Trước diễn biến giá xăng tiếp tục giảm 1.000 đồng/lít và dầu các loại giảm 500 đồng/lít, ngành vận tải là ngành vui mừng hơn cả bởi chi phí hoạt động sẽ giảm đáng kể, nhất là chuẩn bị bước vào mùa vận chuyển cuối năm, Tết.
|
Nhiều DN ở Bến xe Miền Đông đã giảm cước 8-15% so với trước đây. |
Thế nhưng, bên cạnh đó, không ít DN - chủ yếu là các DN vận tải taxi - cũng ngao ngán vì lại phải điều chỉnh một số hoạt động, trong đó tốn thời gian và chi phí nhất là kiểm định lại đồng hồ tính cước.
Cước vận tải sẽ giảm 8-10%
Ngày 3.12, sau 3 ngày xăng dầu giảm giá thêm 1.000 đồng xuống còn 12.000 đồng, ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc XN bến xe khách Phía Nam - cho biết, 30 đơn vị vận tải tại bến xe đã đồng loạt giảm giá cước vận tải hành khách xuống từ 8-10%.
Cụ thể, vé xe tuyến HN đi Nam Định giảm từ 45 xuống 40 nghìn đồng/vé/chiều, đi Thanh Hoá giảm từ 65 xuống 60 nghìn đồng/vé/chiều, đi Thái Bình giảm từ 55 xuống 50 nghìn đồng/vé/chiều. Đặc biệt, Trung tâm Tân Đạt thuộc TCty Vận tải Hà Nội cũng giảm từ 560 xuống 510 nghìn đồng/vé/chiều trên tuyến HN-TPHCM.
Tương tự, nhiều DN vận tải taxi cũng nhanh chóng lên kế hoạch giảm giá, dù một số đơn vị vừa giảm 500 - 700 đồng trong vòng 2 - 3 tuần qua.
Ông Võ Ba - Giám đốc Cty taxi Tương Lai - Future cho biết: "Chúng tôi đã tính đến việc giảm giá cước theo đợt điều chỉnh giá xăng lần này. Mức giảm tối thiểu là 800 đồng/km hoặc có thể cố gắng giảm đến 1.000 đồng/km. Dự kiến trong 2 ngày nữa, việc giảm cước taxi sẽ được công bố thực hiện".
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN - cho biết: Đợt giảm giá khi xăng còn 13.000 đồng/lít hầu hết các DN vận tải hành khách đã giảm từ 8-10% giá cước, còn các DN taxi cũng giảm trên - dưới 20% giá cước. Từ 1.12, xăng lại tiếp tục giảm 1.000 đồng, như vậy giá xăng giảm 7%, giá cước sẽ giảm tương ứng vào khoảng 3,5%. Tuy nhiên, tình trạng xăng dầu cứ giảm nhỏ giọt và lắt nhắt trong khoảng thời gian ngắn gây khó cho việc điều chỉnh giá cước vận tải, nhất là đối với các DN taxi.
Chúng tôi đang kiến nghị khi xăng dầu điều chỉnh tăng - giảm khoảng 15%, thì các DN vận tải mới phải điều chỉnh giá cước. Hoặc xăng dầu cũng nên điều chỉnh với biên độ rộng hơn, chứ cứ lắt nhắt năm trăm đến một nghìn đồng trong khi giá dầu thế giới xuống ầm ầm là rất khó cho các DN vận tải.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, hiệp hội đã khuyến cáo: Đối với các DN đã điều chỉnh cước trước thời điểm 1.12 thì không cần phải tiếp tục điều chỉnh giảm 3,5%, mà có thể bù cho khách hàng trong dịp Tết bằng cách không điều chỉnh tăng giá cước. Hoặc với các DN phụ thu chênh lệch chiều rỗng khi chạy Tết chỉ nên tăng 30-40% thay vì 40-60% như các dịp Tết trước.
Taxi lại phải chỉnh lại đồng hồ cước
Thế nhưng, bên cạnh đó, các Cty vận tải taxi cũng ngao ngán trước tình hình phải liên tục điều chỉnh kế hoạch hoạt động mỗi khi giảm giá cước theo giá xăng.
Ông Đinh Quang Hiền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải taxi - cho biết: "Để giảm giá cước, các DN phải thay đổi, điều chỉnh nhiều thứ, vừa mất thời gian, vừa mất chi phí. Phí tổn kiểm định đồng hồ tính cước của taxi mất khoảng 50.000 - 70.000 đồng/xe. TPHCM có khoảng 7.000 xe taxi, trong khi chỉ có 2 đơn vị thực hiện điều chỉnh, kiểm định đồng hồ tính cước. Do đó, việc điều chỉnh giá đồng hồ tính cước nên giao cho các DN chủ động thực hiện. Các đơn vị quản lý nhà nước sẽ thực hiện kiểm tra và xử lý nếu có vi phạm".
Để đối phó với việc mất thời gian kiểm định, ông Võ Ba - Giám đốc Future taxi - "bật mí": "Cty dự định tiến hành điều chỉnh giá cước taxi nhanh trong nay mai để có thể đăng ký kiểm định, điều chỉnh đồng hồ tính cước sớm, nhằm hạn chế việc phải chờ đợi khi nhiều Cty taxi cùng đăng ký kiểm định. Tuy nhiên, việc tốn một khoản chi phí cho kiểm định lại đồng hồ tính cước qua mỗi lần điều chỉnh giá thì các DN hoàn toàn phải chịu với một khoản không nhỏ. DN nào có càng nhiều xe thì chi phí này lên đến vài chục triệu đồng".
Cùng chung quan điểm với các ý kiến trên, ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - cho biết thêm, hiện các DN thuộc hiệp hội đang tính toán phương thức điều chỉnh theo công thức phù hợp, thuận tiện cho DN mà vẫn đảm bảo quyền lợi sòng phẳng với người tiêu dùng.
(Lao động)