Cú sốc từ Venezuela và Iran có thể dẫn tới giá dầu tăng vượt 50 USD/thùng trong tháng 10.
Bà Helima Croft, giám đốc chiến lược hàng hóa tại RBC Capital Markets cho biết giá dầu thô sẽ vẫn tiếp tục "mắc kẹt" ở mức gần 50 USD/thùng nếu một trong trong 2 điểm nóng trên toàn cầu không đưa ra thông tin khiến thị trường bất ngờ.
Theo đó, bà Croft cho rằng cú sốc đầu tiên đến "gã khổng lồ" dầu thô Petroleos de Venezuela SA của Venezuela (PDVSA) vỡ nợ. Sản lượng khai thác công ty quốc doanh PDVSA gần đây liên tục giảm do Venezuela phải vật lộn trong thời kỳ khủng hoảng tài chính sau đợt giảm giá dầu mạnh vào năm 2014 cùng với sự quản lý kinh tế kém.
"Tổng số nợ của PDVSA đang là 3,5 tỷ USD đến hạn vào tháng 10-11/2017. Nếu họ vỡ nợ, điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng khai thác dầu thô của Venezuela", Bà Croft nhận định.
Việc sản lượng của Venezuela giảm sút sẽ đóng vai trò như lực đẩy hỗ trợ thị trường dầu vốn đang bị thừa trữ lượng trong nhiều năm qua.
Cú sốc thứ 2 đến từ Mỹ khi nước này từ chối gỡ bỏ lệnh trừng phạt lên Iran. Tổng thống Donald Trump có thể từ chối xác nhận thông tin Iran đang tuân thủ việc hạn chế các chương trình hạt nhân. Điều này đồng nghĩa lệnh trừng phạt có thể kéo dài hơn dẫn đến sản lượng khai thác của Iran bị ảnh hưởng.
John Kilduff, đối tác sáng lập của quỹ đầu tư Again Capital nhận định những quan ngại về bất ổn địa chính trị có thể bị phóng đại phần nào. Ông cho rằng 5 quốc gia đàm phán với Iran về thỏa thuận hạt nhân có thể phản đối việc kéo dài lệnh trừng phạt. Đồng thời ông lưu ý rằng Venezuela đang mắc nợ Nga và Trung Quốc. Ông lớn dầu khí của Nga là Rosneft đang nắm giữ một lượng lớn cổ phần nhà máy lọc dầu Cito của PDVSA có trụ sở tại Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cho Venezuela vay đổi lại Trung Quốc sẽ lấy dầu.
Tuy nhiên, gần đây Rosneft cho biết họ sẽ ngừng cho PDVSA vay do nguồn tiền dự trữ của Rosneft chỉ còn khoảng dưới 10 tỷ USD. Theo bà Croft nhận định, "Nếu không có sự giúp đỡ của Nga, chúng tôi nghĩ rằng khả năng PDVSA vỡ nợ hoàn toàn có thể xảy ra".
Một yếu tố khác cũng có thể hỗ trợ giá dầu đó là kết quả cuộc họp OPEC tháng 11. Theo Bộ trưởng dầu mỏ Kuwait, ông Essam al-Marzouq phát biểu trên truyền hình vào hôm thứ 2 cho biết OPEC sẽ thảo luận vấn đề kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác vào tháng 11.
"Chúng tôi sẽ tổ chức cuộc họp vào cuối tháng 11. Điểm đáng chú ý và quan trọng nhất của buổi họp sẽ liên quan đến số phận của thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Thỏa thuận này có thể sẽ kết thúc cũng có thể được kéo dài hơn", ông Marzouq cho hay.
Tuy nhiên, nếu thỏa thuận này kết thúc, rất có thể giá dầu sẽ bước vào đợt lao dốc mới.
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng được các nước ký vào hồi cuối năm 2016 nhằm rút lượng dầu thừa trên thị trường đồng thời đẩy giá dầu lên cao. Theo đó, hầu hết các nước thành viên OPEC (ngoại trừ Nigeria và Libya) cùng với một số nước ngoài tổ chức trong đó có Nga đã cam kết cắt giảm sản lượng khai thác 1,8 triệu thùng/ngày. Trong đó 14 quốc gia OPEC cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày, các nước còn lại cắt giảm 600.000 thùng/ngày.
Thỏa thuận này ban đầu có hiệu lực từ tháng 1/2017 đến tháng 6/2017. Tuy nhiên, nhận thấy rằng hiệu quả cắt giảm vẫn chưa cao khi giá dầu vẫn giữ ở mức dưới 50 USD/thùng do Mỹ, Nigeria và Libya liên tục tăng sản lượng, phá vỡ nỗ lực của các nước trong và ngoài OPEC nên hồi tháng 5, các nước quyết định kéo dài thỏa thuận này sang tháng 3/2018.
Thế nhưng quyết định này lại gây thất vọng cho các nhà đầu tư khi trước đó họ kỳ vọng rằng mức hạn định cắt giảm sẽ được nâng lên trên ngưỡng 1,8 triệu thùng/ngày.
Nguồn tin: Ndh.vn