vào đà tăng giá tiếp tục bao gồm việc nới lỏng các hạn chế cấm vận ở châu Âu, sự gia tăng hoạt động hàng không quốc tế, sự sụt giảm liên tục trong tồn kho và sản lượng dầu thô của Mỹ. Tổng sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục nằm trong phạm vi 10,9-11,2 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm nay, đây là lý do chính khiến giá dầu Brent giao dịch trên 70 USD. Các nhà giao dịch tiếp tục tin tưởng vào sự phục hồi nhu cầu 5 triệu thùng/ngày vào nửa cuối năm 2021, chủ yếu là do nhu cầu nhiên liệu máy bay phục hồi, trong khi nhiều hãng thương mại bao gồm Trafigura và Vitol hiện đang dự đoán giá dầu 100 USD vào năm 2022.
COVID-19 và sự trở lại của dầu thô Iran tiếp tục gây sức ép lên thị trường
Bất chấp tâm lý lạc quan, đà tăng giá dầu thô có thể bị giới hạn bởi lo ngại về một chủng COVID-19 mới và sự trở lại thị trường của 3-4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày đến từ Iran, cả hai đều có thể làm cho giá dầu không bứt phá trong nửa cuối năm 2021. Mặc dù đã nới lỏng các hạn chế ở nhiều quốc gia trên thế giới, COVID-19 vẫn tiếp tục gây sức ép về phía nhu cầu với biến thể Delta dự kiến sẽ phổ biến trên thế giới vào mùa hè này, theo Đại học John Hopkins. Hơn nữa, do nhiều quốc gia đang phát triển tiếp tục bị hạn chế hoặc không có khả năng tiếp cận vắc xin, nên nguy cơ biến thể COVID-19 mới sẽ lây lan sang các quốc gia khác, đặc biệt nếu hoạt động hàng không quốc tế phục hồi. Sự trì hoãn trong việc mở cửa nền kinh tế ở Anh là một ví dụ cho thấy mối quan ngại đeo đẳng của COVID-19. Thêm vào sự không chắc chắn về phía nguồn cung, đó là chiến thắng bầu cử của tân tổng thống Iran, Ebrahim Raisi, người đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ, có thể làm trì hoãn các cuộc đàm phán thỏa thuận hạt nhân tại Vienna giữa Iran và các cường quốc phương Tây.
Triển vọng của IEA có thể quá lạc quan
Dữ liệu mới nhất từ IEA cho thấy nhu cầu dầu có thể đạt trung bình 99,6 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2021, gần bằng nhu cầu dầu của năm 2019 và theo quan điểm của chúng tôi, dự báo này có thể sẽ quá lạc quan. Nguyên nhân là do hoạt động đi lại quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia tiếp tục đóng cửa biên giới đối với du lịch, trong khi hoạt động đi công tác dự kiến sẽ không phục hồi ít nhất là đến giữa năm 2022.
IEA đã yêu cầu OPEC + tăng nguồn cung trong nửa cuối năm 2021, vì dự kiến nhu cầu dầu thô sẽ đạt trung bình 99 triệu thùng/ngày trong Q4 năm nay. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út đã chỉ ra trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị các nhà đầu tư Phố Wall rằng cách tiếp cận thận trọng của OPEC + đã mang lại những lợi ích quan trọng hiện được quan sát thấy trên thị trường, đặc biệt là việc đưa tồn kho dầu thô trở lại mức trước đại dịch.
Số liệu mới nhất từ EIA cho thấy tồn kho dầu thô thương mại đã trở lại mức trước đại dịch và hiện đang ở mức 466,7 triệu thùng so với 483,3 triệu thùng vào cùng kỳ năm 2019, gần với dự báo năm ngoái của chúng tôi là 450 triệu thùng. Dự kiến lượng tồn kho sẽ tiếp tục giảm khi chúng ta chứng kiến nhu cầu cao trong mùa hè. Cũng có sự gia tăng lớn về khối lượng dầu thô đầu vào tại nhà máy lọc dầu của Mỹ, đã tăng lên hơn 16,34 triệu thùng/ngày, với nhu cầu xăng đạt 9,36 triệu thùng/ngày, so với 9,93 triệu thùng/ngày vào cùng kỳ năm 2019, cả hai đều giải thích cho sự sụt giảm tồn kho dầu thô. Sản lượng dầu của Mỹ trong tuần trước đạt 11,20 triệu thùng/ngày, tăng 200.000 thùng/ngày, đi kèm với sự gia tăng tương đối nhỏ về số lượng giàn khoan dầu của Mỹ, tăng 8 giàn lên 373 giàn, và tăng hơn 100 giàn khoan kể từ đầu năm nay.
Nguồn tin: xangdau.net