Iran đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 19 tháng 5, một cuộc bỏ phiếu quan trọng có thể tác động đến khắp thế giới, không chỉ ảnh hưởng đến Iran, mà còn là mối quan hệ của nước này với phương Tây, và cuối cùng là giá dầu thô.
Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani đã thắng cử vào năm 2013 trên cương lĩnh tiết chế và thúc đẩy đối thoại với phương Tây. Cuối cùng, cuộc chơi mạo hiểm gây tranh cãi này đã kết thúc, với việc ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các quốc gia P5 + 1 (năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ - Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Hoa Kỳ - cộng thêm Đức). Thỏa thuận này đưa ra những hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Quan trọng hơn, thoả thuận này đã dẫn đến sự “tan băng” trong mối quan hệ giữa Iran với cộng đồng quốc tế, và nó cũng dẫn tới sự hồi sinh cho ngành công nghiệp dầu của Iran. Iran đã có hơn 40 triệu thùng dầu được chứa trong các tàu chở dầu ở Vịnh Ba Tư, vốn đã bị cấm xuất khẩu. Sau thỏa thuận này, Iran từ từ rút dầu ra khỏi kho dự trữ đó, cho phép nước này đẩy mạnh xuất khẩu trong suốt năm 2016. Iran cũng bắt đầu tiến trình thu hút các công ty dầu mỏ quốc tế đầu tư mới vào một số mỏ dầu và khí đốt rất hấp dẫn.
Tuy nhiên, thỏa thuận hạt nhân chưa bao giờ có vẻ mong manh hơn bây giờ. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích nó, trước đây ông gọi đó là "thỏa thuận tồi tệ nhất từng được đàm phán." Hồi tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu rằng Iran cho tới nay vẫn tuân thủ thỏa thuận này, nhưng Mỹ vẫn sẽ tiến hành rà soát xem liệu có nên rút khỏi thỏa thuận do sự ủng hộ đang diễn ra của Iran đối với chủ nghĩa khủng bố hay không.
Vì vậy, một mặt, Mỹ không chắc có muốn thoả thuận này tồn tại, trong khi ở Tehran thỏa thuận này trông cũng đang có vẻ lung lay. Tổng thống Rouhani đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ những người kiên định lập trường, đặc biệt là từ giáo sĩ theo đường lối bảo thủ Ibrahim Raisi, đây dường như là ứng cử viên đối lập hàng đầu trước cuộc bỏ phiếu hôm thứ Sáu. Raisi không cho rằng Iran sẽ rút khỏi thỏa thuận nếu được bầu, nhưng cuộc đối đầu với Hoa Kỳ sẽ có nhiều khả năng hơn nếu ông thắng thế, cuối cùng đưa thỏa thuận hạt nhân vào tình thế nguy cấp.
Helsa Croft, Tổng giám đốc chiến lược hàng hóa tại RBC Capital Markets, viết trong một báo cáo nghiên cứu hôm thứ Hai: "Raisi có thể sẽ ủng hộ các chính sách quân sự và khu vực mang tính khiêu khích vốn đang cản trở thỏa thuận hạt nhân và dẫn đến việc tăng cường kêu gọi ở Washington để khôi phục các biện pháp trừng phạt". Ngay cả khi Iran không đơn phương rút khỏi thỏa thuận thì căng thẳng gia tăng với Mỹ có thể kích động Tổng thống Mỹ hủy bỏ thỏa thuận này. Cuộc bầu cử được ấn định vào ngày 19 tháng 5, nhưng hai ứng cử viên hàng đầu sẽ có một đợt bỏ phiếu lần hai một tuần sau đó nếu không ai nhận được 50 phần trăm phiếu bầu.
Bất kỳ kết quả không mong muốn nào từ thỏa thuận hạt nhân cũng sẽ có những tác động tiêu cực lên thị trường dầu thô. Nếu thoả thuận này bị bãi bỏ thì căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Iran sẽ gia tăng. Rồi thì mối đe dọa của các lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ thành hiện thực, và những cấm vận mới đối với Iran có thể gây cản trở sản xuất dầu mỏ. "Chúng tôi nhắc lại lời của mình rằng Iran vẫn là một trong những rủi ro chính trị không được đánh giá đúng mức nhất trên thị trường dầu mỏ. Hơn nữa, chúng tôi cho rằng nguy cơ thực sự không phải là các thùng dầu của Iran đi vào sản xuất, mà là một sự sụt giảm do những diễn biến địa chính trị" Helima Croft của RBC kết luận.
Việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt là mối lợi cho Iran, giúp nước này tăng sản lượng dầu từ 2,8 triệu thùng/ngày vào năm 2015 lên 3,76 triệu thùng/ngày vào tháng 4 năm 2017. Tuy nhiên, những mục tiêu dễ đạt được của Iran phần lớn đã bị thu hẹp lại. Trong tương lai, nhiều lợi ích sản xuất hơn nữa có thể sẽ cần phải đến từ các dự án mới và đầu tư mới, có lẽ cần sự trợ giúp sức của các công ty dầu mỏ quốc tế. Iran hy vọng sẽ tăng sản lượng lên 5 triệu thùng/ngày vào năm 2021.
Các công ty dầu mỏ của Mỹ như Exxon và Chevron vẫn bị cấm vào Iran do lệnh trừng phạt kéo dài từ Bộ Tài chính Mỹ. Tuy nhiên, các ông lớn khác như Royal Dutch Shell và tập đoàn khổng lồ dầu khổng lồ Pháp đã ký kết một số thoả thuận sơ bộ với Iran vào cuối năm 2016. Shell đang xem xét việc đánh giá các mỏ dầu dọc theo biên giới của Iran với Iraq trong khi Total có một thỏa thuận không ràng buộc để phát triển mỏ khí đốt tự nhiên.
Song, những dự án đó và mục tiêu sản xuất dầu trong tương lai của Iran, sẽ vẫn khó đạt được nếu cuộc xung đột giữa Iran với Mỹ bùng phát trở lại, điều này chắc chắn sẽ làm cản trở các công ty dầu mỏ phương Tây nhảy vào lại Vịnh Ba Tư.
Nguồn tin: xangdau.net