Năm 2016, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở Đà Nẵng vẫn diễn ra rất phức tạp và tinh vi, đã xuất hiện buôn lậu xăng dầu không hợp quy chuẩn quốc gia.
Sáng 29/12, Ban chỉ đạo 389 TP.Đà Nẵng tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại Đà Nẵng trong năm 2016.
Ngụy trang thuốc lá lậu trong ba lô quần áo
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 TP.Đà Nẵng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra với nhiều thủ đoạn và thương thức tinh vi. Trong năm 2016 các lực lượng kiểm tra 11.724 vụ và xử lý 9.843 vụ, tăng 12% so với năm 2015, trong đó hàng cấm, nhập lậu là 374 vụ; gian lận thương mại là 9.331 vụ (chiếm 94,8% trong tổng số vụ xử lý và tăng 12,6% so với năm 2015). Tổng số tiền thu là 168,2 tỷ đồng, tăng 27,77% so với năm 2015.
Trong số 26 vụ/31 đối tượng bị cơ quan chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 thành phố khởi tố thì Bộ đội biên phòng khởi tố 22 vụ/27 đối tượng.
Đại diện Bộ đội biên phòng thành phố cho biết, năm 2016 đơn vị đã bắt và xử lý 29 vụ/ 57 đối tượng tàng trữ, vận chuyển mua bán hàng cấm; vận chuyển xăng dầu không hợp quy chuẩn quốc gia; mua bán than không có nguồn gốc hợp pháp; mua bán trái phép hải sản.
Hiện Bộ đội biên phòng Đà Nẵng đang tạm giữ 3.000 tấn xăng dầu có nguồn gốc từ nước ngoài nhập về Việt Nam và hàng trăm tấn than có chứng từ chưa hợp lệ. Tuy nhiên việc điều tra, xử lý số hàng hóa này gặp nhiều vướng mắc, khó xác minh được giấy tờ hợp pháp, khác về đánh giá quy chuẩn chất lượng sản phẩm và rất tốn kém chi phí. Thời gian xử lý kéo dài do bất đồng ngôn ngữ và phải ra nước ngoài xác minh.
Theo Bộ đội biên phòng Đà Nẵng, đối tượng buôn lậu (than) sử dụng hóa đơn xoay vòng để qua mắt lực lượng kiểm tra, do đó vụ việc thường kéo dài để xác minh. Bên cạnh đó, việc đấu giá tang vật cũng gặp nhiều trở ngại, giá có khi thấp hơn thị trường nhưng không có người tham gia đấu giá. Bộ đội biên phòng kiến nghị sửa đổi bổ sung Thông tư 14 năm 2013 về điều kiện kinh doanh than, trong đó cho phép Bộ Đội biên phòng hoặc lực lượng chức năng có quyền đề nghị doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh than ngừng hoạt động nếu có vi phạm liên tục hoặc lặp lại…
Việc vận chuyển thuốc lá nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển, lúc vận chuyển bằng tàu hỏa, lúc vận chuyển bằng xe khách, xe đông lạnh… Thuốc lá lậu được xé lẻ, ngụy trang dưới dạng hành lý để vận chuyển. Khi bị phát hiện bắt giữ, các chủ hàng thường trốn tránh, không nhận để tránh bị xử lý. Các đối tượng buôn lậu thường thuê những người nghèo, học thức kém để vận chuyển gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử phạt.
Năm 2016, Lực lượng kiểm lâm phát hiện xử lý 74 vụ/60 đối tượng vi phạm nhưng tình trạng buôn lậu lâm sản (gỗ) vẫn thường xuyên xảy ra. Gỗ được vận chuyển trái phép từ các tỉnh Tây Nguyên xuất đi các tỉnh phía Bắc, Trung Quốc nhưng không có hồ sơ nguồn gốc lâm sản, không kèm theo hóa đơn GTGT gốc nhằm quay vòng hồ sơ, sử dụng hóa đơn nhiều lần, thậm chí giả mạo hồ sơ, chữ ký, mẫu dấu xác nhận của kiểm lâm để hợp thức hóa nguồn gốc lâm sản.
Nguồn tin: Nguoitieudung