Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cuộc chiến giá dầu mỏ: Đòn ai hiểm hóc hơn?

Giá dầu thế giới tiếp tục giảm. Saudi Arabia và Nga liên tục có những quyết định gây chú ý trên thị trường dầu mỏ thế giới. Phân tích của báo Thế giới & Việt Nam.  


Saudi Arabia thay đổi chiến lược bằng cách làm cho giá dầu lửa tiếp tục giảm như thể chủ ý không chỉ gây áp lực mà còn cả tổn hại cho Nga. (Nguồn: True Activist)

Sau khi không đạt được thoả thuận với Nga về giảm khối lượng khai thác dầu lửa đưa ra thị trường hàng ngày để ngăn cản đà trượt dốc của giá dầu lửa trên thị trường thế giới, Saudi Arabia thay đổi chiến lược bằng cách làm cho giá dầu lửa này thêm tiếp tục giảm. Nghe thật nghịch lý và lạ lùng như thể chủ ý không chỉ gây áp lực mà còn cả tổn hại cho Nga. Chấp nhận bị thiệt hại để gây tổn hại cho Nga như thế đủ thấy Saudi Arabia không hài lòng về Nga như thế nào.

Đòn hiểm của Saudi Arabia
Sự bất đồng quan điểm như thế giữa Saudi Arabia và Nga cũng như động thái này của Saudi Arabia với Nga là bằng chứng mới nhất về tính không bền vững của liên quân giữa 14 nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và 10 nước xuất khẩu dầu lửa khác trên thế giới thành một liên thủ không chính thức với tên gọi chính thức là OPEC+ hồi năm 2017. Nhiều người còn coi đấy là lời tuyên chiến của Saudi Arabia với Nga trên phương diện dầu lửa, cho dù mối quan hệ song phương giữa hai nước này về cơ bản rất tốt đẹp.

Saudi Arabia nắm giữ vai trò chủ chốt đến mức lấn lướt trong OPEC còn Nga là nước xuất khẩu dầu lửa nhiều thứ 2 thế giới nên được mặc nhiên coi là đại diện cho cả 9 nước còn lại. Vì thế, Saudi Arabia biết rằng, chỉ khi nào quy phục được Nga thì mới có thể chi phối được cả 9 nước kia.

Giá dầu lửa trên thị trường thế giới trong những ngày vừa qua đã giảm thê thảm vừa nhanh lại vừa nhiều như chưa từng thấy kể từ năm 1991 đến nay. Để đối phó, Saudi Arabia muốn Nga đồng ý giảm mức độ khối lượng dầu lửa được tung ra thị trường hàng ngày. Cung giảm sẽ làm thay đổi cán cân giữa cung và cầu trên thị trường và nhờ đó giá dầu ít nhất thì cũng không tiếp tục trượt dốc và có thể lại còn tăng. Mục đích của Saudi Arabia là làm cho giá dầu tăng trở lại và luôn ở mặt bằng cao.

Thu nhập từ xuất khẩu dầu lửa chiếm phần rất lớn trong tổng thu nhập của Nga. Như thế có nghĩa là với giá dầu cao mà xuất khẩu dầu càng nhiều thì càng được lợi. Tuy nhiên, phía Nga có 2 lý do để ngần ngại với thôi thúc của phía Saudi Arabia và để chưa thể chấp nhận mong muốn của phía Saudi Arabia.

Thứ nhất là phía Nga hiện chưa hẳn tin và vì thế còn muốn chờ thêm thời gian nữa để có được sự xác nhận là giá dầu lửa vừa rồi sụt nhanh và nhiều như vậy có thật sự vì tác động tiêu cực của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra hay không.

Thứ hai là Nga dùng việc giá dầu thấp để ngăn chặn Mỹ mở rộng thị phần trên thị trường dầu lửa thế giới. Nhờ khai thác dầu từ đá phiến bằng công nghệ fracking mà Mỹ đến nay đã giảm được đáng kể mức độ lệ thuộc vào nhập khẩu dầu lửa từ bên ngoài và trở thành nước khai thác dầu lửa nhiều nhất thế giới.

Gót chân Achill đối với Mỹ ở đây là công nghệ khai thác fracking rất tốn kém nên giá dầu lửa càng thấp thì cách thức khai thác dầu khí này càng không có lợi và Chính phủ Mỹ không thể bù trợ hay hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp này lâu dài được. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần đòi hỏi phía Saudi Arabia có biện pháp chính sách làm giảm giá dầu lửa trên thị trường nhưng không phải đòi hỏi giảm như có thể được.

Tăng khối lượng xuất khẩu dầu lửa và tăng mức chiết khấu giá bán dầu lửa là biện pháp hiện được Saudi Arabia quyết định áp dụng sau khi không đạt được thoả thuận với Nga. Saudi Arabia coi đấy là cú đòn hiểm nhằm vào Nga bởi giá dầu càng giảm thì nguồn thu của Nga bị ảnh hưởng càng thêm tiêu cực. Saudi Arabia mưu tính rằng, tổn hại lớn sẽ buộc Nga phải nhượng bộ với Saudi Arabia. Thật ra, các nước thành viên OPEC thừa khả năng để giảm mức độ xuất khẩu dầu lửa như Saudi Arabia yêu cầu nhưng vương triều này lại chỉ muốn Nga đáp ứng đòi hỏi chứ không ép buộc các thành viên OPEC nghe lời.

Nga: Lấy độc trị độc

Nga đáp trả động thái nói trên của Saudi Arabia bằng quyết định cũng tăng mức độ khai thác dầu lửa và tung ra thị trường hàng ngày cũng như thể hiện thiện chí sẵn sàng đàm phán lại với Saudi Arabia. Lấy độc trị độc chính là bản chất cái hiểm hóc trong biện pháp chính sách này của Nga.

Ở đây ẩn hiện chủ định của Nga là chấp nhận thua thiệt trước mắt để duy trì mục tiêu ngăn cản Mỹ gia tăng thị phần và để cho Saudi Arabia tự thấm đòn rồi cũng sẽ phải nhượng bộ với Nga. Mấu chốt ở đây là Saudi Arabia có chi phí sản xuất thấp nhưng lại cần giá dầu lửa cao. Theo tập đoàn Saudi-Aramco của Saudi Arabia, tập đoàn này bỏ ra 2,8 USD để khai thác 1 thùng dầu lửa (159 lít) trong khi tập đoàn ExxonMobil của Mỹ tốn 16 USD và Rosneft của Nga phải chi ra 20 USD. Với mức độ giá dầu hiện tại hơn 30 USD/thùng thì Nga thiệt hại nhiều hơn Saudi Arabia. Nhưng để giúp cân bằng ngân sách nhà nước thì Saudi Arabia cần mặt bằng giá dầu lửa từ 83,60 USD/thùng trong khi Nga cần từ 42,40 USD/thùng.

Từ đó có thể thấy giá dầu thấp trong thời gian càng dài thì Saudi Arabia gặp khó khăn tài chính càng lớn hơn so với Nga. Vậy đòn của ai hóc hiểm hơn đòn của ai thực chất là sự so sánh bên nào có khả năng chịu tổn hại thời gian dài hơn. Cho nên rồi đây, Saudi Arabia nhiều khả năng thấm trải cảm giác "gậy ông đập lưng ông" sớm hơn Nga và sẽ lại nhanh chóng khôi phục OPEC+.

Nguồn tin: baoquocte.vn

ĐỌC THÊM