Thị trường dầu mỏ đã bị giáng một đòn trên toàn cầu, nhưng không nơi nào có sự sụt giảm tồi tệ hơn ở đá phiến Mỹ, nơi mà sự sụp đổ giá dầu đã nhấn chuẩn dầu WTI xuống âm gần 40 USD/thùng vào tháng trước. Sự sụp đổ giá dầu là hậu quả của sự sụt giảm nghiêm trọng nhu cầu dầu quốc tế do sự lây lan của coronavirus, càng làm cho tình hình tồi tệ hơn đó là cuộc chiến giá dầu giữa hai thành viên dẫn đầu OPEC+, Saudi và Nga. Khi hai quốc gia đối dầu, dầu thừa toàn cầu tăng mạnh dẫn đến thiếu hụt kho chứa cho đến nay.
Do những đòn giáng vào thị trường dầu mỏ toàn cầu, Lưu vực Permian đã bị cuốn vào một làn sóng phá sản và sa thải nhân viên. Số lượng giàn khoan của Hoa Kỳ đã giảm 62% so với một năm trước, và hiện tại bằng với số lượng giàn khoan trong một thập kỷ trước, vào năm 2009, theo Houston Chronicle. Trên khắp lục địa Bắc Mỹ, việc đóng cửa giếng và sản xuất dầu nói chung đã giảm nhanh hơn cả các nhà phân tích dự đoán, và “ngành dầu khí đang trên đà mang khoảng 1,7 triệu thùng mỗi ngày ra khỏi thị trường vào cuối tháng 6 để phù hợp với giá thấp và kho chứa đầy”, Forbes đưa tin. Điều đáng mừng cho việc dừng sản xuất khổng lồ này, cả ở Mỹ và quốc tế, là thị trường dầu mỏ đang dần cho thấy một số dấu hiệu sớm của sự phục hồi. Hôm thứ Hai, một thông báo từ Ả Rập Xê Út, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, tuyên bố rằng họ sẽ áp đặt cắt giảm sản lượng thậm chí còn nghiêm ngặt hơn trong những tháng tới, và thị trường nhanh chóng phản ứng bằng việc tăng giá (mặc dù khiêm tốn). “Saudi Aramco, công ty dầu khí do nhà nước kiểm soát, sẽ sản xuất 7,5 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 6, giảm so với hơn 12 triệu của tháng 4”, theo tờ Barron’s. Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng tuyên bố rằng họ sẽ cắt giảm sản xuất thậm chí nhiều hơn mức họ đã cam kết. Đó là chưa kể mức giảm sản lượng 9,7 triệu thùng mỗi ngày của OPEC, bắt đầu vào đầu tháng này.
Mỹ đã gần như không áp dụng các biện pháp khắc khổ như vậy, vì một số lý do. Theo Forbes, đó là vì “Mỹ giữ tầm ảnh hưởng đáng kể đối với Ả Rập Xê Út và các đồng minh OPEC ở Trung Đông vì sự đảm bảo an ninh mà họ mang lại, do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nước vùng Vịnh sẽ gánh vác phần lớn trách nhiệm cắt giảm”. Nhưng Barron’s chỉ ra rằng, bởi vì cơ cấu và sự kiểm soát phân quyền của mình, Mỹ không thể bắt đầu và ngừng sản xuất theo cách mà các quốc gia độc tài như Saudi và Kuwait có thể làm.
Với việc cắt giảm sản lượng từ Trung Đông và suy thoái kinh tế trong đá phiến của Mỹ, nhiều nhà phân tích đang lạc quan về tương lai của thị trường dầu mỏ, với một số người thậm chí còn dự đoán một thị trường thiếu cung trầm trọng - lên tới 5 triệu thùng mỗi ngày - vào năm 2025”, theo tờ Forbes có tham khảo thông cáo báo chí của Rystad Energy và những người khác tuyên bố rằng giá dầu 100 USD/thùng sẽ xảy ra.
“Nhưng một câu hỏi quan trọng là liệu các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ có thể làm hỏng bữa tiệc hay không bằng cách khởi động lại sản xuất hoặc hoàn thành giếng vào thời điểm giá tăng cao để đạt được dòng tiền mặt dương”, Forbes viết. Julian Lee bày tỏ quan ngại tương tự trong một bài viết cho Bloomberg trong tuần này, viết: “Có một rủi ro gấp đôi sắp diễn ra: Việc dỡ bỏ phong tỏa quá sớm có thể dẫn đến đợt lây nhiễm thứ hai và tử vong, việc nới lỏng hạn chế trong sản xuất dầu mỏ quá sớm có nguy cơ làm sụp đổ giá dầu lần thứ hai”. Tổng kết cho những tâm lý này, trong tuần trước Oilprice đã đăng bài viết có tiêu đề và đánh giá khá cô đọng “Đá phiến Mỹ cần chậm lại để sống sót”.
Nhưng Mỹ, với việc để hầu hết các cắt giảm sản xuất và cam kết khắc khổ lên vai các nước OPEC và Trung Đông, đang gây nguy hiểm không chỉ cho sự phục hồi dầu mỏ của chính mình – mà còn gây nguy hiểm cho tiềm năng phục hồi của toàn bộ thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Nguồn tin: xangdau.net