Mỹ đã gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang các quốc gia khác ngoài Canada vào năm 2015, mở ra một lực cung mới trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Sản lượng đá phiến tăng vọt trong nửa thập kỷ qua không chỉ giúp Mỹ giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu từ nước ngoài mà còn tạo ra một đối thủ toàn cầu mới trên thị trường, chiếm lĩnh thị phần từ hai nhà xuất khẩu hàng đầu là Ả Rập Xê Út và Nga.
Sự bùng nổ đá phiến - đặc biệt là trong những năm từ 2017-2019 khi xuất khẩu của nước này không còn bị hạn chế - đã làm nản lòng những nỗ lực của liên minh OPEC + do Ả Rập Xê Út và Nga dẫn đầu nhằm thắt chặt thị trường và nâng giá dầu. Mỗi khi nhóm OPEC + thành công trong việc đưa giá dầu lên trên 55-60 USD/thùng, thì các nhà sản xuất của Mỹ lại tăng cường hoạt động khoan, tận dụng lúc giá cao hơn — và rốt cuộc đã làm giới hạn mức tăng do nguồn cung từ Mỹ tăng lên.
OPEC và đồng minh quan trọng trong liên minh OPEC +, là Nga, đã bắt đầu xem xét (mặc dù không công khai) phản ứng từ đá phiến Mỹ đối với giá cao hơn khi thiết lập chính sách sản xuất. Nhóm này đã đưa ra tín hiệu với các chính sách của mình trong vài năm qua rằng bất chấp sự cám dỗ để tăng thêm doanh thu từ dầu với giá dầu trên 60 đô la, họ không sẵn sàng hy sinh quá nhiều thị phần cho đá phiến của Mỹ bằng cách thắt chặt nguồn cung quá nhiều và nâng giá dầu lên cao hơn mức giá hòa vốn của các lưu vực đá phiến lớn tại Mỹ.
Một số công ty đá phiến của Mỹ đã “chìm sâu vào quên lãng”, như lời cảnh báo của Harold Hamm vào năm 2017, sau khi gánh quá nhiều nợ để bơm ngày càng nhiều dầu thô. Khi giá lao dốc vào năm 2020, các vụ phá sản tăng vọt, nhưng Mỹ đã tự mình khẳng định là nhà sản xuất chủ chốt trên thị trường dầu toàn cầu.
Mỹ thực sự đã trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới vào năm 2018, vượt qua cả Ả Rập Xê-út và Nga, và đã giữ vững vị trí này kể từ đó, ngay cả khi sản lượng sụt giảm do đại dịch. Mặt khác, Ả Rập Xê Út và Nga - bị ràng buộc bởi hiệp ước cắt giảm OPEC + của họ - đã hạn chế sản xuất ra thị trường hơn bốn năm nay.
Dữ liệu của EIA cho thấy sự bùng nổ đá phiến của Mỹ và việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đã dẫn đến xuất khẩu dầu thô nước này ngày càng tăng, đạt trung bình gần 3 triệu thùng/ngày vào năm 2019. Kể từ cuối năm 2019, xuất khẩu dầu thô trung bình hàng tháng của Mỹ đã vượt 3 triệu thùng/ngày mỗi tháng trừ tháng 5 và tháng 6 năm 2020.
Xuất khẩu tăng đã giúp giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu thô nước ngoài từ mức cao nhất vào năm 2005, và nó cũng làm giảm sự tăng vọt của giá dầu khi các sự kiện ở Trung Đông gây kinh hoàng cho thị trường toàn cầu.
Trong một thập kỷ rưỡi, nhập khẩu dầu thô của Mỹ đã giảm xuống còn 6,8 triệu thùng/ngày vào năm 2019, thấp hơn khoảng 1/3 so với khối lượng hơn 10,1 triệu thùng/ngày của năm 2005.
Sự bùng nổ đá phiến của Mỹ là một trong những lý do khiến giá dầu không tăng vọt lên ba con số khi hơn một nửa sản lượng dầu của nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia bị đánh sập bởi các cuộc tấn công hồi tháng 9 năm 2019. Xuất khẩu dầu gia tăng của Mỹ cũng đã khiến dầu không tăng vọt trong thời gian dài khi Chính quyền Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Iran vào năm 2018 và Venezuela vào năm 2019.
Sandy Fielden, giám đốc nghiên cứu dầu tại Morningstar, nói với Bloomberg: “Dòng chảy của dầu Mỹ kể từ khi kết thúc lệnh cấm đã giữ cho nguồn cung dầu toàn cầu cân bằng ngay cả những thời điểm chính trị làm mất nguồn cung từ Iran, Venezuela và Libya”.
Trong tương lai, xuất khẩu dầu thô của Mỹ có cơ hội chiếm thêm thị phần từ các đối thủ nặng ký là Ả Rập Xê-út và Nga tại thị trường nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, Trung Quốc. Tuy nhiên, Chính quyền Biden có thể giới hạn hoạt động khoan mới trên các vùng đất và vùng biển của liên bang, điều này làm hạn chế nguồn dầu thô của Mỹ ra thị trường nước ngoài.
Vào tháng 11 năm 2020, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần mỗi năm, khi Bắc Kinh tăng cường mua dầu thô trong giai đoạn đầu của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, việc Biden cam kết cấm cho thuê đất liên bang để khai thác khí đốt tự nhiên và dầu trên các vùng đất và vùng biển công cộng có thể làm đảo ngược xu hướng giảm nhập khẩu dầu thô của Mỹ, Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết, đồng thời cảnh báo rằng gần 1 triệu việc làm có thể bị mất vào năm 2022, trong khi nhập khẩu dầu thô của Mỹ từ các nguồn nước ngoài có thể tăng 2 triệu thùng/ngày vào năm 2030.
Nguồn tin: xangdau.net