|
Xăng tăng cao đột ngột thì doanh nghiệp vận tải ngay lập tức tăng giá theo, xăng giảm nhỏ giọt thì doanh nghiệp cũng giảm nhỏ giọt theo kiểu "ngó" nhau mà giảm. |
Chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, giá xăng dầu đã giảm tới 6 lần. Tuy nhiên, cơ chế thay đổi giá xăng theo kiểu khi tăng thì tăng vọt còn giảm lại nhỏ giọt cộng với thời điểm điều chỉnh quá sát nhau khiến thị trường vận tải cũng biến động khó lường.
Đại diện một hãng taxi lớn nói ngày 13/11, hãng vừa niêm yết bảng giá cước mới theo mức giảm giá xăng ngày 8/11, thì ngay hôm sau nhận được tin giá xăng giảm tiếp. Đây không hẳn thực sự là một tin vui, vì doanh nghiệp này cho biết đang "đau đầu" vì liên tục chạy đi chạy lại làm thủ tục đăng ký giá, in ấn, niêm yết vé mất thời gian.
Trong khi đó, không ít doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng lại vin vào cớ này để án binh ghìm giá cước gây thiệt hại cho khách hàng.
"Ngó" nhau mà giảm
Theo quyết định của Bộ Tài chính, kể từ 0h ngày 15/11 giá bán lẻ xăng, dầu hỏa trên toàn quốc đã giảm thêm 1.000 đồng/lít, giá mazut giảm 1.500 đồng/kg. Theo đó xăng A92 sẽ ở mức 13.000 đồng/lít; xăng A95 xuống còn 13.500 đồng/lít, dầu hỏa 13.500 đồng/lít và mazut còn 9.000 đồng/kg.
Như vậy, đây là lần thứ 6 kể từ đầu tháng 10 đến nay, giá xăng trong nước được điều chỉnh giảm, trong đó có 4 lần đều giảm 500 đồng/lít, 2 lần giảm 1.000 đồng. Tính ra giá xăng A92 đã trở lại ngang bằng với mức cách đây gần một năm, khi giá mặt hàng này được điều chỉnh lên mức 13.000 đồng/lít từ ngày 22/11/2007.
Nếu tính từ 21/7/2008 - thời điểm tăng giá xăng gần nhất - đây đã là lần giá xăng trong nước giảm lần thứ 8 liên tiếp. Giá xăng giảm liên tục theo kiểu nhỏ giọt đã khiến các doanh nghiệp vận tải thực sự dao động và lúng túng. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, điều chỉnh giảm là việc đáng mừng, tuy nhiên giảm ít và liên tục như vậy khiến họ vô cùng khó khăn trong việc điều chỉnh giá cước.
Giám đốc một hãng taxi tại Hà Nội nói: "Nếu không điều chỉnh thì bị người dân cho là dựa vào giá cả để trục lợi. Còn điều chỉnh ngay thì tốn quá nhiều thời gian và kinh phí. Mỗi lần thay đổi giá phải đăng ký lại với cơ quan quản lý, in ấn lại vé, thông báo niêm yết giá cước".
Ông cho biết, đợt giảm giá xăng liên tiếp vừa qua, doanh nghiệp đã không dưới 4 lần điều chỉnh giá cước, mỗi lần cứ vài trăm đến 1.000 đồng. Chỉ chạy thủ tục và lo tiền in ấn, đăng ký, cùng các chi phí phụ khác đã quá mệt. Cứ thế này thì không biết còn đuổi theo giá xăng đến lúc nào?
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, mặc dù giá xăng dầu giảm liên tiếp thế nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn khá chậm chạp trong việc giảm giá cước. Chỉ có một vài doanh nghiệp lớn công bố điều chỉnh như Taxi Mai Linh, Hoàng Long, Vinasun với mức giảm từ 5-10%.
Đại diện một hãng taxi khác tại Hà Nội nói: "Kể từ tháng 10 tới nay, lần nào xăng giảm giá hãng cũng giảm". Thế nhưng, khi được hỏi từ ngày 21/7, hãng giảm bao nhiêu % thì đại diện này cũng không nói rõ, mà chỉ khẳng định rằng mỗi lần từ vài trăm đến 1.000 đồng.
Lý do được công ty này giải thích rằng, giảm từ từ vì hãng này cũng như tất cả các hãng khác muốn giảm thì phải đăng ký với các cơ quan quản lý để họ xét duyệt, thủ tục rất phiền phức. Hơn nữa, còn phải nhòm ngó các hãng khác xem họ thế nào...
Đề nghị sớm lập quỹ bình ổn giá xăng
Phản ứng trước đợt xăng giảm giá mới nhất ngày 15/11, ông Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô - cho biết, trước mắt doanh nghiệp nào đã điều chỉnh giá cước theo mức giảm ngày 8/11 thì sẽ áp mức đó. doanh nghiệp nào chưa điều chỉnh thì nên áp mức mới một cách hợp lý nhất đảm bảo quyền lợi hành khách.
Xăng tăng cao đột ngột thì doanh nghiệp vận tải ngay lập tức tăng giá theo, xăng giảm nhỏ giọt thì doanh nghiệp cũng giảm nhỏ giọt theo kiểu "ngó" nhau mà giảm. Đây dường như là quy luật bất thành văn trong mối quan hệ giữa giá xăng và giá cước vận tải.
Ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết, trước mắt thì điều chỉnh như vậy nhưng Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Tài chính nên đẩy nhanh việc thành lập quỹ bình ổn giá xăng.
Ông Hùng nói: "Chúng tôi đã đề nghị rất nhiều lần với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, xăng dầu cứ giảm giá kiểu nhỏ giọt như thế này thì các doanh nghiệp vận tải không làm sao mà đuổi theo kịp, trong 1 tuần vừa làm xong thủ tục thì lại giảm giá xăng tiếp.
Nếu vận tải không giảm giá tiếp thì dân cho là doanh nghiệp lạm dụng giá cả để xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Nếu cứ điều chỉnh liên tục thì cũng không thể làm kịp.
Vì vậy cần phải có một quỹ bình ổn giá, khi giá xăng giảm ít thì tạm thời chưa điều chỉnh giảm mà đưa khoản chênh lệch vào quỹ bình ổn. Sau đó, dùng quỹ này bù đắp cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, để họ có thể điều chỉnh giảm sâu hơn trong 1 lần, tránh điều chỉnh nhiều lần liên tiếp theo kiểu nhỏ giọt. Còn nếu cứ để tình trạng này thì không chỉ ngành vận tải mà các ngành khác không thể giảm theo kịp được, rất dễ làm người tiêu dùng bức xúc".
Ông Hùng cũng kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải bổ sung Thông tư 86, làm sao lựa chọn được thời điểm thích hợp để điều chỉnh giá cước cơ bản. Theo đó, căn cứ vào mức giá mà các doanh nghiệp đã đăng kí để điều chỉnh theo hướng tăng hoặc giảm phụ thuộc vào tình hình thị trường. Liên bộ phải tìm ra phương án giúp doanh nghiệp vận tải phản ứng nhanh, chủ động với giá nhiên liệu khi xảy ra biến động.
Ông Hùng nói: "Nếu để như bây giờ các doanh nghiệp rất khó trong khâu làm thủ tục điều chỉnh giá cước, vừa tốn kém vừa mất thời gian".
Một chuyên gia tài chính cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp vận tải sẵn sàng giảm giá cước khi giá xăng giảm giá. Tuy nhiên, giảm sâu - tăng cao thì điều chỉnh một lần cho dễ chứ cứ giảm mỗi lần một ít như thế này lo thủ tục thôi đã đủ mệt. Làm gì thì cũng phải tạo cho người ta cái cơ chế rõ ràng, ổn định thì mới mong họ làm ăn đàng hoàng, hiệu quả được!
(Nguồn VnEcocnomy)