Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cuộc ‘hôn nhân’ giữa OPEC và Nga đối mặt với thử thách của một thị trường dầu đòi hỏi nhiều hơn

Liên minh kéo dài 5 năm giữa OPEC với Nga đang ở trong những bước ngoặt về địa chính trị, khi tổ chức khai thác dầu thận trọng theo dõi cuộc khủng hoảng Ukraine và mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, trong khi giá dầu thô đạt mức cao nhất trong 8 năm.

Nhưng ngoài địa chính trị, những thực tế trên thị trường dầu có thể sớm buộc phải cân nhắc đến mối quan hệ này.

Với nhu cầu dầu toàn cầu đang trên đà tăng trở lại mức trước đại dịch trong những tháng tới, OPEC và các đối tác ngoài nhóm do Nga dẫn đầu đang hết khả năng để cũng ứng sản lượng dầu thô.

Liên minh OPEC+ gồm 23 nước, kiểm soát một nửa nguồn cung dầu thô toàn cầu, đã tăng hạn ngạch sản xuất hàng tháng, nhưng sự chênh lệch lớn giữa các mục tiêu đó với sản lượng thực tế đang nới rộng. Theo khảo sát mới nhất của S&P Global Platts, trong tháng 1 OPEC+ đã chứng kiến ​​sản lượng thực tế thấp hơn mức hạn ngạch 600.000 thùng/ngày, góp phần gây lo ngại về khả năng khan hiếm nguồn cung.

Khoảng cách đó có vẻ sẽ tiếp tục tăng lên, khi nhiều thành viên gặp trở ngại bởi các mỏ dầu lâu năm đang suy giảm, cơ sở hạ tầng dầu không ổn định, sự dịch chuyển vốn đầu tư ra khỏi ngành hay tình trạng bất ổn dân sự.

S&P Global Platts Analytics ước tính Nga đã bơm 10,08 triệu thùng/ngày vào tháng Giêng, có thể sẽ cạn kiệt công suất sản xuất dự phòng 320.000 thùng/ngày còn lại vào giữa năm, nếu liên minh này tiếp tục tăng hạn ngạch, như kế hoạch. Vào tháng 10, theo thỏa thuận nguồn cung của OPEC+, Nga được cho là sẽ đạt 11 triệu thùng/ngày, mức sản lượng mà nước này chưa bao giờ gần đạt được.

Một khi không thể tăng sản lượng, sự hữu ích của nước này trong việc giúp OPEC cân bằng thị trường có thể chấm dứt, và phần lớn sẽ phụ thuộc vào Ả Rập Xê-út và UAE, hai quốc gia nắm giữ phần lớn năng lực sản xuất dự phòng của nhóm, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Cornelia Meyer, một nhà phân tích năng lượng độc lập và chuyên gia kinh tế theo sát OPEC, cho biết: “Khi giá dầu đang tăng, việc không ủng hộ Nga sẽ trở nên dễ dàng hơn”.

Gìn giữ hòa bình

Hiện tại, không có dấu hiệu rạn nứt giữa OPEC và Nga rõ ràng, bất chấp áp lực từ Mỹ và các quốc gia tiêu thụ dầu quan trọng khác, chẳng hạn như Ấn Độ, yêu cầu tổ chức này phải giải phóng thêm nguồn cung.

Trên thực tế, Ả Rập Xê-út và UAE đã từ chối bơm vượt quá hạn ngạch của mình, một phần do lo ngại làm đảo lộn sự hòa hợp thường tồn tại mong manh trong OPEC+.

Một số cuộc họp OPEC+ vừa qua diễn ra nhanh chóng, không có giao ban báo chí, vì các Bộ trưởng dường như không muốn đối mặt với những câu hỏi có thể gây khó chịu về mối quan hệ.

OPEC+ spare capacity mostly depleted by end-2022

Các nguồn tin cho biết các cuộc thảo luận về việc lập lại hạn ngạch vẫn chưa được đưa ra thảo luận.

“Đây là vấn đề rất nhạy cảm vì nó có thể gây căng thẳng giữa các nước”, một đại biểu đề nghị giấu tên để thảo luận về vấn đề nội bộ. "Tôi không tưởng tượng rằng Nga sẽ chấp nhận nguyên tắc rằng các quốc gia có năng lực dự phòng bổ sung sẽ tăng sản lượng khi nước này không thể làm như vậy."

Nhưng ít nhất một đại biểu khác thừa nhận rằng liên minh có thể đi đến một "tình huống rất nguy cấp", nếu Moscow bị khai thác triệt để.

Các cường quốc phương Tây cũng đã đe dọa các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc mà có thể giáng một đòn vào hoạt động xuất khẩu dầu của Nga nếu nước này xâm lược Ukraine, vì cuộc khủng hoảng đó dường như không còn gần với sự hòa hoãn.

“Mọi thứ đều có thể xảy ra,” đại biểu này nói, về việc liệu mối quan hệ hợp tác có thể bị giải tán hay không.

Những lo lắng của phương Tây

Sau hơn ba năm giá dầu sụt giảm nghiêm trọng vào năm 2016, OPEC đã lôi kéo Nga và 9 quốc gia khác tham gia vào liên minh hiện tại để thúc đẩy quyền lực thị trường của nhóm. Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo cho biết vào thời điểm đó rằng đây sẽ là một "đại hôn" - một liên minh lâu dài gồm các nhà sản xuất dầu cùng chí hướng cam kết nâng đỡ thị trường.

Liên minh này phần lớn đã thành công và duy trì kỷ luật với hạn ngạch của mình. Một cuộc chiến giá ngắn ngủi, căng thẳng kéo dài một tháng giữa Ả Rập Xê-út và Nga trong giai đoạn đầu của đại dịch khiến giá dầu thô NYMEX biến động xuống mức âm, đã nhanh chóng được khắc phục, với việc cắt giảm sản lượng lịch sử được thực hiện.

Thị trường đã phục hồi nhiều hơn do nhu cầu dầu toàn cầu tiếp tục tăng. Dầu Dated Brent vào ngày 16 tháng 2 đã bứt phá ngưỡng 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm 2014, ngay cả khi hầu hết các nhà phân tích cho rằng thị trường hiện đang dư cung.

OPEC+ struggling to hit its output targets

Nhưng viễn cảnh chiến tranh xảy ra ở Ukraine đã chi phối tâm lý gần đây, với Platts Analytics ước tính bảo hiểm bù rủi ro 20 USD/thùng hiện đang được tính vào giá.

Các thương nhân cũng cho biết họ lo ngại về sự thiếu hụt sản lượng ngày càng tăng của OPEC+, điều này đã khiến tổ chức này nhận sự chỉ trích từ các quan chức Mỹ và Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cũng như các quốc gia tiêu thụ dầu.

Với nền kinh tế đa dạng hơn so với nhiều trong số các đối tác OPEC, sự nhiệt tình của Nga đối với liên minh đôi khi lại trầm lắng hơn mức mà nhóm này mong muốn. Nga đã từ chối nhiều lời mời chính thức gia nhập OPEC, chỉ muốn giữ khoảng cách trong khi vẫn hợp tác trong việc cắt giảm sản lượng.

Khi cạn kiệt công suất dự phòng, ảnh hưởng của Nga đối với thị trường sẽ suy giảm.

Nhưng Meyer lưu ý rằng mối quan hệ vẫn có thể đáng được duy trì như một hàng rào chống lại Mỹ, khi mà ngành đá phiến nước này đang có dấu hiệu đổi mới.

Bà nói: “Một khi Mỹ trở thành nhà xuất khẩu lớn một lần nữa, mọi thứ sẽ khác”.

Tác động của đại dịch đối với nền kinh tế toàn cầu kể từ năm 2020 đã thu hẹp khoảng cách giữa giá dầu hòa vốn tài khóa của Nga và Ả Rập Xê Út, theo Platts Analytics, khiến họ đồng thuận hơn về chính sách.

Tổng thư ký OPEC tiếp theo Haitham al-Ghais, người Kuwait sẽ tiếp quản Barkindo sau tháng 7, nói với Platts vào tháng 1 rằng ưu tiên hàng đầu của ông sẽ là "duy trì và nuôi dưỡng" mối quan hệ của OPEC với Nga.

Vài tháng sắp tới có thể chứng minh vai trò nòng cốt của cuộc ‘hôn nhân’ này.

Nguồn tin: Platts

© Bản tiếng Việt của xangdau.net  

ĐỌC THÊM